Chùm ảnh Các loài động vật độc đáo của rừng U Minh Thượng

DS Bài Viết

Tác Giả:

Ngày 12/8/2013, Vườn quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) đã được trao chứng chỉ công nhận là Vườn di sản ASEAN. Các kết quả khảo sát khoa học gần đây cho thấy hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng có tầm quan trọng đặc biệt; là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm, đặc trưng và nguy cấp, đóng vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái.
Cầy vòi đốm (Paradoxurus hermaphroditus) là một trong những loài thú tiêu biểu của Vườn quốc gia U Minh Thượng. Chúng có thước cỡ con mèo, toàn thân dài khoảng 85–110 cm; đuôi dài 40–56 cm. Chúng là loại động vật ăn tạp, giỏi leo trèo, kiếm ăn về đêm, nguồn thức ăn chủ yếu là các loại quả chín. Loài vật này có các tuyến xạ phía dưới đuôi, có thể phun ra các chất bài tiết độc hại để chống lại kẻ thù.

Nặng tới 1kg, dơi ngựa lớn (Pteropus vampyrus Linnaeus) là một loài dơi khổng lồ tập trung nhiều tại U Minh Thượng. Loài dơi này sống thành đàn lớn trên cành cây ở rừng ngập mặn, ban ngày treo mình ngủ trên cành cây, ban đêm bay những quãng đường dài để tìm thức ăn. Thức ăn chủ yếu của loài này là quả hoặc mật hoa như chôm chôm, xoài, sầu riêng... Chúng là tác nhân thụ phấn hoa của nhiều loài cây rừng và cây ăn quả.

Mèo cá (Prionailurus viverrinus) có hình thể rất giống mèo rừng nhưng có kích thước lớn hơn. Điểm đặc trưng trong tập tính của loài mèo này là chúng ưa thích sống gần môi trường nước, bơi lội giỏi, săn cá, cua, ốc, chuột, chim… làm thức ăn. Chúng làm tổ trong các hốc đất đá, bụi rậm, hốc cây… Thời gian mang thai khoảng 63 ngày, mỗi lứa đẻ 1 - 4 con.
Ếch giun (Ichthyophis bannanica) là một loài vật kỳ lạ thuộc bộ ếch nhái không chân. Chúng có hình dáng giống hệt giun nhưng lớn hơn, thân dài từ 10 – 38cm, có mắt như hai chấm đen, mõm tương đối nhọn và có hàm rõ. Những con lưỡng cư này sống chui luồn trong đất ở độ sâu 20 - 30cm, ăn giun đất, đẻ trứng ở gần chỗ có nước, mỗi lứa chừng 30 quả. Con cái luôn cuộn lấy trứng để bảo vệ.

Già đẫy nhỏ (leptoptilos javanicus) là loài chim quý xuất hiện tại rừng tràm U Minh. Loài chim này có ngoại hình khá giống một cụ gà khắc khổ, với dáng đứng gù gù, cái đầu hói lơ thơ “tóc”, da mặt nhăn nheo lấm tấm đồi mồi. Chúng thường làm tổ theo tập đoàn ở những cây to cao gần nước, đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ trung bình 4 trứng vào tháng 11 đến đầu năm sau.
Kỳ đà vân (Varanus nebulosus) có cơ thể dài tới 2m, là loài thằn lằn lớn nhất Việt Nam. Loài bò sát này sống trong hang hốc gần nguồn nước, bơi giỏi, leo trèo giỏi, kiếm ăn trên mặt đất hoặc trên cây, ăn côn trùng, thằn lằn, chim và thú nhỏ, đôi khi phá cả tổ chim để ăn trứng và chim non. Trong mùa sinh sản, các cá thể đực đánh nhau để giành cá thể cái. Vào mùa mưa, kỳ đà vân đẻ khoảng 24 trứng có vỏ dai vào hố do chúng tự đào rồi dùng mõm để lấp đất lên hố có chứa ổ trứng.

U Minh Thượng là nơi còn bảo tồn một quần thể lợn rừng (Sus scrofa) lớn ở nước ta. Những con vật móng guốc này nặng 40 - 200 kg, ngực nở, lông thô cứng màu đen xám, răng nanh thường phát triển to dài chìa ra ngoài môi như một thứ vũ khí tự vệ lợi hại. Lợn rừng sống theo đàn 5 - 20 con, kiếm ăn đêm, ngày nghỉ trong các bụi rậm. Chúng là loài ăn tạp, thức ăn gồm các loại củ, quả rừng, măng tre nứa và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngóe, giun đất, ong..
Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana) là một trong những loài rái cá hiếm nhất thế giới. Chúng có thân hình dài, mềm dẻo, màng bơi da trần phủ hết ngón, tai có nắp che lỗ tai, lông màu nâu sẫm, sẫm đen, móng vuốt rất dài nhọn, sắc. Chúng sống thành đàn dưới 10 con, đào hang làm tổ trong các bờ đất, ụ đất cao, cửa hang thường thông ngầm dưới nước, hoạt động vào sáng sớm, chiều tối và ban đêm, thức ăn chủ yếu của chúng là cá, sau đến các loài khác như cua, ốc, thằn lằn, rắn, ếch nhái...

Trăn gấm (Python reticulatus) là loài có kích thước "khủng", có thể dài tới 6 – 7m. Chúng có đầu nhỏ dài, môi có nhiều lỗ cảm giác, da màu vàng be hay vàng nâu với những vân xám đen nối với nhau làm thành những mắt lưới. Chúng là loài bò sát bơi giỏi, sống ở gần môi trường nước, hoạt động về đêm, ăn nhiều loại động vật khác nhau. Mỗi lứa trăn mẹ có thể đẻ tới 100 trứng. Trứng nở sau khoảng hai tháng rưỡi đến 3 tháng. Con non mới nở dài khoảng 60 đến 75cm.
Tê tê Java (Manis. javanica) là loài động vật có vú độc đáo, với vảy bao phủ thân mình, chỉ chừa phần bụng và mặt trong tứ chi. Ở những phần đó có lông thưa. Chân chúng có móng dài và cong, đuôi khá dài và khỏe, có thể vin bám vào cành cây khi leo trèo. Mỗi cá thể trưởng thành dài 77,5–100 cm.


                           Trích từ REDS.VN
                                        Theo KIENTHUC.NET.VN