CÁNH ĐỒNG TUỔI THƠ

DS Bài Viết

Tác Giả:

Thoát khỏi những năm thời bao cấp, nghề phụ, buôn bán ở quê hầu như chẳng có gì. Thời bao cấp nhà nước cấm làm ăn buôn bán cá thể mà. Cuộc sống dân quê hầu như bám vào mảnh vườn nhà, cái ao nuôi cá , và mấy sào ruộng Hợp tác xã chia cho. Tuổi thơ chúng tôi, như cùng hòa vào trong không khí lao động hối hả ấy, với biết bao kỷ niệm đáng nhớ trên cánh đồng quê.

Quê tôi, quê hương chị Hai năm tấn, ngày trước từng là vựa lúa của miền Bắc, thế nên cánh đồng rộng , thẳng cánh cò bay, bằng phẳng, chứ không có gò đồi gì cả. Những năm đó xóm làng cây cối rậm rạp, dọc theo các con mương, người ta cũng trồng rất nhiều cây. Ngay bờ mương nhỏ trước cổng nhà tôi, là một dọc phi lao, to và cao cỡ hơn chục mét. Xa hơn dưới cánh đồng là rặng bạch đàn chạy dọc suốt mấy con mương lớn. 
Giữa cánh đồng có một cây đa rất to, bên cạnh có một ngôi nhà xây bằng gạch ngói đã cũ nát, bị bỏ hoang từ lâu. Bên bờ mương, nhiều loại cây cỏ mọc, như cây tài bi, cây dăm tăm, cây xương cá, cây lưỡi rắn……, nhiều loại cây cỏ dại cũng chẳng biết tên gì nữa. 
Tháng Giêng, ăn Tết xong, mọi người bắt tay vào làm ruộng để cấy vụ đông xuân. Năm nào thời tiết thuận lợi thì cày cấy trước Tết.

Đầu tiên là làm đất. Những thửa ruộng nhỏ, mọi người thường cuốc đất. Những thửa to hơn có thể thuê trâu bò cày. Các thửa ruộng rất lớn, người ta thuê máy cày về cày bừa. Cuốc đất là đơn giản nhất. Mang cuốc ra đồng, hì hụi cuốc. Quê khi ấy tính ruộng bằng sào, bằng thước. Đất đai quê tôi chẳng phải là nhiều, vì dân đông. Nhà nào nhiều thì có cỡ một mẫu. Có nhà ít khẩu chỉ có vài ba sào.
Trâu bò ở quê nhiều người nuôi. Những con đực khỏe thì dùng để kéo xe, cày bừa ruộng. Những con cái ngoài cày bừa còn có nhiệm vụ sinh sản. Làm nông nghiệp trâu bò rất quý nên bọn chúng không bị đem làm thịt nhiều như bây giờ. Thỉnh thoảng có con nào yếu hoặc gầy quá người ta mới thịt. Hoặc giả có đám cỗ to mới đem bê con, nghé con ra thịt thiết đãi họ hàng thôi. Nhà nào nuôi trâu bò, ngoài cày bừa cho nhà mình, còn đi cày thuê cho nhà khác kiếm đồng ra đồng vào nữa.
Hợp tác xã có mỗi một cái máy cày, đến mùa chạy ì ì ngoài đồng. Nhiều hôm đã khuya vẫn còn nghe tiếng máy cày. Bọn trẻ chúng tôi hay lên xem máy cày lắm. Một phần ngắm cho vui, một phần đi mót những con chạch, con lươn, con ngóe chạy không kịp bị dắt vào lưỡi cày . Cứ lúc máy cày dừng là cả bọn xúm vào cạy mấy cục đất bự quanh lưỡi cày xem có con gì dính vào đó không.
Mạ thì có hai kiểu gieo. Một là gieo mạ ngoài đồng. Hai là gieo mạ sân. Gieo ngoài đồng, chọn một khoảnh ruộng tốt, làm đất kỹ, phân tro rắc xong, đem thóc đã ngâm nảy mầm ra gieo xuống. Mạ cao cỡ hơn gang tay người lớn là nhổ lên đem đi cấy.
Mạ sân, mang một lượng khá bùn đất tốt về làm thành 1 ô vuông to trong sân, mạ ngâm nảy mầm gieo lên đó, lấy bạt hoặc tấm ni lông che kín lại phòng chuột vào phá hoại. Gieo mạ sân, chỉ cần mạ phát triễn cỡ mười phân là có thể đem ra cấy. Lúc ấy nền bùn đấy đã khá cứng, cạy lên nguyên cả khoanh mạ. Khi cấy chỉ cần bẻ từng khoanh mạ nhỏ nhấn xuống ruộng là được. Những người cấy thạo họ căn bằng mắt cấy vẫn thẳng hàng, đều tăm tắp. Mấy cơ nghiệp dư thì phải dùng dây chăng đến đâu cấy đến đó, kẻo hàng lồi, hàng lõm nhìn buồn cười lắm.
Lúc lúa mọc cao cỡ hai gang tay, cũng là lúc ếch nhái phát triển khá nhiều. Tụi tôi sắm cái cần câu đi câu ngóe, câu ếch. Bọn ngóe hay ngồi ở bờ ruộng, có khi ngồi trong lùm lúa.
Con ngóe nhìn tương đối giống ếch nhưng kích cỡ nhỏ hơn nhiều. Con nào to lắm thì bằng cỡ ngón chân cái người lớn. Ngóe hay có màu nâu của đất, thỉnh thoảng mới có anh người xanh lè hoặc có sọc đỏ, sọc vàng ngang dọc lưng. Cần câu ngóe thì đơn giản lắm. Kiếm thân cây đay dài cỡ hai mét, kiếm sợi chỉ dài, một đầu buộc vào đầu cây đay, một đầu buộc con giun đất. Giun phải chọn con giun đen, thân chắc và dai. Ếch ngóe có nhay cũng khó đứt. Chứ mắc con giun đỏ vào, bọn nó đớp nhẹ cái là đứt toi rồi.
Bọn ngóe tham ăn và rất ngu nên câu dễ lắm. Đợi bọn nó ngậm mồi là nhấc lên rồi bỏ vào cái vợt chế sẵn, thế là xong. Ngóe nhỏ thì mang về cho gà vịt ăn, nấu cám lợn. Ngóe to thì băm ra làm mộc.

Bọn ếch chúng nó khôn hơn. Nhiều lúc mồi câu để tận miệng mà tụi nó cứ dửng dưng. Ếch càng to thì càng khôn, nhử mồi cả ngày chẳng thèm nhếch mép, bất thình lình òm một cái nhảy xuống ruộng, xuống mương mất hút. Mấy anh ếch nhỏ thường màu xanh lá cây, bọn tôi gọi là ếch cốm, thì hăng máu hơn, tham ăn chẳng khác bọn ngóe. Thấy mồi là lao ra đớp rào rào. Ếch cốm câu được, bọn tôi hay đem bán cho chú nuôi ếch ở cuối làng kiếm mấy đồng mua kẹo.
Bọn cò trắng cũng từ đâu kéo về. Tụi nó ngắm ruộng nào nhiều cá, cua, giun dế là hạ xuống bắt mồi. Hồi bé đồng quê cò nhiều lắm. Mấy bác có tay nghề bẫy cò được dịp trổ tài.
Bẫy cò thường là mấy cái que cắm trên ruộng, đầu que gắn keo. Rắc ít cá, tôm với con cò mồi buộc gần đó. Lũ cò thấy vậy sà xuống là dính luôn vào que, chỉ việc đến nhấc que lên, gỡ con cò ra rồi mang về là có bữa thịt cò nấu bánh đa hoặc xào mướp hương ngon lành. Bắt được nhiều ăn không hết thì mang ra chợ bán.

Thoắt cái lúa đã lớn, trổ đòng đòng. Đòng đòng là bông lúa lúc mới ra, còn non. Lũ trẻ bọn tôi nhiều đứa hay đi vặt đòng đòng ăn lắm. Mùi vị của nó khá là thơm ngon. Ngày ấy thuốc sâu thuốc cỏ ít dùng, chứ giờ phun suốt, đố dám ăn. Lúa ra đòng đòng, cả cánh đồng thơm ngát. Mỗi buổi chiều gió thổi, ra đầu cống hoặc bờ mương ngồi rất là thư thái.
Rồi lúa kết hạt và chín dần, cũng là lúc bắt đầu vào mùa hè, với những cơn mua to tầm tã. Cóc ếch nhái kêu suốt đêm trên cánh đồng, tạo thành một dàn đồng ca quê hương rất độc đáo. Thêm mấy ông ễnh ương người bé tí nhưng kêu rất rôm rả. Ễnh ương ngoài Bắc đa phần là loại nhỏ, thân chỉ bằng ngón tay cái, chứ không to như ễnh ương bò trong miền Nam. Câu ếch, câu ngóe thỉnh thoảng bị bọn này lao vào phá đám là tụi tôi bắt quăng lên đường, lấy que gõ cho nó phình người lên hết cỡ như cái trống luôn.
Cá trên đồng, gặp mưa to, sinh sôi nảy nở rất nhiều. Mương rạch khi ấy, chủ yếu là cá rô, cá trê, cá quả (miền Nam gọi là cá lóc), tôm, cua cùng mấy loại cá tạp như thòng đong, mại bầu, sọi cờ…. Dân quê cũng hay tận dụng mương máng để trồng rau muống bè, ngọn non luộc ăn, còn thân già cắt về băm nhỏ nấu cám cho lợn. Chính vì rau muống kết bè dày đặc nên chỉ câu cá chứ muốn tát cạn bắt cá thì hơi khó.
Thân cần câu, bọn tôi đi kiếm mấy cây trúc nhỏ. Không có trúc thì dùng thân cây đay cũng được. Dây câu là một sợi cước, mắc vào một lưỡi câu. Thường thì cứ phiên chợ tôi lại dặn mẹ mua cho một bộ, khoảng hai trăm đồng. Câu vài bữa bị cá to giật hoặc mắc bè rau muống đứt dây, lại mua bộ mới. Câu cá rô cũng rất dễ. Mồi câu hay dùng con tép hoặc giun mắc vào lưỡi câu thả xuống nước. Cá rô cắn mồi là hay lao đi, tay cầm cần câu bị giật mạnh một cái, giật cần lên, cá dính mồm vào lưỡi câu.
Bắt cá rô, cũng có thể tìm những đập tát nước ở mỗi mảnh ruộng. Thường thì ruộng lúc nào cũng có nước. Đập tát nước sâu nhất, cá rô hay sống trong đó. Hì hụi ngăn cái đập lại, tát hết nước ra thế nào cũng bắt được cá rô, cá sọi cờ. Đi cả buổi tát cạn chừng năm bảy cái đập là có một bữa khá tươm tất.
Nhắc đến tát nước làm tôi nhớ lại kỷ niệm hồi bé. Mẹ hay đưa tôi ra đồng tát nước. Mấy lần đầu tát nước, suýt bị gầu nước kéo xuống mương. Rồi quăng gầu chưa quen, miệng gầu toàn đập vào bờ ruộng. Thuộc thành phần đại lãn (siêu lười) nên lúc nào trước khi tát tôi cũng phải thỏa thuận với mẹ là hôm nay tát bao nhiêu gầu thì xong, rồi cứ vừa tát vừa lẩm nhẩm đếm. Đủ số gầu thỏa thuận là đòi về. Mẹ muốn dụ tát thêm vài trăm gầu nữa thì phải hối lộ bán rán mới chịu.
Lúa chín vàng rực khắp cánh đồng, cũng là lúc cả xóm bước vào vụ gặt. Thôi thì xe thồ, quang gánh, liềm cắt, liềm xén lỉnh kỉnh, ì xèo khắp cả cánh đồng. Còn bé không gặt được nhưng tôi cũng hay theo bố mẹ ra đồng lắm. Mọi người gặt dưới ruộng, tôi thì ngồi vắt vẻo trên bờ. Ngồi chán lại lẩn đi loanh quanh bắt ngóe, nghịch cỏ gà giết thời gian. Thỉnh thoảng bố mẹ đang gặt bắt được con ếch, lấy cái dây buộc quanh bụng đưa cho tôi cầm, chỉ thế là khoái chí lắm rồi.
Gặt vụ đông xuân xong, cả làng nhanh tay bước vào vụ hè thu. Khoảng một tháng sau khi gặt xong, lúa lại lên xanh cả cánh đồng.

Năm nào cũng vậy cứ tầm tháng bảy, tháng tám là lúc trời mưa tầm tã. Trên cánh đồng nước ngập ngụa, tràn trề. Mương máng nước dâng lên tới tận bờ. Nhiều năm mưa lớn kéo dài, nước ở các ao nuôi cá tràn ra, hòa vào mương, cả xóm thôn lại được dịp đi bắt cá sôi nổi.
Cả làng huy động đủ các loại vó to, vó nhỏ. Các loại giậm, đó, đinh ba cũng được huy động ở mức tối đa. Cá từ ao ra lạ nước, lạ địa hình, úi đầy trên mặt nước. Cứ cách một đoạn mương lại có vài ba cái vó đặt. Mỗi gầm cống thế nào cũng có một vài cái đó án ngữ. Mấy anh choai choai không có vó thì vác đinh ba đi đâm cá.
Chỉ tội mấy khổ chủ có ao cá bị ngập. Cá ra rất nhiều, có ao ra bằng sạch, lại toàn cá to. Ao nhà trũng, nước ngập nhanh quá đắp không kịp mà. Chỉ sướng mấy bác đi bắt cá,phải một ngày may mắn, đem về cả rổ toàn cá to. Có năm nước ngập cao nhất, cả làng ăn cá đến phát ngán, phải đem kho qua rồi phơi khô ăn dần.
Vụ hè thu bước vào mùa gặt, lũ trẻ chúng tôi bắt đầu bước vào chiến dịch mới, chiến dịch bắt cào cào.
Ngay từ mấy hôm gặt, cào cào đã bay rào rào khắp cánh đồng. Gặt thửa này, chúng bay sang thửa kia. Đến khi cả cánh đồng còn lại mấy thửa, chỉ cần quây mấy thửa đó cũng kiếm cả rổ cào cào. Đám thanh niên còn kiếm mấy chiếc lốp xe hỏng, tối đến mang lên cánh đồng đốt. Lũ cào cào thấy ánh sáng liền lao vào rất nhiệt tình, ta hồ mà vợt!
Trẻ con chúng tôi thì chế cái vỉ đập cào cào làm từ nan tre giống cái vỉ đập ruồi. Có thằng cao thủ dùng luôn tay chụp. Có thằng dùng que vụt. Mùa lũ cào cào sinh đẻ nên bọn nó hay xếp hình với nhau, chuyện túm được cả đôi trai gái thường như cân đường hộp sữa.
Món cào cào rang ngon khỏi bàn. Nhưng vẫn chưa đủ trình để so sánh với món muồm muỗm nướng. Muồm muỗm không nhiều như cào cào. Săn cả buổi chỉ được cỡ vài chục con. Muồm muỗm nướng chín hoặc rang với một chút mỡ thì ăn ngon thôi rồi!
Gia đình cào cào cũng có nhiều loại. Cào cào ngô to cỡ ngón chân cái người lớn. Loại này chẳng biết có ăn được không vì chưa ai dám ăn bao giờ, do thấy ghê ghê. Cào cào cơm, cánh ngắn cũn cỡn như mặc áo ghi-lê, được cái bắt rang đỡ phải vặt cánh. Lũ cào cào ma, con thì xám xịt, con thì đen ngòm nhìn phát gớm, chẳng ai thèm ăn.
Nhiều lúc đi câu ếch, câu ngóe, câu cá hay bắt cào cào, cũng hay gặp và túm được vài con rắn. Trên đồng không có rắn độc mấy. Chỉ có nhiều rắn nước, rắn nung núc, rắn liu điu. Mấy loại rắn này không có độc, cắn chỉ thấy ngứa ngứa, một lát là hết. Tụi nó hay bắt ngóe, bắt cá con và côn trùng để ăn. Rắn nung núc băm nhỏ, làm mộc hoặc rán chả ăn rất ngon. Rắn nước, rắn liu điu hôi rình, bắt được chỉ đập chết đem về nấu cám cho lợn chứ ít người ăn, trừ khi túm được con thật lớn.
Gặt xong vụ hè thu, cả xóm lại bắt đầu bước vào vụ rau. Cả cánh đồng không phải chỗ nào cũng trồng rau được. Chỉ có khu ruộng làng gọi là khu ruộng cát, được mọi người cuốc đất, vun luống trồng. Rau thường là các loại rau vụ đông, ưa lạnh như su hào, bắp cải, cà chua, xà lách… Mấy chỗ đất xấu nhiều nhà tranh thủ trồng ngô, đỗ, khoai lang.
Ngô khoai ra bắp, có củ cũng là lúc phong trào đi bắt chuột diễn ra khá rầm rộ. Ngô khoai, rau có sẵn nên chuột sinh sôi nhiều lắm. Chúng nó làm tổ trong luống khoai, hoặc bờ mương. Lũ chuột đồng làm tổ cũng không sâu cho lắm. Chạy huỳnh huỵch trên luống khoai đã thấy mấy con phọt ra ngoài, thế là lao theo vụt. Có thằng mang cả chó theo bắt cho năng suất. Vớ phải mấy cái hang dưới bờ mương thì đào vất vả hơn, có khi phải đốt lốp xe hun chúng nó mới chịu chui ra. Một là bị túm sống, hai là nhảy òm xuống nước. Phải cái lũ chuột bơi lặn kém. Được tí là phải ngóc đầu lên thở, nên rớt xuống nước, đời em cũng coi như xong.
 
Chuột phá quá nên xã hồi đó giao chỉ tiêu, thu một đuôi chuột trả hai trăm đồng (hai trăm đồng mua được cái bút bi chứ ko có ít quá đâu nhé). Nhiều người đi bắt chuột cả buổi cũng kiếm được một hai chục ngàn đủ mua vài ký thịt lợn. Túm được con chuột đồng nào bự, mang về thui vàng, băm ra, riềng xả mắm muối, làm món giả cầy ăn phê phải biết.

Xen lẫn các luống rau, rau dại mọc nhiều. Rau tập tàng, rau xương cá, rau rền cơm… Mấy loại rau này nhiều nơi vẫn dùng để nấu canh. Quê tôi thì ít người ăn. Đi các ruộng khoai nhặt ba loại rau đó về đem băm nấu cám lợn. Hôm nào lạnh ở tút trên đồng xa, mấy thằng bới trộm mấy củ khoai, bẻ ngô nướng ăn, trò chuyện rôm rả, oang oang khắp cánh đồng.
Nhiều năm qua, mỗi lần về thăm quê tôi hay ra đồng chơi. Thuốc trừ sâu, kích điện, bê tông hóa kênh mương, cánh đồng giờ không còn như xưa nữa. Cá tôm cua, cào cào… chẳng còn mấy con, mương nước nhìn trong vắt, lại thấy nhớ cánh đồng của tuổi thơ da diết.



                                                                                                        Nguyễn Đương
                                                                            (Hình minh họa cho bài viết được sưu tầm từ internet)