Tác Giả:
Từ khi ba mẹ tôi ra tòa thì tôi về ở với ba. Học tập và cuộc sống xung quanh làm tôi quên bẵng đi nhà ngoại.Một hôm ba tôi đột nhiên nhắc:
- Hoàng à, hôm nào rảnh nhớ về thăm ông bà ngoại một chút con nhé!
Nghỉ hè, tôi về thăm ông bà ngoại ở vùng La Ngà, gần núi đá Ba Chồng được mọi người biết đến. Nơi đây không chỉ có núi đá cằn cỗi mà còn có con sông La Ngà bồi đắp phù sa cho vùng lúa ngày một tươi tốt, đồng thời làm trù phú thêm đời sống của làng cá bè trên sông.
Về đến cửa, tôi vừa đặt giỏ đồ xuống, đã thấy ông ngoại ngồi móm mém nhai trầu nói vọng ra:
- Mày vẫn còn nhớ cái ngõ vô nhà ngoại hả con! Giỏi! Xuống tắm rửa đi rồi lên ăn cơm nè...
Tôi dạ một tiếng rõ to rồi xách giỏ đồ xuống nhà sau, kế, chạy ra giếng lui cui vục nước rửa mặt. Bỗng có ai đánh vào lưng tôi một cái đau nhói, quay lại thì ra là cậu Tư:
- Mày mới về hả con? Đi đường có mệt không?
Mẹ tôi là con cả trong nhà, sau đó là dì Ba, cậu Tư rồi đến một người dì khác nữa nhưng đã hy sinh trong chiến tranh. Mặc dù cậu Tư nhỏ hơn mẹ tôi tận sáu tuổi nhưng hơn một năm không gặp cậu, tôi cũng thấy cậu già ra nhiều. Chắc là vì cậu làm việc ngày ngày quá cực nhọc trên đồng để lo cho con bé Hoa có cái ăn, cái mặc. Cậu khổ từ nhỏ nên cậu muốn con bé Hoa được học hành đến nơi đến chốn, được thoát cái nghèo. Thương cha vất vả nên nó học năm nào cũng được học sinh giỏi, được thưởng nhiều tập vở, bút viết và còn được nhiều học bổng của trường, của xã.
Tôi tắm rửa xong, ngồi vào bàn cơm cùng ông bà ngoại, cậu Tư và bé Hoa.
- Thằng Hoàng định về đây chơi mấy ngày hả con? - Ông tôi vừa gắp miếng thịt kho vào chén của tôi vừa hỏi.
- Dạ, lần này con về khoảng một tuần rồi con lên lại Biên Hòa học hè với tụi bạn. Năm sau là con lớp 9 rồi, không học thêm là không theo kịp tụi nó...
- Biết vậy là giỏi. Về đây, bay có chán nhớ nói con Hoa nó dẫn ra sông ở xóm dưới mà ngồi câu cá, hay nói nó chặt mía mà tước ăn nha. Ở quê không có điện tử hay mạng mùng gì như trên thành phố đâu nha con!
Tôi dạ và nháy mắt với con bé Hoa. Vậy là ngày mai sẽ được thỏa chí chơi đùa rồi.
Sáng sớm tôi không tài nào ngủ nướng được vì tiếng gà gáy vang khắp xóm. Đánh răng rửa mặt xong, bà ngoại pha cho tôi ly sữa hột gà béo ngậy. Chưa uống xong sữa thì thấy bé Hoa đã dắt hai con trâu từ đằng sau nhà. Lên đến cổng nó gọi to:
- Anh có đi không nè, em đi đó nha!
Nó dắt trâu đi trước đằng xa làm tôi chạy bở hơi tai mà vẫn không kịp.
- Làm gì mà đi nhanh quá vậy em?
- Hả? Nhanh lên đi anh. Tìm chỗ nhiều cỏ mà cho trâu ăn, đến trễ mất chỗ cỏ ngon đó.
Nó nói với tôi mà chân vẫn cứ bước đều, con mắt nó vẫn không thèm dòm về phía tôi.
Cột hai con trâu vào cây xoài trên mô đất sát bờ rạch, bé Hoa cười mỉm nhẹ rồi nói tôi đứng ngay cây cột trâu mà nhìn xuống rạch. Nó trượt nhẹ xuống dốc của mô đất, đứng ngay sát mép nước rồi nhảy cái ùm xuống con rạch trong xanh. Tôi hết hồn, nhìn theo nó mà chẳng thấy tăm hơi nó đâu, chỉ thấy lâu lâu có mấy cái bọt bong bóng nổi lên mặt nước mà cứ như đang ngồi trên đống lửa. Mặt tôi tái mét nhìn xuống rạch mà không thể tỉnh hồn nổi. Vừa đưa mắt nhìn quanh xem có ai giúp đỡ không thì tôi nghe tiếng nước xào xào. Chưa chớp xong con mắt thì con bé Hoa xuất hiện trước mặt tôi, trong tay là một con cá lóc to giãy đành đạch.
- Bắt cá hả? Làm anh hết hồn, mặt mày xanh lè rồi nè!
Nó cười hì hì:
- Em giỏi không! Trưa nay bà ngoại có cá nấu canh chua rồi. Coi như món quà em đãi anh về quê hén!
Nó cười thật tươi và nói với tôi dù nó từ đầu tới chân ướt nhẹp và lấm lem bùn đất.
- Ủa, mà sao em bắt cá hay vậy? Có đứa nào giỏi như em không?
- Không anh! Vô địch đó. Lâu lâu em còn đi theo thuyền mấy chú xóm trên chơi nữa. Mấy chú đánh cá bằng điện đó, được nhiều cá lắm.
- Em tham gia bắt cá bằng điện hả? Chú Tư có biết không? - Tôi băn khoăn lo lắng hỏi.
- Thì “cắm điện”, rồi cái “ùm” là quá trời cá nổi lềnh bềnh. Em với tụi nhỏ trong xóm bơi ra vớt vô. Nhiều cá lắm anh. Ba em cho đi mà. Được nhiều cá mà không có tốn công, ai mà không muốn hả anh!
Tôi im lặng và suy nghĩ tận tới lúc dắt trâu về nhà ăn cơm trưa. Chẳng hiểu sao cậu Tư lại cho con bé Hoa làm cái việc nguy hiểm ấy nữa?
- Cậu Tư cho con Hoa đi đánh cá bằng điện với thuyền của mấy chú trong xóm hả? Con thấy nguy hiểm quá!
Tôi hỏi khi vừa ăn xong chén cơm đầu tiên.
- Đúng rồi con. Hè mà. cho nó đi theo mấy thằng đó cho biết. Đâu có mất gì mà còn dễ dàng được cá nữa. Đã có ai bị gì đâu mà con lo.
Người lớn đã nói vậy thì tôi đâu dám nói gì nữa, chỉ dạ cho qua chuyện rồi ăn tiếp chén cơm mới bới thêm, trong lòng lo lắng cho những lần đánh cá bằng điện sắp tới của con bé.
Đêm xuống rót những ánh vàng trải khắp con đường đất đỏ. Ánh trăng lên từng thửa mía, chiếu ánh vàng xuống từng khoảng sân. Qua rằm hai ngày rồi mà trăng vẫn còn tròn vành vạnh, sáng quá. Tôi nhìn trăng mà nghĩ tới chú Cuội, chị Hằng, dẫu biết đó chỉ là cổ tích. Gió cứ hiu hiu lùa qua ô cửa sổ làm cho tôi ngủ lúc nào không hay.
Buổi trưa, nắng như đổ lửa xuống, cái nóng làm cho con người ta cảm thấy mệt nhoài dù ngồi ngay trước cây quạt đang bật hết công suất. Tôi xuống, cậu Tư như vớ được lưỡi hái giữa đồng lúa chín vàng, cậu không cho tôi đi cùng bé Hoa nữa mà giữ ở nhà phụ cậu sơn lại cánh cửa, quét vôi mấy bức tường. Đang ngồi tỉ mỉ từng đường cọ ở cánh cổng thì tôi và cậu nghe tiếng lao xao của nhiều người đi ngang nói là có đứa con gái bị điện giật ngoài bờ rạch. Linh tính có chuyện chẳng lành, cậu Tư vất ngay cây cọ vừa chấm sơn trắng xuống đất rồi lao thẳng ra con rạch. Tôi hớt hải chạy theo cậu. Bé Hoa nằm thẳng người trên tấm ván gỗ, da dẻ trắng bệch ra, cẳng chân loang lổ máu. Cậu Tư nhìn nó mà quỵ xuống, cậu thét lên một tiếng rồi ngã ra đất vì không chịu nổi cú sốc này. Tôi đứng cạnh nhìn mà nước mắt cứ rơi kèm theo tiếng nấc nghẹn. Tôi nhớ lại, mới hôm qua nó còn cười và nói: “Biên Hòa có con cá nào bự như vầy không anh? Bữa nào anh dẫn em lên mấy con rạch nhà anh mà bắt cá thử nha?”. Chỉ mới hôm qua thôi nó còn tươi cười, nó còn khoe tài bắt cá, còn nói tới tương lai được làm thủy thủ lái tàu ra biển bắt thật nhiều cá. Vậy mà giờ đây...
Cậu Tư khóc ngất ngoài nghĩa địa nhìn người ta khiêng quan tài của con bé Hoa xuống ba tấc đất rồi lấp đất lại. Phải hai người lớn mới dìu cậu lên xe Honda chở về nhà. Kể từ dó cậu khờ khờ dại dại. cậu không làm đồng nữa mà chỉ loanh quanh trong nhà, khi thì ngồi cười cười nói nói, khi thì đi ra bờ rạch mà khóc một mình. Rồi mấy khi, cậu đang lơ ngơ ngoài bờ đê mà nhìn thấy tụi nhỏ bơi ra chỗ đánh cá bằng điện để chuẩn bị lao tới vớt cá lên thì cậu ôm đầu, thét lên rồi lao thẳng xuống nước mà ôm những đứa ở ven bờ tránh xa ra, như là cậu không muốn có thêm đứa trẻ nào bị nạn như bé Hoa con mình nữa.
Ông ngoại tôi từ đó cũng chẳng màng ăn uống gì, vẻ mặt ông lúc nào cũng thoáng buồn. Rồi ông nằm liệt một chỗ. Cũng từ đó mẹ tôi tuần nào cũng về thăm ông, phụ tiền cho bà ngoại đi chợ. Một sáng, ông tự vịn giường tủ mà bước ra khỏi buồng, rồi ông ngồi trước thềm nhìn ra hướng con rạch, gục mặt xuống đầu gối. Bà ngoại tôi vừa đi chợ về hoảng hốt bước tới bên ông mà chạm vào tay ông. Tay ông đã lạnh ngắt, một cái lạnh đáng sợ đến tê tái. Vậy là ông đã đi thật xa mà vẫn nuối tiếc một điều gì nơi con rạch đó.
Dì Ba tôi đã dọn xuống quê để ở chung với bà ngoại, chăm sóc cho bà và cậu Tư. Ngôi nhà bây giờ chỉ còn lại ba người với hai bát nhang nghi ngút nhang khói. Cậu Tư không ở căn phòng sau nhà nữa mà ngủ ở phản ngay gian trước, nhường căn phòng cho lũ đom đóm đêm đêm về tụ hội, vì cậu tin rằng trong những con đom đóm nhỏ nhoi ấy có bé Hoa con cậu.
Đỗ Khôi Nguyên (Đồng Nai)
Xin chân thành cảm ơn em!