Chùm ảnh: Những địa danh thiêng liêng của liệt sĩ Việt Nam

DS Bài Viết

Tác Giả:

Đó là những địa danh mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của những liệt sĩ đã hi sinh cho nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là nơi an nghỉ đời đời của hơn 10.000 chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh đối với những người con đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) là điểm giao thông quan trọng trong, bị không quân Mỹ tập trung đánh phá dữ dội trong chiến tranh. Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 22. Vào chiều 24/7/1968, 1 quả đã bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi cả cô đang tránh bom khiến tất cả hi sinh anh dũng. Sự ra đi của các cô đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Thành cổ Quảng Trị là nơi diễn ra trận chiến khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm giữa lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam với quân của chế độ Sài Gòn có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực của quân đội Mỹ năm 1972. Ngày nay khu vực thành cổ được người dân trong vùng coi là "Đất Tâm Linh" vì nơi đây bất cứ tấc đất nào cũng in dấu máu xương của các liệt sĩ.

Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa là cây cầu nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam như một trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. Nhờ địa thế đặc biệt cùng sự quả cảm của lực lương thanh niên xung phong và dân quân Thanh Hóa, cây cầu đã đứng vững trong rất nhiều cuộc oanh tạc trước khi bị bom thông minh tối tân của không quân Mỹ phá hỏng năm 1972. 

Cầu Hiền Lương bức qua sông Bến Hải nằm trên Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 được coi là biểu tượng của sự chia cắt hai miền Việt Nam trong quá khứ, đồng thời cũng là một biểu tượng oanh liệt về cuộc đấu tranh giành tự do, thống nhất tổ quốc mà nhân Việt Nam đã kiên cường tiến hành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

10-4-1972 tại cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn) bắc qua sông Thạch Hãn đã diễn ra trận đánh cảm tử của 20 chiến sĩ trung đội Mai Quốc Ca nhằm phá cầu, cắt đường viện trợ của địch. Các anh đã bị phát hiện và bao vây bởi 3 tiểu đoàn lính tinh nhuệ của địch, nhưng vẫn kiên cường chiến đấu cho đến khi 19 người hi sinh, một người bị thương nặng và bị bắt giữ. Địa điểm của trận đánh ây bây giờ là tượng đài mô phỏng 19 giọt máu của 19 người đã ngã xuống vì tổ quốc.

Trận đánh ở chợ Đồng Xuân là một trong những trận đánh lớn, được coi là biểu tượng cho tinh thần quyết tử của người Hà Nội trong cuộc Toàn quốc kháng chiến bắt đầu từ cuối năm 1946. Trong trận phòng thủ kéo dài từ ngày 6-14/2/1947 này, quân Pháp đã chiếm được Đồng Xuân nhưng phải trả giá bằng 3 thiết giáp bị phá hủy, trên 100 tên chết và bị thương. Về phía ta, 15 chiến sĩ đã hi sinh anh dũng.

Vào sáng 14-3-1988, trước sự uy hiếp của quân Trung Quốc với tàu chiến lớn và vũ khí hạng nặng, tại đảo đá san hô Gạc Ma của Việt Nam, các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã quây thành vòng tròn bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc cắm trên đảo. Sau khi quân Trung Quốc giáp trận và bị đánh bật, pháo 37 li từ tàu chiến của chúng đã bắn thẳng vào các chiến sĩ Việt Nam đang quyết tử bám trụ giữ đảo. 64 chiến sĩ Việt Nam đã hi sinh. Cái chết của các anh sẽ mãi mãi được ghi nhớ với cụm từ thiêng liêng: Vòng tròn bất tử.

Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên ở Hà Giang có hơn 1.700 ngôi mộ, phần lớn là của những cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong các trận chiến đấu chống quân Trung Quốc để giành lại các cao điểm thuộc xã biên giới Thanh Thủy năm 1984. Trong đó, có rất nhiều ngôi mộ vô danh.

Dù chỉ cách Sài Gòn 70km nhưng trong suốt 30 năm kháng chiến, hệ thống địa đạo Củ Chi đã trở thành một pháo đài không thể công phá, một cái gai nhức nhối không thể nhổ bỏ đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Với tầm của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.

Nằm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, vùng đất phải hứng chịu một lượng bom đạn khổng lồ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Vịnh Mốc với chiều dài hơn 1,7km với hệ thống giao thông hào chằng chịt là công trình ghi dấu sự sáng tạo và ý chí quật cường của quân và dân Quảng Trị.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh là trận chiến lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Chiến dịch này đã ghi nhận nhiều tấm gương hi sinh quên mình, trở thành huyền thoại lịch sử như các anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... 

Trận Khe Sanh diễn ra từ tháng 1-7/1968 được ví như một trận Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là một trận đánh hết sức khốc liệt với sự hi sinh của hàng nghìn chiến sĩ Giải phóng, kết quả là đã phá vỡ được tuyến hàng rào điện tử của Mỹ ở Tà Cơn - một căn cứ quân sự trọng yếu, góp phần đập tan âm mưu mở rộng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Nhà tù Côn Đảo là một khu nhà tù tại quần đảo Côn Đảo (nay trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) do người Pháp xây dựng để giam giữ tù phạm chính trị, tử tù... sau này tiếp tục được Mỹ và chính quyền Sài Gòn nâng cấp mở rộng. Nơi đây được coi là “địa ngục trần gian” dành cho các chiến sĩ cách mạng với nhiều hình thức tra tấn, cực hình hà khắc không thua kém gì thời Trung cổ, dẫn đến cái chết đau đớn của rất nhiều người.

Hỏa Lò là một nhà tù do thực dân Pháp lập ra tại trung tâm Hà Nội. Đây từng là nơi giam giữ rất nhiều nhà cách mạng Việt Nam trong suốt thời kỳ đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Nhiều chiến sĩ đã bị hành hình bằng máy chém tại đây như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lãn, Nguyễn Hoàng Tôn... Ngày nay, nhà tù Hoả Lò vẫn được lưu giữ một phần, là một di tích lịch sử đặc biệt của thủ đô Hà Nội.

Nhà tù Lao Bảo (Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) là một trong 5 nhà tù lớn nhất Đông Dương. Đây là nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng cộng sản cốt cán mà sau này là lãnh đạo cao cấp của chính quyền nước CHXHCN Việt Nam như: nhà thơ Tố Hữu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung, Lê Chương, Lê Thế Tiết…

Nằm trên đảo Phú Quốc, nhà tù Phú Quốc là trại giam tù binh trung tâm của chế độ Sài Gòn trước 1975, nơi từng từng giam giữ hơn 32.000 tù binh trong Chiến tranh Việt Nam. Tù binh chiến tranh ở Phú Quốc phải chịu những hình phạt, tra tấn tàn khốc như như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng... Từ tháng 6/1967 - 3/1973, có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật tàn phế tại trại tù này. 

Pháo đài Đồng Đăng là một hệ thống đồn lũy kiên cố do người Pháp xây dựng ở thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) trước 1945. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, đây là nơi diễn ra trận đánh ác liệt giữa 200 chiến sĩ Công an vũ trang với lực lượng áp đảo của Trung Quốc. Sau 7 ngày tử thủ, lực lượng chốt giữ tử trận gần hết, chỉ còn 6 người thoát về tuyến sau. Sau khi chiếm đóng, quân Trung Quốc đã dùng 10 tấn thuốc nổ phá sập phần trên pháo đài. Vào năm 2006, 30 bộ hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy sau hàng tuần khai quật trong tầng hầm pháo đài Đồng Đăng. 

 

 

Theo KIẾN THỨC