Chùm ảnh: Thánh đường Hồi giáo cổ xưa nổi tiếng nhất Việt Nam

DS Bài Viết

Tác Giả:

Có lịch sử lâu đời, thánh đường Mubarak được xây từ năm 1750 bằng gỗ lợp lá. Năm 1922, thánh đường được xây kiên cố hơn với tường vôi, lợp ngói...

 

Nằm ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, thánh đường Mubarak của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi là một trong những thánh đường Hồi giáo nổi tiếng nhất của Việt Nam.

 Được thiết kế bởi kiến trúc sư Mohamet Amin, thánh đường gây ấn tượng đầu tiên với cổng chính hình vòng cung, uy nghi trước khoảng sân rộng.

 Từ cửa chính của thánh đường trở ra hai bên là hai dãy hành lang với các vòng cung nhọn đầu. Dãy hành lang và vòm cửa này kéo dài sang cả hai bên hông của thánh đường.

 Trên nóc thánh đường có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc thánh đường đều có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao.

 Không gian bên trong thánh đường rộng rãi và thoáng mát với tông màu trắng - xanh, được chống đỡ bằng 2 hàng cột. Ở giữa có 2 vòm cung, vừa có tác dụng khuếch đại âm thanh khi cầu nguyện, vừa trổ các cửa sổ hắt ánh sáng tự nhiên xuống thánh đường.

 Nơi hành lễ nằm ở phía bên trái thánh đường, được bố trí đề các tín đồ luôn hướng về thánh địa Mecca khi cầu nguyện.

 Quanh các dãy hành lang của thánh đường trang trí nhiều tác phẩm nghệ thuật Hồi giáo.

 Có lịch sử rất lâu đời, thánh đường Mubarak được xây dựng từ năm 1750 bằng gỗ lợp lá, và được trùng tu nhiều lần cũng bằng vật liệu này. Năm 1922, thánh đường được xây kiên cố hơn với tường vôi, cột cây tròn và lợp ngói.

 Đến năm 1965, thánh đường được xây mới bằng bê tông cốt sắt, và tồn tại cho đến nay. Tất cả các hạng mục đều do các tín đồ người Chăm địa phương góp công, góp của.

 Là công trình kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng người Chăm ở Nam bộ, thánh đường Mubarak đã được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia từ năm 1989.

 

 

Theo KIẾN THỨC