Tác Giả:
Đánh răng, rửa mặt xong, tôi liền xuống nhà, định ra vườn, ưỡn ngực, vươn vai, đón chào nắng sớm. “Ríu rít … ríu rít …” - Tiếng se sẻ hót chào buổi sáng vang lên. Những tia nắng đầu tiên đã len qua kẽ lá, sưởi ấm cả khu vườn nhà tôi. Cỏ cây bừng tỉnh, lá hoa cũng rạng ngời, bầu trời xanh trong, mây trắng nhởn nhơ đùa với gió. Quả là một buổi sáng chủ nhật đẹp trời!Vừa đến phòng khách, tôi đã nhìn thấy Cẩm Chướng - đứa em gái xinh xắn của tôi và Sao Mai - người bạn thân nhất của cô bé. Dường như chúng đang bàn luận về một vấn đề gì đấy. Tò mò, tôi liền đến hỏi:
- Các em đang bàn chuyện gì vậy? Cho chị tham gia với được không?
Cẩm Chướng nhanh nhảu đáp:
- Vâng ạ! Bọn em cũng đang định tìm chị đây.
Sao Mai tiếp lời:
- Thưa chị, chả là, sau khi đọc thật nhiều câu chuyện hay trong sách truyện thiếu nhi và trên báo Học Trò, tụi em bỗng “nổi hứng”, muốn tập tành viết văn.
Tôi gật gù:
- À, hoá ra là các em muốn viết truyện để gửi cho báo Học Trò phải không? Thế, “hai nhà văn nhí” đã có “tác phẩm” gì chưa?
- Đương nhiên là có rồi ạ! - Hai cô bé đồng thanh trả lời.
- Vậy là, các em muốn nhờ vả chị gửi hộ truyện của mình đến toà soạn chứ gì.
- Dạ! Đúng là chỉ có chị mới hiểu tụi em - Cẩm Chướng cười tinh nghịch.
- Được thôi! Chuyện nhỏ ấy mà! Nhưng, trước hết, phải cho chị xem qua truyện ngắn của các em cái đã. Nếu cần thì chị sẽ chỉnh sửa giúp vài chỗ chưa hay để bài viết của các em tuyệt hơn nữa.
- Dạ được ạ!
Cẩm Chướng đưa bài cho tôi xem trước. Nhìn cái tựa đề “Chàng Cà Rốt dũng cảm”, tôi nghĩ thầm: “Ôi! Đúng là trẻ con!”. Nhưng càng đọc, tôi lại càng thêm bất ngờ. Em tôi đã dựng nên hẳn một vương quốc hoa quả. Trong đó, nhân vật chính là anh chàng Cà Rốt thông minh và tốt bụng. Chàng phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách do lão phù thuỷ Mướp Đắng bày ra để giải cứu những người bạn của mình là Bí Ngô, Cải Trắng, Su Hào và Hành Tây. Tuy lời văn đôi chỗ còn vụng dại nhưng tình tiết truyện rất hấp dẫn, nhân vật lại được miêu tả khá là chi tiết. Câu chuyện có chút gì đó hơi ngô nghê, song, lại vô cùng ý nghĩa và cuốn hút. Tôi cười hỏi:
- Câu chuyện của em hay lắm, chị rất thích! Mà Cẩm Chướng à, sao em lại chọn cà rốt là nhân vật chính trong câu chuyện của mình mà không chọn những loại hoa quả khác?
- Thưa chị, tại em thích ăn cà rốt nhất. Cô giáo dạy cà rốt có rất nhiều vitamin giúp ta sáng mắt nè, thông minh nè, khoẻ mạnh nè. Với lại, cà rốt ăn cũng rất ngon nữa.
- Thế, mướp đắng cũng nhiều chất dinh dưỡng, cũng tốt cho sức khoẻ, sao em lại cho làm phù thuỷ?
- Hì hì, vì em chả thích ăn mướp đắng chị ơi, vị nó đắng lắm cơ! Giá mà canh mướp đắng mẹ nấu cũng thơm ngọt như canh bí ngô thì ngon phải biết!
- Trời! Canh mướp đắng làm sao thành canh bí ngô được! - Tôi phì cười - Thế còn Sao Mai, truyện của em đâu nào, cho chị xem với.
Sao Mai bẽn lẽn đưa tôi tờ giấy học trò còn thơm mùi mực tím. Nét chữ đẹp quá, đều tăm tắp như hàng ngũ các chú công an khi đi duyệt binh với cái tựa đề được viết bằng chữ in hoa: “SỰ THAY ĐỔI DIỆU KÌ”. Chà! Nghe có vẻ văn chương nhỉ! Chắc là câu chuyện hay lắm đây! Nhưng sau khi đọc xong, tôi nhận ra rằng đây chỉ là một câu chuyện nói về nàng công chúa không vâng lời vua cha và hoàng hậu, trốn ra ngoài tìm hoàng tử cho riêng mình. Rồi, vì bị kẻ gian lừa gạt mà công chúa hối hận, tìm đường về lại hoàng cung. Từ đó, cô không còn cãi lời bố mẹ nữa. Lời văn của Sao Mai được trau chuốt khá kĩ nhưng câu chuyện của em nhìn chung có vẻ tẻ nhạt. Tôi nhìn các em, tươi cười:
- Các em của chị quả thật tài năng. Tuổi còn nhỏ nhưng viết được thế này là rất khá. Chị tin rằng cả hai “tác phẩm” này đều sẽ được chọn đăng báo.
Cả hai em đều tự hào và vui sướng, nhìn vào đôi mắt long lanh của chúng, tôi đoán vậy. Nói thế, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, câu chuyện của Cẩm Chướng sẽ được các cô chú ở toà soạn yêu thích hơn vì nó rất hấp dẫn, và cũng là vì câu chuyện của Sao Mai có phần hơi chán, cứ như một bản sao của những câu chuyện cổ tích vậy. Nghĩ thế nhưng tôi không dám nói ra, sợ cô bé buồn.
Ngay chiều hôm ấy, tôi cầm hai câu chuyện được viết tay trên trang giấy học trò đến toà soạn gửi rồi trở về cùng các em hồi hộp đợi chờ. Lòng tôi vẫn đinh ninh rằng câu chuyện của Cẩm Chướng sẽ được đăng…
Một tuần sau, Cẩm Chướng đi học về không vui cười như mọi hôm. Ngược lại, tôi thấy trên nét mặt em tôi thoáng chút buồn rầu. Thấy lạ, tôi liền hỏi:
- Sao Út cưng của chị buồn thế? Ở trường có chuyện gì à?
- Không chị ạ, tại… tại… hôm nay báo Học Trò phát hành số mới, mà… mà… bài của em không được đăng… hu… hu… hu…
- Thế còn Sao Mai?
- Có chị ạ! Sáng nay vào lớp, bạn ấy khoe với em là truyện của bạn ấy được đăng trên báo, các cô chú ở toà soạn còn gửi tiền nhuận bút về nhà cho bạn ấy nữa. Bạn ấy còn bảo là… bảo là các cô chú ấy nói rằng sẽ không chọn bài của em đâu… hu… hu… hu…
Nói rồi, cô bé oà khóc. Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Sao lại có chuyện như vậy được. Câu chuyện của Cẩm Chướng hay đến thế! Mà tại sao các cô chú ở toà soạn lại nói với Sao Mai rằng bài của Cẩm Chướng sẽ không được chọn đăng cơ chứ? Hình như có gì đó hơi vô lí. Nhưng tôi không nghĩ ngợi nhiều, chỉ lo an ủi cô em gái bé bỏng của mình. Tội nghiệp con bé, nó đã dồn biết bao công sức và cả hi vọng vào đó, vậy mà… Chắc con bé buồn lắm. Nhưng biết làm sao được, tôi chỉ có thể nói rằng:
- Thôi, em đừng buồn, còn nhiều cơ hội khác mà. Em cứ viết nhiều truyện vào, rồi chị sẽ giúp em gửi cho toà soạn. Chị chắc là nếu cố gắng hơn nữa, em sẽ thành công thôi.
Gạt nước mắt, em tôi bảo:
- Vâng, phải lắm chị ạ, em khóc thế chắc cũng đủ rồi, em xin hứa sẽ cố gắng hơn nữa trong những lần sau. À, chị ơi, chị chở em ra đầu ngỏ mua một tờ báo Học Trò đi! Sáng nay, Sao Mai vui lắm. bạn ấy nâng niu tờ báo mãi cơ. Em cũng muốn giữ một tờ, cũng muốn nâng niu thành công đầu tiên của bạn mình chị ạ!
Tôi gật đầu. Cẩm Chướng là thế đó, mới khóc đấy, vài phút sau đã cười ngay. Hơn thế nữa, cô bé sống rất tình cảm, luôn biết nghĩ cho người khác. Em tôi có được tính cách tốt như vậy, tôi cũng lấy làm mừng vui. Dù không thành công thì con người ta cũng còn có cái nhân cách để mà gìn giữ. Hai chị em tôi đạp xe ra đầu ngõ, mua một tờ báo mới. Cẩm Chướng náo nức đến nỗi ngồi trên xe mà giở ngay báo ra xem. Nhưng kì lạ thay, tôi chẳng nghe cô em gái liếng thoắng của mình nói gì cả. Về đến nhà, Cẩm Chướng đờ đẫn ngồi xuống ghế, khẽ đặt tờ báo lên bàn, ủ rũ. Tôi lo lắng, vội nhặt tờ báo lên, giở đến trang “Văn học tuổi hồng”. Đập vào mắt tôi là cái tiêu đề to tướng “CHÀNG CÀ RỐT DŨNG CẢM”, rồi tiếp đó là những câu văn quen thuộc. Tôi đọc một mạch, nhưng cuối cùng, tại nơi ghi tên tác giả của bài viết lại in cái tên Vũ Thị Sao Mai. Tôi như không tin vào mắt mình, thẫn thờ nhìn đôi mắt đỏ hoe của em tôi. Tôi không biết mình nên làm gì nữa. Tôi không muốn Cẩm Chướng buồn, tôi muốn an ủi cô bé. Nhưng tôi sẽ nói gì đây? Chính bản thân tôi còn không ngờ được điều đó. Rõ ràng, ban đầu, tôi đã nhận ra có chút gì đó bất thường, nhưng đến bây giờ, tôi vẫn không tin, không dám tin rằng đó lại là sự thật. Tôi lặng yên nghe nhịp đồng hồ tích tắc, nghe gió ngoài vườn lay động lá cây. Trái tim tôi nhói lên, nhưng trái tim nhỏ bé kia còn đớn đau hơn nữa. Em khóc. Không nức nở, không sụt sùi, em tôi khóc một cách lặng lẽ, khóc như một thiên thần. Giọt nước mắt em trong như pha lê, đôi mắt ánh lên nỗi buồn thăm thẳm. Trong đôi mắt ấy, tôi nhìn thấy cả niềm uất ức, cả nỗi đớn đau khi bị người bạn thân yêu nhất của mình dối gạt. Đó quả là cú sốc lớn đối với một bé gái thơ ngây. Nhìn hàng nước mắt lăn dài trên đôi má hây hây ấy, tôi chợt thấy khoé mắt mình cay cay. Tôi quay mặt đi, không nhìn em nữa…
Nhưng trước mắt tôi là Sao Mai, cô bé vừa nhìn thấy tờ báo trên tay tôi đã vội xám mặt. Tôi giận con bé lắm, nhưng ít nhiều thì tôi vẫn là một người chị và Sao Mai còn quá nhỏ để chịu đựng những lời trách móc chua cay. Tôi nhẹ nhàng:
- Hôm nay Cẩm Chướng không được khoẻ, hôm khác em đến chơi Sao Mai nhé!
- Không chị ạ, hãy để Sao Mai ở lại với em, em muốn nói chuyện với bạn ấy một chút - Cẩm Chướng cắt lời.
Tôi ngạc nhiên, nhưng đành chiều lòng con bé, trở về phòng mình. Trái tim tôi vẫn tin rằng cô bé sẽ nói với Sao Mai những gì mình cho là cần thiết…
Sáng hôm sau, Cẩm Chướng và Sao Mai lại cùng nhau đi học. Hai em nắm tay, nhảy chân sáo, hát ca, cười đùa vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Sau này, Sao Mai có thú nhận với tôi rằng sáng chủ nhật hôm ấy, sau buổi trò chuyện vui vẻ, khi tôi và Cẩm Chướng cùng vào bếp chuẩn bị món thạch trái cây đặc biệt cho ba chị em, Sao Mai đã lén lút xoá đi tên Cẩm Chướng trên câu chuyện “Chàng Cà Rốt dũng cảm” và ghi vào đó tên của mình. Vậy là, cô bé có đến hai câu chuyện để gửi toà soạn báo. Có lẽ do tôi cũng không chú ý nhiều đến việc đó nên đã không phát hiện ra. Nhưng, điều làm tôi bất ngờ và hạnh phúc chính là cách ứng xử của Cẩm Chướng sau khi biết được việc này. Trước giọt nước mắt hối lỗi của bạn, cô bé sẵn sàng tha thứ. Chẳng những không đòi lại quyền lợi cho mình, em còn chấp nhận cho Sao Mai tiếp tục là tác giả của câu chuyện mà chính mình viết ra, quyết định xem đó là câu chuyện chung, là thành quả chung của cả hai. Bởi em yêu quý tình bạn, bởi em sẵn lòng sẻ chia mọi thứ mình có và bởi vì em tin rằng: Cho đi là còn mãi…
Câu chuyện trên đã xảy ra cách nay hơn ba năm. Giờ đây, Cẩm Chướng và Sao Mai đã trở thành học sinh lớp Bảy. Cẩm Chướng là một lớp trưởng gương mẫu, đồng thời cũng giữ luôn vị trí trưởng nhóm trong câu lạc bộ Văn học và tài năng trẻ. Còn Sao Mai giờ đã là một học sinh ưu tú trong đội tuyển Toán của trường. Tuy sở thich không còn giống nhau nhưng tình bạn giữa hai em vẫn mãi bền chặt, mãi thiết tha như bướm và hoa không bao giờ xa cách.
Nguyễn Thị Tường Vy
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Xin chân thành cảm ơn em!