Bức tranh

DS Bài Viết

Tác Giả:

Hồi nhỏ tôi là đứa trẻ hơi kỳ quặc. Tôi giao tiếp bằng các bức tranh thay vì lời nói. Tôi đặc biệt yêu thích nghệ thuật hội họa, có lẽ vì thừa hưởng gen nghệ thuật của cha.

Cha tôi là một nghệ nhân. Tuy nhiên, ông không muốn tôi chọn nghệ thuật. Là một con người suốt đời cống hiến cho nghệ thuật, ông biết cái giả phải trả cho nó đắt như thế nào. Có lần tôi hỏi cha: “Có bao giờ cha hối hận vì đã chọn sống hết đời mình cho nghệ thuật hay không?”. Ông nói: “Cha không hối hận.” Tôi hỏi tiếp: “Thế tại sao cha không muốn con chọn nghệ thuật cho đời mình?” Ông không trả lời mà nhìn tôi khẽ lắc đầu. Mẹ nói tôi giống cha, bướng bỉnh và ngông cuồng.

Dù không ủng hộ tôi theo nghiệp vẽ vời, nhưng cha luôn trân trọng những thành quả của tôi. Các bức vẽ được treo khắp nhà, từ phòng khách đến gian bếp đều đầy rẫy những nét vẽ non nớt của tôi. Cha muốn tôi thấy rằng, cha luôn ủng hộ tôi chọn cuộc sống cho mình, và muốn tôi phải chịu trách nhiệm với cuộc sống mà tôi đã chọn. Tôi theo cha đi khắp nơi. Đi đâu tôi cũng mang theo vài cây màu và cuốn tập vẽ. Tôi cũng không hiểu sao mình lại mê vẽ đến thế, nếu như không phải bọn gen sinh học trả lời cho tôi câu hỏi đó. Mùa hè năm đó, hai cha con tôi lang thang trên bờ biển làm thú vui. Cha nằm dài trên bãi cát, trùm kín mũ trong khi tôi ngồi vẽ say sưa. Nhưng quả thật là lúc đó, tôi không có hứng thú. Nhiều bức vẽ dở chừng rồi lại bỏ. Tôi nản chí, định bảo cha quay về nhưng thấy cha đã ngủ say nên tôi mặc ông nằm đó, vác giá vẽ đi nơi khác. Nhủ bụng lần này sẽ vẽ bất kỳ những gì mình nhìn thấy, tôi chọn một gốc cây dương mát mẻ rồi nhìn ra biển. Những nét vẽ đầu tiên xuất hiện trên trang giấy trắng, là biển xanh.

Lần ấy, tôi đã vẽ say sưa mà không hề biết rằng mình đã vô tình tạc luôn một bóng người trong ký ức mình. Cậu bé ấy ngồi yên một chỗ, chốc chốc lại nhặt vài viên đá rơi vãi đâu đó rồi ném ra biển. Tôi không biết là mình đã chăm chú vào cậu bé ấy, cứ vẽ những gì hiện có, vẽ vào giấy và vẽ cả vào trí nhớ. Khi bức vẽ của tôi hoàn thành thì trời đã xế chiều, cậu bé ấy cùng một người đàn ông cao lớn đi ngang qua tôi. Lúc ấy, tôi thoáng thấy mặt của cậu. Đôi mắt hẹp, dài và buồn trên một gương mặt sắc nét, lạnh lùng.

“Về thôi, con gái. Để xem hôm nay con đã vẽ gì nào?”

Cha từ đâu đến, cầm bức vẽ của tôi lên rồi ngắm nghía. Xong, cha khẽ cười.

Năm thứ hai tại trường trung học, tôi theo cha về quê thăm họ hàng nên nhập học trễ. Ngày đầu tiên trở lại trường, một vài người bạn cũ vây quanh tôi, họ kể tôi nghe chuyện những ngày đầu lớp học. Rằng lớp trưởng mới là một người cực kỳ máu lạnh nhưng khá điển trai. Tôi mường tượng trong đầu mình hình ảnh một cậu chàng dáng vẻ đường hoàng, tươm tất nhưng có phần cao ngạo. Lớp trưởng trong tâm trí tôi luôn như thế. Phải đường hoàng thì mới làm lớp trưởng được, kiêu căng là tất nhiên rồi, vì cậu ta có quyền lực mà.

“Thế cậu ta tên là gì nhỉ?” – tôi hỏi.

“Mai Vũ Duy”

“Mai Vũ Duy à? Cái tên đẹp nhỉ? – tôi xuýt xoa, cái tên thật là đẹp.

Khi Duy bước vào lớp cũng là lúc trống đánh. Tôi đứng như trời trồng, vì nhập lớp muộn nên phải chờ cô xếp chỗ. Oái ăm thay, cái chỗ trống duy nhất còn lại trong lớp chính là chỗ ngồi bên cạnh Duy. Lúc tôi đặt cặp xuống bên cạnh, cậu ta chẳng thèm liếc xéo lấy một cái, mặt mày lạnh tanh. Nhìn Duy, tôi có cảm giác đó là một tảng băng trôi. Nhưng có một điều khiến tôi chú ý. Đó là cặp mắt dài, hẹp của Duy, nó làm tôi nhớ đến cậu bé trong bức vẽ năm nào. Tan học, tôi ùa vội về nhà, lật tung hết những bức vẽ cha đã cất kỹ trong tủ. Ngắm lại cái dáng trong bức tranh, cùng với ký ức mơ hồ quay ngược lại, cộng với trực giác của mình, tôi tin mình đã gặp lại cố nhân. Tôi tin chắc, cậu bé trong bức tranh này chính là Mai Vũ Duy.

Duy học giỏi. Đó là điều mà ai cũng biết. Nhưng có những điều chỉ riêng tôi biết. Duy học giỏi đều các môn, trừ  ba môn văn, âm nhạc và mỹ thuật. Cậu ta hát sai tất cả các bài hát mà giáo viên hướng dẫn chúng tôi. Còn về khoản vẽ, thì phải nói rằng Duy vẽ rất tệ. Tôi không hiểu sao Duy học giỏi toán, giỏi hình học nhưng mỹ thuật lại rất kém. Mà nói đúng ra là do Duy không có kiên nhẫn, cậu ta chẳng bao giờ ngồi yên trong giờ vẽ, hết ngọ nguậy chỗ này lại nghịch ngợm chỗ kia. Cậu ta có những thú vui riêng mình, chẳng cần ai chơi cùng, một mình ngồi xếp những khúc gỗ thành đủ thứ hình thù. Tôi lấy làm lạ vì Duy chẳng bao giờ cười, cũng không nói chuyện với tôi ngoài những lúc cần giúp đỡ. Tuy trong lớp, tôi là một đứa lập dị nhưng ít ra cũng có vài đứa bạn chung hội, còn Duy thì không hề.

Tôi bắt đầu có thói quen để ý đến Duy. Mọi hành động của cậu ta tôi đều biết hết. Mỗi lần Duy không thuộc bài là tôi lại phải nhắc, chép bài tôi mỗi lần kiểm tra văn, đổi sách âm nhạc cho tôi mỗi lần thầy bắt xướng âm, mượn tập vẽ của tôi mỗi lần thầy kiểm tra bài. Thế rồi, tôi cũng có thói quen chuẩn bị riêng cho cậu ta một cuốn tập vẽ. Tôi cố tình vẽ các bức vẽ xấu xấu một chút để đánh lừa mọi người rằng tất cả những bức tranh đó đều là do Duy vẽ. Chúng tôi đã trao đổi với nhau, tôi giúp cậu ta thoát khỏi môn vẽ với điều kiện cậu ta phải dạy toán cho tôi. Vì điểm yếu của Duy là thế mạnh của tôi, và ngược lại. Tôi không cần danh hiệu, nhưng Duy cần học giỏi. Môn mỹ thuật và âm nhạc đã làm cậu ấy rớt hạng suốt mấy tuần liền, vì thế, cậu ta đồng ý điều kiện của tôi. Đó chính là cuộc giao dịch đầu tiên trong cuộc đời tôi, và cũng từ đó, cánh cửa cuộc đời Duy mở ra trước mắt tôi.

Duy không chịu để tôi sang nhà cậu ấy mỗi lần học chung mà thường là cậu ấy xuống nhà tôi. Cậu ta lầm lì, ít nói. Những gì cần nói thì mới nói. Thế nên suốt buổi học, chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau vài câu. Đó là những lúc tôi bí bài. Nhưng tôi thường bắt gặp Duy lẳng lặng ngắm nghía những bức tranh treo đầy nhà tôi, vẻ mặt Duy lúc ấy thật không biết nói là vui hay buồn. Có cái gì đó man mác, nao nao. Cha tôi là một người tinh ý, ông nhận ra điều ấy ngay trong ánh mắt Duy. Sau này, cha nói với tôi, rằng Duy là một cậu bé cô độc. Tôi không biết vì sao cha nói về Duy như thế, nhưng nhớ lại những lúc ở lớp, tôi cảm thấy cha nói đúng.

Duy không nói chuyện nhiều với tôi, nhưng cậu lại hay trò chuyện với cha tôi. Có lần tôi vác giá vẽ đi đâu đó suốt buổi chiều, đến khi trở về nhà mới thấy Duy đang nói chuyện với cha. Lần ấy, Duy cười. Lần đầu tiên tôi thấy Duy cười. Trong khoảnh khắc đó, tôi tự nhiên thấy nhẹ lòng. Lúc ấy mới chợt biết rằng lâu nay có một điều gì đó đè nặng trong lòng, là vì chưa bao giờ thấy Duy cười. Nụ cười của cậu ấy thật hiếm hoi quá, cứ như sao băng vậy, xẹt qua rồi mất hút. Sau lần đó, tôi hỏi cha, ông nói: “Cha hứa dạy nó làm đồ gốm nên nó vui ấy mà”.

Duy bắt đầu sang nhà tôi thường xuyên hơn, thường là làm việc với cha tôi. Tôi, tự khi nào không biết, bắt đầu hình thành thói quen nhìn cậu ấy làm việc. Nhìn mặt Duy lấm lem bùn đất ngồi chăm chú bên bàn xoay cũ kĩ của cha, tôi bật cười. Cậu ấy giống như “Hoàng tử bé” hồn nhiên vậy. Rồi từ lúc nào tôi có thói quen vẽ cậu ấy. Dĩ nhiên là Duy không hề hay biết gì về điều đó. Những bức vẽ cậu ấy, tôi cất giấu kỹ trong một ngăn bí mật, cả cha tôi cũng không hề biết.

Từ ngày sang làm gốm chung với cha, Duy thân thiện với tôi hơn, và cậu cũng cười nhiều hơn. Tôi biết Duy phải học giỏi để vừa lòng cha mẹ, dù cho họ chẳng bao giờ quan tâm Duy muốn gì, thích gì. Cha Duy là một người nghiêm khắc và mẫu mực, ông luôn đòi hỏi con trai của mình phải thật hoàn hảo, dù những điều đó khiến Duy không được sống thật với chính mình. Cha tôi thường nói với tôi: “Duy là một cậu bé đáng được yêu thương và quan tâm. Những gì nó phải trải qua, con không thể tưởng tượng nổi đâu. Nó là một đứa trẻ cô độc.” Nhưng tôi dần dà khó chịu. Vì cái tên “Mai Vũ Duy” dần dần trở thành tâm điểm của cha mẹ tôi. Cha càng ngày càng yêu mến cậu ấy, sự quan tâm của mẹ cũng chia đều cho cả hai. Tôi có cảm giác vị trí của mình trong lòng cha mẹ ngày càng tụt hạng dần, giống như xếp hạng học tập trong lớp vậy. Tôi đâm ra khó chịu. Từ đấy, tôi vác giá vẽ đi nhiều hơn, lang thang rong chơi khắp thôn rồi về nhà vào bữa cơm chiều. Cha mẹ cũng chẳng mấy quan tâm đến những biểu hiện của tôi nữa. Trong mắt cha, lúc nào cũng có Mai Vũ Duy.

“Hôm nay cha có một chuyện muốn nói với hai mẹ con, một chuyện quan trọng.”

Cha cất lời khi mọi thức ăn đã được dọn lên. Bàn ăn hôm nay cũng khác mọi ngày, toàn những món ngon mà cha con tôi thích. Vừa lúc Duy từ trên lầu đi xuống. Cha trìu mến: “Lại đây Duy”. Tôi ngạc nhiên nhìn cha.

“Hôm nay, cha muốn thông báo với cả nhà, cha muốn nhận Duy làm con nuôi của cha…”

“Cha” – Tôi ngỡ ngàng, không nghĩ là mình vừa lên tiếng. Nhưng bên tai rõ ràng là giọng nói của tôi. Tôi nhìn Duy trân trối, rồi lại nhìn cha, nhìn mẹ. “ Con không đồng ý.”

Rồi bỏ qua ánh mắt mẹ ngỡ ngàng, thoáng qua cái lắc đầu của cha và vẻ mặt lạnh tanh của Duy, tôi chạy vào phòng, đóng sập cửa, quăng mình lên giường. Thế là Duy đã cướp mất cha mẹ của tôi. Bấy lâu nay cha mẹ chỉ biết có mình tôi, vậy mà bây giờ lại có thêm Mai Vũ Duy. Tôi đã lo sợ điều ấy, từ lâu tôi đã lo sợ sẽ có ngày cha mẹ cho tôi ra rìa. Mai Vũ Duy, tôi bỗng thấy ghét cậu ta ghê gớm. Tôi đã giành mọi tình cảm tốt đẹp cho cậu ta thế mà cậu ta lại đối xử với tôi như thế. Cậu ta là kẻ cắp, cậu ta ăn cắp tình thương mà cha mẹ dành cho tôi. Lẽ ra tôi phải nhận ra điều ấy sớm chứ? Cha lúc nào cũng khen Duy, còn tôi, cha chẳng hề khen lấy một lần. Cậu ta đâu có vẽ đẹp bằng tôi. Tại sao cha lại coi cậu ta hơn tôi chứ?

Đêm đó, tôi đem tất cả những bức vẽ Duy ra xé sạch toàn bộ. Tôi không muốn nhìn thấy cậu ta. Tôi không muốn cậu ta chen ngang phá vỡ hạnh phúc của gia đình tôi. Tuy nhiên, tôi đã quên không xé luôn bức vẽ cậu ta ngồi bên bờ biển, vì cha đã cất nó chung với những bức vẽ khác. Tôi quyết định chiến tranh lạnh với Duy. Tôi không cho cậu xem bài của mình nữa, cũng không thèm nhờ cậu ta chỉ bài nữa, dù cho cậu ta có đôi lần hoặc vô tình, hoặc cố ý cứu cánh mỗi khi tôi tịt ngòi. Tôi cố tình gây sự với Duy mọi lúc, ở nhà hay ở trường. Duy chỉ phản ứng bằng sự thinh lặng.

Tôi mang nỗi ấm ức với Duy suốt những năm tháng sau này. Tôi vẫn còn nhớ có một lần tôi gây sự, đánh Duy rồi bỏ lên phòng mình. Đêm đó, cha ngồi bên giường tôi, xoa đầu tôi và nói: “có hiểu thì mới có thương, chừng nào con hiểu được Duy con sẽ hiểu vì sao cha làm thế.” Cho đến lúc hấp hối, cha còn nhắc lại điều ấy. Nhưng nỗi đau khi cha ra đi quá sớm khiến tôi không còn tâm trí nghĩ nhiều như thế nữa. Tôi chỉ biết gào khóc gọi cha trở về, còn mẹ ngất lịm trong vòng tay Duy. Năm ấy, chúng tôi mười lăm tuổi.

Tất cả những kỷ vật của cha được cất vào một phòng riêng. Bộ đồ làm gốm cha bảo để lại cho Duy, còn căn nhà cũ vẫn để nguyên nơi đó. Cha nói đó là của hồi môn dành tặng tôi khi lấy chồng. Có lẽ cha đã biết trước cái chết đến sớm với mình, vì vậy mà mọi thứ cha đều đã xếp đặt từ sớm. Cha mất rồi, mọi việc dồn lên vai mẹ, nếu không có Duy đỡ đần chắc mẹ tôi vất vả nhiều lắm. Còn tôi chỉ là một con nhóc vô dụng suốt ngày thương nhớ cha, than khóc sụt sùi. Tôi nhốt mình trong phòng suốt mấy ngày liền. Duy gõ cửa, tôi không cho vào. Tức mình, cậu ta trèo cửa sổ mà vào. Thấy tôi nằm dán mặt vào gối khóc thút thít, cậu ta chỉ đứng nhìn. Lát sau, Duy vỗ vai tôi hai cái rồi đi ra ngoài. Cha tôi thương cậu ta như vậy, thế mà từ ngày cha mất, cậu ta chẳng hề khóc một giọt nào.

“Thưa ông, bức tranh này không bán được ạ!” – Tiếng của Thư vang vang trước cửa phòng. Xen lẫn là tiếng xì xào của ai đó, tôi nghe không rõ cho lắm. Một lúc sau, bỗng đâu Thư xô cửa bước vào, mặt mày bí xị.

“Chị Mai, có ông khách đòi mua bức “Biển chiều”, em nói không bán được mà ông ta chẳng chịu đi cho, cứ nhất quyết đòi mua bằng được. Chị ra giải quyết vụ này đi.”

Tôi đặt cọ xuống, nhìn bức tranh đang vẽ dở, rồi lại nhìn Thư.

“Em bảo ông ta chịu khó mua bức khác được không, bức ấy không bán được. Chị đang bận mà.”

“Em nói rồi, nhưng ông ta không chịu. Ông ta nói nhất quyết phải mua được bức tranh này.”

“Vậy em ra nói với ông ấy là chị bận, hiện giờ không tiếp khách được, bảo ông ta vui lòng để lại địa chỉ, chị sẽ liên lạc với ông ta sau. Liệu có được không nhỉ?”

“Sao chị không ra nói với ông ấy luôn cho tiện?”

“Chị đang vẽ mà, em biết tính chị đó, chưa hoàn thành xong bức vẽ thì sẽ không ra khỏi phòng mà.”

“Chị thật kỳ quặc.”

Thư bỏ lại câu nói đó sau khi bước ra khỏi phòng. Tôi bật cười, lúc trước ai cũng bảo tôi lập dị, còn bây giờ Thư bảo tôi kỳ quặc. Lập dị hay kỳ quặc, có lẽ cũng chả khác gì nhau, tôi nghĩ. Rồi lại tiếp tục vẽ nốt bức tranh đang dở.

Căn phòng chỉ có một chút ánh sáng từ ô cửa nhỏ trổ tạm bợ trên một góc tường. Xung quanh tôi là màu vẽ vương vãi. Thư thường phàn nàn về sự bừa bộn của tôi, bởi sau mỗi lần tôi rời phòng vẽ là Thư lại phải đi dọn dẹp một đống màu be bét trên nền nhà.

“Ông khách kia đâu rồi hả em?” – Tôi bước ra khỏi phòng với bộ dạng lấm lem, đầu tóc rối bù, trong người có cảm giác khó chịu.

“Giờ chị mới nhớ tới ông ta à? Ông ta đã đi khỏi đây từ chiều hôm qua rồi.”

“Sao?” – Tôi giật phắt, nhìn lên tờ lịch rồi nhìn đồng hồ. Tôi đã ở phòng vẽ suốt 12 tiếng mà không hay biết thời gian đã trôi qua nhiều như thế nào. Thảo nào tôi vẫn thấy bụng mình chốc chốc lại sôi sùng sục, hóa ra là vì đói.

“Ông ấy để lại cho chị cái cardvisit, em kẹp trong quyển sổ khách hàng đó. Chị xem đi.”

Tôi bước lại quầy sổ sách, lấy quyển sổ bìa vàng lật ra xem. Tất cả khách hàng đến mua tranh, tôi đều lưu lại tên tuổi và địa chỉ trong này. Tấm card được kẹp ngay trang bìa. Xem nào. “Anthony Nguyen”

“Anthony Nguyễn?” – Tôi buột miệng –“ hay là Anthony Nguyện, Anthony Nguyên? Ông khách này sính ngoại nhỉ?”

Thư bịt mồm cười trước thắc mắc của tôi. Thật chẳng biết ông khách kỳ quái nào lại đòi mua bức tranh ấy. Tôi tháo bức “Biển chiều” xuống đem vào phòng riêng. Đó là kỉ niệm duy nhất về Duy còn sót lại sau lần tôi hủy hết các bức vẽ về cậu. Kỉ niệm đầu tiên và cũng là cuối cùng. Vô tình tìm thấy trong một lần dọn phòng của cha, tôi mừng rỡ vì ngày đó mình đã không xé bức tranh này. Cũng thầm cảm ơn cha vì đã bảo quản nó giúp tôi. Tôi mỉm cười, mơ màng nhìn từng nét vẽ dần nhòa đi trong mắt. Từ ngày cha mất, tôi vẫn chưa gạt bỏ mọi rào cản trong lòng để gần gũi với Duy như lời ông muốn. Dù vậy, tôi vẫn hết sức bất ngờ khi nghe mẹ nói rằng ngày trước, cha mẹ muốn sau này tôi sẽ lấy Duy. Đó cũng là tâm nguyện mà cha tôi hằng mong, ấp ủ. Và ngạc nhiên hơn nữa là Duy cũng biết điều đó. Tôi không hiểu cảm giác của mình khi biết được bí mật đó như thế nào. Chỉ nhớ rằng khi ấy, mọi thứ nhòa đi. Tất cả những gì chúng tôi đã từng có cứ lặng lẽ mờ xa trong ký ức. Chỉ duy nhất còn lại bức tranh “biển chiều” in đậm trong tiềm thức tôi. Trong lần gặp gỡ hiếm hoi với Duy khi chúng tôi mười tám tuổi, tôi đã hiểu lời cha tôi nói năm đó -  “Duy là một cậu bé cô độc.”

Sau khi học hết trung học, tôi được gửi vào Sài Gòn ở với một người họ hàng và học phổ thông tại đó. Ba năm miệt mài học tập cuối cùng cũng hái được thành quả ngọt ngào. Tôi thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật thành phố. Năm ấy, vừa về quê thăm mẹ và báo tin vui thì tôi nghe tin cha của Duy qua đời. Chứng đột quỵ mang ông đi quá nhanh khiến mọi người ngỡ ngàng. Mới hôm trước còn là một người sống động, cười nói hôm sau đã là một cái xác không hồn, chẳng kịp chuẩn bị gì cho chuyến đi xa mãi mãi này, cũng chẳng kịp trối lại điều gì. Tôi bỗng nhớ cha tôi ngày trước, ông biết trước cái chết đến sớm với mình, vì thế mà đã sắp xếp mọi thứ chu toàn. Khi cha mất tôi mới biết ông bị ung thư từ lâu. Trong khi mẹ và Duy đều biết thì tôi lại như một con ngốc, vô tâm đến độ cha mình mắc bệnh cũng không hay.

Tôi gặp lại Duy trong đám tang của cha cậu. Nhưng cũng như ngày trước, chúng tôi không nói gì với nhau, thậm chí là tôi đã cố tình tránh mặt cậu. Tôi chỉ đứng từ xa mà nhìn đoàn người tiễn đưa trong buổi chiều lất phất mưa bay đó. Trời âm u và trời buồn lắm. Sau cùng, mọi người đã ra về từ lâu, chỉ còn trơ lại một mình Duy đứng như tượng đá trước mộ. Im lìm. Lạnh lẽo. Từ xa nhìn lại, tôi bất chợt thấy bờ vai mình run lên. Không gian mênh mông hẳn ra. Cái yên lặng đáng sợ nơi nghĩa trang không còn làm chủ được mình trước cơn mưa chiều rào rạt ập tới. Duy vẫn đứng đó, buốt lạnh dưới màn mưa mà chẳng hề nhúc nhích. Tôi đứng một lúc rồi mang dù ra che cho Duy, nhưng cậu cũng chẳng màng. Gương mặt Duy lạnh tanh, trắng bệch, hai con ngươi nhìn xoáy sâu vào tấm bia trước mộ. Bỗng Duy ngã khuỵa xuống. Tôi đưa tay nâng đầu Duy để tựa lên vai mình. Tôi không hiểu vì sao trong giây phút đó tôi lại làm như thế đối với một kẻ mình vốn mang hiềm khích. Tôi chỉ cảm thấy rằng có một nhành mai đang vật vã dưới cơn mưa, cố vùng vẫy để tránh muôn vàn hạt nước lạnh buốt kéo cánh hoa lìa cành. Bờ vai Duy run lên trước mắt tôi, đôi tay run rẩy của cậu siết chặt lấy tôi, càng lúc càng mạnh. Tôi mín môi cố chịu đau, chiếc dù rơi xuống. Đưa tay kéo Duy vào lòng mình vỗ về, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình trở thành chỗ dựa cho ai đó. Lần đầu tiên trong đời mình, tôi thấy tôi giành cho Duy một thứ tình cảm khác, rất khác với trước đây. Có một bàn tay nào đó đã xé toạc tấm màn mây chắn trước mặt tôi, và điều đầu tiên tôi thấy là vầng trán của Duy, là sức nặng đang đè lên vai tôi, là nỗi đau chung mà hai đứa đã từng trải qua. Hai con người nương tựa vào nhau dưới cơn mưa trắng xóa, lạnh lẽo. Duy ngước nhìn tôi, đôi mắt hoe đỏ nhưng gương mặt vẫn chẳng có tí cảm xúc nào. Tôi không nghĩ cậu ta vừa khóc. Hoặc giả cậu ta cố giấu nước mắt vào mưa.

Tôi đưa Duy về nhà mình, đỡ cậu nằm lên giường rồi ra ngoài. Trong phút giây ấy, tôi phát hiện bàn tay Duy nắm chặt tay tôi. Bàn tay ấy cũng lạnh buốt, cứ như thể cả con người này được cấu tạo từ băng giá vậy.  Tôi thấy rùng mình trước cái lạnh đó, nó như thấm vào da thịt, vào tim tôi và vào cả tâm hồn tôi. Hít một hơi dài, tôi cố gỡ tay mình ra khỏi tay Duy. Mắt cậu nhắm nghiền, hơi thở đều dần và bàn tay cũng buông lỏng dần. Duy đã ngủ. Đôi mắt hẹp, dài ấy khép lại khiến cho gương mặt cậu trẻ con hơn, thanh thản hơn. Khi ngủ, trông Duy cứ như một chàng thiếu niên mười ba mười bốn.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp Duy. Sau đó thì tôi được tin cậu đi Mỹ du học. Có vài lần nhận được bưu thiếp của Duy gửi về. Cậu chẳng nói gì nhiều ngoài lời chúc sức khỏe và một bông hoa mai. Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn hỏi thăm chuyện tôi và Duy như thế nào, nhưng rồi tôi gạt đi. Nhiều năm trôi qua, chúng tôi mỗi người một phương trời, cũng chẳng có một lời hẹn ước, ai dám tin và mong mỏi vào một điều mong manh đến vậy?

Nguyễn ngồi đối diện tôi trong quán café, ánh đèn mờ phản chiếu lên gương mặt anh ta một lớp như sương ảo khiến tôi không thể nhìn rõ từng đường nét trên đó. Anh ta cười và nhấp một ngụm café đen. Bản Swanlake nhẹ nhàng, êm êm chiếm trọn không gian khiến tôi cũng bắt chước thầm ngâm nga theo. Bất chợt, người đàn ông cất tiếng.

“Cô mở phòng tranh được bao năm rồi, cô Mai?”

“Hai năm” – tôi vẫn đang chăm chú vào điệu nhạc mê hồn đó.

“Có vẻ như cô Mai không những vẽ giỏi mà còn có thiên khiếu âm nhạc?” – Anthony Nguyễn cất giọng vẻ châm chọc.

“Vâng thưa ông. Liệu tôi có thể gọi ông là gì cho tiện nhỉ? Mr. …”

“ Nguyễn.” - Anh ta ngắt lời -  “Và gọi tôi là anh thôi, tôi chưa quá già đến mức cô phải gọi là ông chứ?  - Nguyễn nhún vai.

 “Vâng, anh Nguyễn. Tôi muốn biết tại sao anh lại muốn mua bức tranh đó? Nó không phải là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Mà nói cho đúng hơn thì nó chỉ là một bức vẽ bình thường của một đứa con nít, những nét vẽ còn ngây ngô chưa cứng. Một người thích chơi tranh như anh đây, chắc cũng nhìn ra được điều đó chứ?”

“Cô mở phòng tranh là để bán tranh, đúng không?” – Anh ta bắt đầu lên giọng – “Nếu một tác phẩm không có giá trị gì thì người ta có trưng bày ra không? Hay còn có lí do nào khác?”

“Tôi sẵn sàng bán cho anh một bức tranh khác, còn riêng bức tranh đó, như tôi đã nói, tôi sẽ không bán. Còn việc tôi trưng bày trong phòng tranh của mình, đó là bởi tôi có lí do riêng. Thú thật với anh, đó là bức tranh kỉ niệm đối với tôi. Nó vô giá.”

“Với tôi,… “ –  giọng Nguyễn lập lờ– “ bức tranh đó cũng là một kỉ niệm. Cô có biết không, nhìn vào bức tranh đó, tôi cảm thấy cậu bé đó thật cô độc. Giữa biển khơi mênh mông, khi mọi thứ giao hòa trong nhau thì cậu bé đó lại ngồi một mình. Cái dáng vẻ cô độc toát ra từ tấm lưng cong buồn tẻ ấy khiến tôi nhớ về một người trong quá khứ…”

“Tôi hiểu, đó cũng là cảm giác của tôi, anh Nguyễn ạ. Chính thế mà tôi không bán nó cho anh được.”

Nguyễn cười nhẹ. Bàn tay nhịp nhịp trên mặt bàn. Cái dáng vẻ của anh ta thật khiến tôi khó chịu. Tôi cau mày.

“Cậu bé trong bức tranh đó, chắc có lẽ là một người đặc biệt với cô, đúng không?”

“Tôi có thể không trả lời câu hỏi này của anh không?”

Nguyễn nhìn quét qua người tôi một lượt, cuối cùng, anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi và nói:

“Cô Mai, tôi muốn hỏi điều này?”

“Điều gì xin ông cứ hỏi.”

“Cô…tên thật của cô là gì? Không phải tên Mai đó chứ?”

Tôi giật bắn người, đặt vội ly café lên bàn.

“Vì sao ông lại hỏi tôi như thế?”

 Nguyễn bật cười. Tôi chợt run run khi nhận ra có cái gì đó vừa lạ lùng, vừa quen thuộc. “Người đàn ông này…. Anh ta…” . Tôi còn chưa kịp nghĩ ra thì Nguyễn đã tiếp lời.

“Trước đây, tôi có một người bạn giống như cô vậy, cả ngoại hình và tài năng. Nhưng cô ấy không phải tên Mai. Tên của cô ấy là Nguyễn Tường An.”

Ánh đèn trước mắt tôi trở nên sáng lóa, tất cả những kỷ niệm xưa kia như ùa về lấp đầy khoảng trắng của nhớ nhung. Tôi mơ hồ cảm thấy người mình nặng trịch, còn Nguyễn đang đỡ lấy thân tôi. Bàn tay anh ta lạnh buốt. Khi khoảng cách giữa chúng tôi gần nhau đến độ có thể cảm thấy hơi thở của nhau, tôi mới nhìn rõ gương mặt anh ta. Đôi mắt dài và hẹp trên gương mặt sắc lạnh. Chiếc giỏ trên tay tôi rơi xuống, và bức tranh nằm im lìm trên đất.



 

Lã Hoài Mai
SV Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM
Xin chân thành cảm ơn bạn!