Tác Giả:
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”Những câu văn của Thanh Tịnh đã gắn bó với những kỷ niệm của biết bao thế hệ học sinh tiểu học. Và với tôi cũng vậy!
Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa thu năm 1990, bố đưa tôi đi nhận lớp.
Trường tôi rất gần nhà, cách chừng có mấy trăm mét. Trường là một dãy nhà cấp bốn, lợp mái ngói, có hơn chục lớp. Hồi đó trường chưa phân ra cấp một, cấp hai, nên bọn tôi vẫn học lẫn với các anh các chị. Mọi khi sau mỗi buổi các anh chị tan học, bọn tôi thường lân la đến sân trường chơi, xem các anh đá bóng, đá cầu. Thân quen là thế, nhưng hôm nay đứa nào cũng thấy khang khác. Bạn bè thì cũng chỉ quen biết mấy đứa cùng thôn, chơi với nhau từ hồi bé, rồi lại cùng học lớp mẫu giáo. Còn lại nhiều bạn bè, anh chị lạ hoắc, nên mấy thằng cứ đứng nép vào một góc.
Cô giáo chủ nhiệm ra gặp mặt các phụ huynh rồi kêu bọn tôi đứng tập hợp thành hai hàng dọc. Cô giáo là người cùng thôn, ở ngay gần nhà tôi. Tôi nhìn quanh bạn bè một lượt. Cũng cùng một xóm cả. Có đứa thân, có đứa quen, có đứa chưa quen. Mấy đứa quen biết nhau ra đứng tụ thành một góc, rồi theo cô vào lớp. Bố mẹ đứng đợi chúng tôi ngoài sân trường.

Ngồi trong lớp, chúng tôi nghe cô giáo phổ biến về nội quy học sinh, giờ giấc đi học, rồi những sách vở, đồ dùng cần mua sắm., sau đó cô cho cả lớp về. Buổi đầu tiên, bố đưa đến trường. Về sau thì phải tự lo sáng dậy sớm mà đi học thôi. Và thế là, tôi đã trở thành học sinh lớp một rồi đấy các bạn ạ!

Quần áo nhà nào có điều kiện thì một năm sắm cho đôi ba lần. Có đứa cả năm mới được mua mới một bộ vào dịp tết. Có đứa thì anh chị lớn để lại quần áo cũ cho em… Năm tôi vào lớp một, bố mẹ sắm cho cái túi đan bằng sợi ni lông, chứ không có cặp. Hồi đó nếu có cặp thì cũng chỉ là cặp nhựa giả da. Nhà nào khá lắm bố mẹ mới sắm cho cặp da thật mà dùng. Cặp nhựa giả da, nhìn thì màu xanh đỏ tím vàng, vẽ những nhân vật hoạt hình rất bắt mắt nhưng dễ rách lắm. Vớ phải tay nào dùng không cẩn thận, cứ quăng vật vô tư thì chỉ được nửa kỳ học là cặp bục rách te tua.

Lớp một, cô giáo không cho dùng bút bi, bút máy, mà dùng bút ta. Quê tôi người ta gọi là bút ta, có nơi gọi là bút quản, có nơi lại gọi là bút ngòi tre chấm mực. Bút gồm 1 cái thân bằng nhựa hoặc gỗ, cắm cái ngòi vào là xong. Ngòi chấm mực viết được dăm ba chữ , hết mực lại chấm mực viết tiếp. Lọ mực hồi đó là lọ không có nắp. Miệng lọ mực hình phễu, nếu lọ không đầy mực, đảm bảo dù lọ có bị lật úp mực cũng không chảy ra ngoài. Học sinh bọn tôi mới tập viết, dùng bút chưa quen, tay cứ múa may làm mực bắn ra tứ tung. Nhất mấy thằng con trai, còn có cái trò vảy mực, hay nhiều lúc ngòi tắc đưa lên mồm mút. Cuối buổi, răng môi, áo quần nhiều đứa toàn những mực là mực.

Phấn viết bảng cũng độc lắm nhé. Là phấn cục lấy từ lò nung vôi chứ không phải phấn thoi trong hộp người ta bán đâu. Nhiều cục phấn to vật, viết cả tuần chưa hết. Từ đá vôi nung ra mà. Vô phước cu cậu nào vớ phải cục đá vôi nung còn sống, nghiến răng viết cày mặt bảng thành rãnh mà vẫn chưa ra chữ ấy chứ ^^

Thời gian cứ dần trôi qua, chúng tôi dần quen với những ngày tháng học sinh tiểu học. Mỗi ngày, được học những chữ mới, những kiến thức mới.. Giờ ra chơi cả bọn nô đùa vui vẻ… Tôi thuộc dạng học khá nên cuối năm cũng được giấy khen và phần thưởng là mấy quyển vở, còn được đứng trước cờ cùng các cao thủ khác cho cả trường vỗ tay tuyên dương, oai lắm ^^

Nguyễn Đương
(Hình ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ internet)