Tác Giả:
Khô rắn miền Tây đang rất hút khách. Không chỉ dân nhậu ưa chuộng, món đặc sản đặc biệt này rất được nhiều người làm quà biếu.
Khu vực biên giới giáp Campuchia thuộc xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang là nơi sản xuất khô rắn nổi tiếng ở miền Tây.
Có trên dưới 10 hộ dân chuyên làm nghề này gần 10 năm nay, mỗi ngày cung cấp cho thị trường miền Tây hàng chục kg khô rắn các loại. Khô rắn ở đây nức tiếng khắp nhiều tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long.
Rắn làm khô thường là các loại bông súng, rắn râu, rắn nước, rắn trun…. vì đây là loại rẻ tiền. Rắn bắt về sẽ được cắt tiết, lột hết phần da, loại bỏ phần xương, sau đó tẩm ướp gia vị.
Anh Lê Văn Tiểu, người chuyên làm khô rắn ở xã Vĩnh Hội Đông, cho biết thường vào mùa nước nổi rắn nhiều vô số kể. Không chỉ cư dân vùng biên theo nhau săn rắn nội đồng, mà người dân Campuchia cũng mang rắn sang Việt Nam bán cho các chủ vựa. Bình quân mỗi ngày cơ sở của anh Tiểu sản xuất khoảng 20 - 25 kg khô rắn.
Các hộ làm nghề ở đây thường tập trung sản xuất trong vòng 6 tháng mùa lũ (từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm). Giá bán bình quân từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg, lúc cao điểm, nhất trong dịp Tết, giá tăng lên 350.000 - 500.000 đồng/kg nhưng không có hàng đáp ứng.
Để khô rắn thơm ngon, người làm ngoài việc phải chọn rắn sống còn chuyên nghiệp trong khâu ướp gia vị, để khô vừa ăn mà thịt lại mềm.
Khâu phơi nắng cũng hết sức quan trọng. Người phơi phải canh nắng sao cho miếng khô ráo nhưng thịt ăn vào vẫn giữ được độ tươi.
Khô rắn thường được làm thành hình bầu dục lớn bằng bàn tay, hình tròn, phơi 2 - 3 nắng có thể xuất bán.
Những người có kinh nghiệm làm nghề cho biết, miếng khô ngon sẽ đảm bảo không có mùi tanh, chín ở dạng tái.
Sau khi phơi đủ độ khô, thịt rắn tự chuyển sang màu đỏ hồng bắt mắt. Cứ 12 kg rắn sống cho ra 1 kg khô.
Ngoài lấy thịt làm khô, nơi đây còn làm các loại rắn nguyên con phơi khô, với giá bán từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg, chủ yếu phục vụ ngâm rượu.
Bà Quách Thị Lan, có hơn 20 năm làm nghề khô rắn ở Vĩnh Hội Đông cho biết, khô rắn sản xuất bao nhiêu vẫn không đủ đáp ứng thị trường ở miền Tây, vì nguồn rắn chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Mấy năm nay nước lũ về ít, lượng rắn càng giảm. Cũng theo bà, trước đây mỗi ngày cơ sở bà thu mua từ 200 đến 300 kg rắn sống các loại, nay chỉ mua được khoảng 80 - 100 kg.
Người làm khô rắn cho biết, sau khi lấy thịt làm khô, tất cả các bộ phận đều có thể tận dụng. Như da và đầu rắn bán cho các hộ nuôi cá, ruột bán cho dân nhậu. Đặc biệt xương rắn phơi khô bán giá 30.000 đồng/kg cho các lò nấu cao.
Còn pín rắn đực được phơi khô, bán giá từ 500 -700 đồng/cái, tùy theo lớn nhỏ, chủ yếu dùng để ngâm rượu.
Ngoài sản xuất khô rắn, nơi đây còn sản xuất khô trăn. Thông thường cứ 5 kg thịt trăn cho ra 1 kg khô.
Khô trăn ăn không ngon bằng khô rắn, nên giá cũng rẻ hơn, dao động từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg. Loại này cũng không khan hàng vì nguồn nguyên liệu dồi dào nên được sản xuất quanh năm.
Anh Tiểu cho biết thêm, khô rắn nướng với lửa vừa phải, hơi nóng sẽ làm thịt chín tươi ngon.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN