Bốc mộ - hành trình cuối về cõi vĩnh hằng

DS Bài Viết

Tác Giả:

Một dịp để cả đại gia đình đoàn tụ sau những năm tháng xa cách có lẽ là yếu tố tích cực duy nhất của phong tục bốc mộ vẫn đang diễn ra trên một số tỉnh thành của Việt Nam.

 

Ô nhiễm môi trường, vất vả cho người còn sống và cả sự đau xót khi chứng kiến người thân đã khuất bị động chạm đến giấc ngủ vĩnh hằng khiến cho tục bốc mộ, theo quan điểm người thực hiện phóng sự này, có lẽ đang trở nên không còn phù hợp với thời đại.

Nguồn gốc của tục bốc mộ, có lẽ xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng cha mẹ tổ tiên, mong muốn những người thân đã khuất được “sạch sẽ”. Bốc mộ - cải táng có lẽ do không nỡ để cho thân xác người thân thuộc bị ngâm lâu trong nước bẩn, bị những tấm ván mục nát của quan tài đè lên. Gia quyến đào áo quan đã chôn lên, rửa sạch xương cốt người đã khuất, đặt vào hộp sắt nhỏ hoặc tiểu sành và chôn lại ở khu đất khác.

 Công việc bốc mộ thường chỉ được tiến hành sau khi mặt trời đã tắt với đèn pin là nguồn sáng duy nhất. 

 

Về tâm linh, các thầy phù thuỷ cho rằng người âm thuộc về bóng đêm, đặc biệt là đêm đông. Về khoa học, ban đêm với tiết trời lạnh lẽo là lúc thích hợp nhất để đưa lên một thi thể đang hoặc đã phân hủy, chứa nhiều khí và vi sinh vật độc hại, rất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bệnh tật, thậm chí dịch bệnh cho con người. Nếu chuyện này được làm giữa trưa nắng vào một ngày hè thì những nguy cơ và rủi ro sức khoẻ hẳn sẽ tăng lên đáng kể.

Theo tục lệ, sau 3 năm là có thể thực hiện công việc này. Gần đây, do sử dụng các loại thuốc, đặc biệt là các hoá chất điều trị ung thư, thân xác lâu phân huỷ hơn rất nhiều. Có những trường hợp sau 10 năm bốc lên vẫn còn dính thịt tại các khớp xương.

 Một thi thể vừa được nhấc ra khỏi huyệt mộ. 

 

Chuyện bốc nhầm mộ không phải là hiếm. Do trời tối, thời tiết mưa gió, sức người mỏi mệt, nhiều nấm mộ giống hệt nhau đã gây nên nhầm lẫn. Vì vậy, gia quyến thường dọn cỏ, chặt cây bên mộ từ sáng sớm để thuận tiện cho công việc ban đêm.

 Xương người được rửa và loại bỏ những mô mỡ chưa phân huỷ hết.

 

Công việc độc hại này ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ các phu bốc mộ. Nhiều người đã nhiễm các bệnh hô hấp và da liễu do phải tiếp xúc thường xuyên với tử thi phân huỷ. Ngoài ra, nước thải và rác thải từ việc bốc mộ gây ô nhiễm môi trường nặng nề với mùi xú uế và nguy cơ gây bệnh.

 Thầy Định đang sắp xếp xương vào tiểu theo đúng trình tự. 

 

Trong bối cảnh nhiều trường hợp lợi dụng mê tín để lừa đảo bị phát hiện thì vẫn có những người làm công việc này vì cái tâm như thầy Định. Ông cho rằng cái chết đã là sự chấm dứt của con người tại thế giới này nhưng ông vẫn làm công việc mồ mả một cách cẩn thận nhất để gia quyến được yên lòng với người đã khuất.

Từng đốt xương nhỏ nhất cũng phải được tìm thấy để đưa sang “nhà mới”. 

 

Nhiều chuyện tâm linh rất khó có thể cắt nghĩa, giải thích. Có người cho rằng: Một bệnh nhân hỏng não, sống đời sống thực vật còn chẳng tác động được gì tới người thân, huống chi là người đã chết. Ngược lại, cũng có cách nhìn nhận như sau: Những chiếc điện thoại được kết nối với nhau bởi những tần số vô hình, không ai nhìn thấy, chẳng ai nghe được nhưng nó vẫn đang tồn tại.

 Gia quyến làm lễ cho người thân sau khi đã được sắp xếp hoàn chỉnh vào tiểu.

 

Là một phong tục đang dần trở nên lạc hậu so với thời đại, nhưng đối với một số người, bốc mộ vẫn được coi là chuyện đại sự. Nó không chỉ là việc chăm sóc cho người thân đã khuất, thậm chí còn được coi là có liên quan đến sự hưng suy của gia tộc. Biết bao gia đình khác, bao dân tộc khác không bốc mộ, liệu tương lai con cháu họ có bị ảnh hưởng hay không, là câu hỏi không dễ trả lời.

Căn nhà mới của người đã khuất. 

 

 

Theo Dương Quốc Bình (báo Lao Động online)