Tác Giả:
Tháng 7 hàng năm, rùa biển từ các vùng Phú Quý, Phú Quốc, Trường Sa và các đảo Palawan (Philippines), Pahang (Malaysia), Nautura (Indonesia) lại về Côn Đảo (Vũng Tàu) đẻ trứng.
Hàng năm tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế Việt Nam thường phối hợp cùng Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức chương trình tình nguyện bảo tồn và cứu hộ rùa biển, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của tình nguyện viên và cộng đồng trong việc giúp giữ gìn loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng.
Rùa lên đẻ nhiều ở khu vực hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo). Một trong những nguyên nhân để rùa tuyệt chủng là ăn nhầm túi nilon vì tưởng là sứa (thức ăn yêu thích của rùa), vướng lưới bỏ của ngư dân, bị đánh bắt trái phép, bị các động vật khác tiêu diệt.
Rùa mẹ sau khi lên cạn sẽ dùng hai bơi trước quạt đất và hai bơi sau đào lỗ để đẻ trứng, mỗi lỗ rộng khoảng 20 cm, sâu khoảng 60 cm và chứa được cả trăm trứng. Trung bình khoảng 80% trứng sẽ nở thành con non nhưng do đạt đến độ trưởng thành chậm 15-30 năm và có nhiều loài địch hại nên ước tính trên 1.000 rùa sinh nở chỉ có 1 con sống đến trưởng thành.
Thời gian từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc quy trình đẻ trứng kéo dài cả 2 tiếng đồng hồ nên rùa mẹ cũng có những lúc nghỉ giải lao. Cùng lúc các cán bộ kiểm lâm thực hiện việc đo kích thước và bấm thẻ cho rùa để theo dõi các chặng đường di cư từ nơi kiếm ăn đến khu vực giao phối và đẻ trứng. Mắt rùa nhạy cảm với ánh sáng nên họ chỉ chiếu đèn từ phía sau lưng.
Sau khi rùa mẹ đã lấp tổ và xuống biển, lực lượng kiểm lâm bắt đầu chuyển sang công đoạn di dời ổ trứng bằng tay. Mỗi ổ trứng có từ 50-150 viên. Một mùa sinh sản, rùa mẹ có thể đẻ từ 2 đến 5 ổ trứng.
Trứng sau khi được đào ở lỗ nhỏ lên sẽ di chuyển đến vị trí an toàn để tránh thủy triều cuốn, lấy cắp hoặc bị các loại động vật khác ăn mất.
Các bạn tình nguyện viên sẽ thực hiện việc kiểm tra số lượng trứng, có đến 149 trứng trong ổ này.
Trứng rùa lúc này mềm và tròn như quả bóng golf, có thể nở ở nhiệt độ 26 -32 độ C với thời gian bình quân khoảng 56 ngày.
Tại Việt Nam, qua theo dõi bằng vệ tinh do Vườn Quốc gia Côn Đảo thực hiện, rùa đến đây đẻ là do di chuyển từ các vùng biển Phú Quý, Phú Quốc, Trường Sa, đảo Palawan (Philippines), đảo Pahang (Malaysia), đảo Nautura (Indonesia). Rùa biển có thói quen di cư lại về nơi sinh ra để đẻ trứng vì vậy việc bảo vệ gìn giữ môi trường có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn rùa biển.
Theo TRI THỨC