Tác Giả:
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng tấm lòng bao dung của Bá Cường khiến dân mạng cảm động. Trong tương lai, chàng trai 18 tuổi muốn có thể giúp đỡ người nghèo nhiều hơn.
Vừa qua, hình ảnh chàng trai sửa giày dép miễn phí cho người nghèo tại một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM) thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Các khoảnh khắc do tài khoản Đan Nam (sống gần khu vực này) đăng tải lên trang cá nhân nhanh chóng nhận được 5.000 like (thích). Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nơi sinh sống của chàng trai - được mọi người thường gọi là Beo. Hàng ngày, Beo làm việc từ 8h đến 16h. Em theo học 2 năm nghề sửa giày dép từ một người thầy tên Tuấn và chính thức làm công việc này hơn nửa năm. Trong ảnh là tủ làm việc của Beo khi đã được đẩy về nhà.
Đón tiếp chúng tôi là chàng trai có làn da ngăm, nụ cười thân thiện thường trực trên môi. Hỏi chuyện, Beo cho biết, mình tên Nguyễn Bá Cường, sinh năm 1997. Hiện em sinh sống cùng bố mẹ và em trai tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP HCM. Cường tâm sự: "Bố em làm nhạc công cho đám cưới, thu nhập không ổn định. Mẹ sang ngoại lo cho bà bị bệnh mấy năm nay, tối mới về nhà. Hàng ngày, ba bố con đùm bọc nhau mà sống, nhưng em vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mình có thể đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình".
Không gian sinh hoạt của gia đình Nguyễn Bá Cường rộng chưa đầy 10 m2. Do nhà chật hẹp, buổi trưa khá nóng song Cường cho hay, em sống từ nhỏ đến lớn tại đây nên dần quen. Dù năm nay 18 tuổi, trông dáng người nhỏ bé của Cường vẫn như một học sinh tiểu học. Bố Cường - ông Nguyễn Bá Quốc (48 tuổi) - cho biết, từ nhỏ, Cường bị nổi các vết đốm trên người, gia đình khó khăn nên không theo dõi, chữa trị đến cùng. Điều này ảnh hưởng đến chiều cao, còn sức khỏe của Cường vẫn bình thường.
Em trai Cường là Nguyễn Bá Thắng, năm nay học lớp 6. Nhắc đến chuyện học tập, cậu bé nhanh nhảu mang các bằng khen ra khoe với chúng tôi. Còn riêng Cường, cậu chia sẻ: "Em bỏ học từ năm lớp 6. Lúc đó, gia đình khó khăn, thành tích học của em khá tệ. Có lớp 6 mà học lại 3 năm, lường được sức mình và thấy bố mẹ khổ quá nên em nhường cho em trai học tiếp. Em theo học nghề phụ lo gia đình".
Nhìn thành tích học tập của em trai, Bá Cường cảm thấy tự hào. Về cơ duyên đến với nghề sửa giày dép, Cường cho hay, đối diện nhà cậu có một thợ đóng giày lâu năm tên Tuấn. "Tình cờ em qua nhà thầy chơi, xem các người thợ làm việc. Thầy hỏi em có muốn học nghề không, thầy sẽ dạy. Em đồng ý và thực hành ngay. Ban đầu, em gặp không ít trở ngại như dán keo giày mãi không dính, mũi kim khâu đâm vào tay chảy máu... Học gần 2 năm, tay nghề cứng, em ra làm tại khu vực chợ Bàn Cờ".
Ngoài giờ làm, thường ngày Cường cũng phụ giúp bố nấu ăn. "Sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị" - là bảng hiệu trên xe đẩy của Cường khiến người xem ấm lòng. 9X nói: "Thầy em thương người lắm. Bảng là do thầy làm, căn dặn em phải giúp đỡ người nghèo, mưu sinh trên phố. Việc san sẻ cho những người đồng cảnh ngộ khiến em hạnh phúc và hiểu được giá trị của cuộc sống".
Mỗi ngày, thu nhập của Bá Cường khoảng 100.000 đồng. Cao điểm, em có thể kiếm được 200.000 đồng. Cường chia sẻ, toàn bộ số tiền hàng tháng đều đưa cho mẹ giữ để chi tiêu sinh hoạt gia đình, mua quần áo cho hai anh em. Anh Tuấn - thầy dạy sửa giày dép cho Cường - bày tỏ: "Tôi là người Sài Gòn. Cuộc sống sửa giày cũng đủ sống, không khá giả gì. Mỗi tháng, tôi trả lương cho Beo 3 triệu đồng phụ gia đình, mong em có cái nghề ổn định sau này kiếm sống".
Bá Cường và Bá Thắng chuẩn bị bữa tối với món mỳ gói. Là anh cả trong nhà, Cường luôn hiểu được trách nhiệm của mình. "Thấy em học giỏi, ngoan ngoãn là em mừng rồi. Sau này, bản thân chỉ biết cố gắng làm việc, lo cho em ăn học đến nơi đến chốn" - Cường vui vẻ nói.
Cuộc sống còn chật vật, nhưng người viết cảm nhận được tình cha con thiêng liêng trong căn nhà nhỏ này. Cô Loan (ngụ quận 3, hàng xóm của nhà Cường) chia sẻ với chúng tôi: "Bố Cường đảm đang lắm, lo làm ăn rồi còn đảm nhận chăm sóc con cái. Thằng út học giỏi. Riêng Cường hiền lành, 18 tuổi mà nhìn như trẻ con. Xung quanh, mọi người cũng là dân lao động nghèo nên không giúp đỡ gì nhau nhiều".
Nụ cười thân thiện và tấm lòng bao dung của Bá Cường sẽ còn khắc ghi trong lòng nhiều người. Về ước mơ tương lai, chàng trai 18 tuổi cho biết: "Sau này, em hy vọng có vốn, mở một tiệm giày như thầy Tuấn rồi lo làm ăn, nuôi em trai, bố mẹ. Em cũng muốn giúp được nhiều người nghèo hơn".
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN