BÀ NỘI

DS Bài Viết

Tác Giả:

Bà mất, tính đến nay cũng đã gần hai mươi năm. Đối với tôi, tuổi thơ bên bà là những tháng ngày đẹp nhất trong cuộc đời này mà mãi tôi sẽ không thể nào quên được. Từ lúc sinh ra đến khi hơn ba tuổi, những ký ức đó tôi không thể nhớ nổi, cũng như không thể nào cảm nhận được. Nhưng tôi vẫn có thể tưởng tượng ra, qua lời kể của mọi người.

Tên của tôi là do bà nội đặt. Bà lên ủy ban xã làm giấy khai sinh cho tôi. Ở nhà bố mẹ gọi tôi bằng tên khác, nhưng tôi rất thích cái tên Đương của mình. Nó vừa cứng cỏi, hiên ngang lại ít khi bị trùng tên. Cái đời học sinh đi thi của tôi chỉ gặp đếm chưa hết ngón tay trên một bàn tay những người trùng tên với mình. Tôi lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ, ông bà và mọi người.

Thuở bé, chân tôi khá yếu, cứ nhũn nhùn ra, bước đi không nổi. Gần hai năm chưa biết đi khiến cả nhà lo lắng lắm. Bố mẹ làm được đồng nào là tìm mua đủ các loại thuốc uống như phi la tốp, cốm canxi... cho tôi, bà thì đi chợ mua con cá quả rồi cầm đầu nó thúc vào hai đầu gối tôi. Các cụ bảo chữa mẹo như vậy sẽ chóng biết đi. Thằng bé không đi được, cứ ngồi trên giường nói leo lẻo, hát hò đủ thứ. Cũng mãi hơn hai năm tôi mới đi được, cả nhà mừng lắm.

Tôi hơn ba tuổi thì mẹ sinh em trai. Có em tôi bị ra re, sang ngủ cùng với bà trên cái giường tre ngày trước ông đóng. Chiếc giường tre qua nhiều năm sử dụng, lớp vỏ ngoài trở lên trơn bóng, vuốt tay vào như đang vuốt thân một con lươn to.
 


Bà tôi dáng nhỏ và gầy. Hơn sáu mươi tuổi nhưng tóc bà vẫn còn rất nhiều sợi đen. Giống như người già ở nhiều tỉnh Bắc Bộ xưa, bà quấn chiếc khăn mỏ quạ lên đầu, thường ngày mặc bộ quần áo nâu, nhai trầu bỏm bẻm. Nhà có mấy cây cau, quả to là bà hái xuống, bóc vỏ, chẻ ra thành từng múi đem phơi khô. Giàn trầu bên hiên nhà bà chọn những lá hơi già, màu xanh đậm và đều. Cái bình vôi to tướng bà để ngâm vôi. Thỉnh thoảng chợ phiên, mẹ đi chợ về mua cho bà tấm vỏ cây chay để bà têm trầu. Thường thì bà têm trầu thành từng miếng rồi ăn. Cũng có nhiều hôm mệt hoặc ê răng, khó nhai, bà dùng chiếc cối giã trầu bằng vỏ đạn nhỏ dằm nhừ miếng trầu ra nhai cho dễ.
 


Quê thời đó chưa có điện, nhưng đêm hè nóng nực, bà thường lấy quạt mo, quạt nan phe phẩy, quạt mát cho tôi. Quạt mo làm từ bẹ cau khô, bà chặt xuống, cắt lá cau đi, chỉ giữ lại phần bẹ, rồi dùng vật nặng đè lên, để ngoài sân nắng mấy hôm là được cái quạt mo dùng. Mùa gặt bà thường giữ lại rơm nếp bện chổi. Bông lúa nếp gặt về bà không để bố mẹ dùng nẹp quấn rồi đập vào trục đá, mà dùng đũa tuốt hạt thóc để giữ nguyên cọng rơm. Cọng rơi phơi khô bà bện thành chổi, để nhà dùng vài cái còn lại đem đi chợ bán. Mùa đay, bà tuốt một ít vỏ đay, cạo sạch lớp ngoài cùng rồi phơi khô, bện dây thừng, dây chão. Thằng bé vừa nằm lim dim nghe bà kể chuyện, vừa được bà quạt mát, ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
 


Bà chiều và thương tôi lắm. Thấy tôi yếu chân, bà đi bắt cóc về, lột da, chặt đầu, chặt chân, bỏ hết nội tạng rồi băm nhừ rang lên cho tôi ăn. Cái cối đá to ở góc vườn trong đấy lúc nào cũng lúc nhúc những cóc và ếch bà để thịt dần cho thằng cháu. Rồi những hôm ông bẫy được chuột đất to bự, thể nào bà cũng làm món giả cầy cho thằng cháu háu ăn của bà.

Năm tôi vào lớp một thì mẹ sinh đứa em trai thứ hai. Thằng em kế tôi cũng lại ra re, nó liền sang ngủ cùng với tôi và bà. Hai anh em chuyên tranh giành nhau đứa nào sẽ nằm cạnh bà để được bà xoa bụng, được bà quạt mát, nhiều khi cãi nhau om xòm, có hôm phải chơi oẳn tù tì mới phân xử ổn thỏa.

Bố tôi mở tiệm sửa xe đạp, mẹ thì làm việc đồng áng. Bà ở nhà phụ giúp nấu cơm nước và những việc vặt khác cũng như trông nom anh em tôi để bố mẹ yên tâm làm ăn. Lớn lên học cấp một, đầu cấp hai tôi cũng bắt đầu giúp đỡ những việc nhỏ nhặt trong gia đình.

Được bố mẹ chiều chuộng, ít phải làm những việc nặng nhọc, đồng áng như các bạn cùng trang lứa, nên tôi lười lắm. Chỉ tìm cách trốn việc thôi. Bố mẹ cấy hái, gặt lúa ngoài đồng, kêu tôi ở nhà cơm nước, cắt rau về băm cho lợn, tôi toàn đùn cho bà. Có hôm đang đun cơm thấy bà về là thằng bé bắt đầu kêu lên.

- Bà ơi cháu đau bụng.
- Bà ơi cháu buồn đái.
- Bà ơi cháu buồn ị, bà trông bếp cho cháu một lát nhé!

Bà hiểu quá rõ tính thằng cháu, chỉ cười tủm tỉm rồi vào bếp nấu cơm hộ thằng cháu " ị non đái ép". Lừa việc cho bà là tôi chạy tót ra ngoài ngõ rồi mất hút đi chơi cùng lũ bạn đến tận trưa luôn.
 


Kỳ hai năm lớp tám, cũng là những ngày cuối cùng của cuộc đời bà. Dường như bà cảm nhận trước được điều đó. Bà may một bộ quần áo mới. Bố tôi cho bà tiền ăn quà, bà mua kẹo bánh rồi đi thăm con cháu nội ngoại một vòng. Buổi sáng hôm ấy, khi tôi tỉnh dậy thì bà đã nằm liệt giường, hoàn toàn không cử động gì cả.

Mặc cho bố mẹ, ông tôi tìm mọi cách cứu chữa, bà cứ nằm bất động như vậy. Bốn hôm sau, khi tôi và mẹ đang hái đỗ trên đồng, chị gái con bác tôi chạy hớt hơ hớt hải lên, chưa đến nơi đã thấy tiếng

- Thím ơi về mau lên, bà mất rồi!

Tôi và mẹ như rụng rời tay chân. Mẹ bỏ cái rổ đựng đỗ cho tôi cầm, vừa khóc vừa chạy một mạch về nhà. Tôi đứng bần thần, cảm thấy trong lòng như trống rỗng, chân nhích từng bước từng bước nặng nề.

Bà vẫn nằm trên giường, yên lặng như đang ngủ say. Hai đứa em tôi khóc om sòm. Bố, mẹ tôi cũng khóc. Ông tôi ngồi yên lặng mé đầu giường bên kia. Căn nhà một chốc bỗng đông nghịt người đến thăm hỏi và chia buồn cùng gia đình. Tôi đứng yên một góc nhà, cúi mặt xuống im lặng. Không khóc nhưng thực sự cảm thấy hụt hẫng, như mất đi một điều gì đó rất quan trọng trong cuộc đời.

Sau lễ tang, chiếc giường tre hai anh em tôi nằm với bà cũng bị đốt đi. Tục lệ quê tôi thường thế. Những gì còn lại về bà, là tấm ảnh trên ban thờ, và cái bình vôi bà vẫn hay ngâm vôi têm trầu để ngoài giếng.
 


Thời gian trôi đi nhanh quá, thoáng cái đã gần hai mươi năm, bà không còn trên thế gian này nữa. Cuộc đời sinh lão bệnh tử khó tránh, bà đã sống cả cuộc đời vì gia đình và ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Đối với tôi, bà như một phần ký ức của tuổi thơ, của những năm tháng khó quên dưới mái nhà đầy kỷ niệm.




 
Nguyễn Đương