Tác Giả:
Ngồi trên thuyền du ngoạn dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP HCM), du khách thoải mái ngắm cảnh và thưởng thức những bản nhạc dân tộc.
Từng được mệnh danh là dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn với những khu nhà ổ chuột hai bên bờ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được hồi sinh sau gần 20 năm. Để làm sạch nơi này, từ năm 1993, thành phố đã giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ.
Chiều 1/9, Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP HCM khai trương tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là sản phẩm mới mà ngành du lịch TP HCM triển khai.
Tuyến du lịch đường thủy này sử dụng thuyền phụng, trang trí đẹp, phù hợp với cảnh quan và đậm đà bản sắc Việt Nam.
Mỗi thuyền có sức chứa trung bình từ 2 đến 6 khách, trang bị phao cứu sinh. Thuyền còn có mái che, người lái và một thuyết minh viên.
10 thuyền phụng được đưa vào khai thác dịp này. Ngoài ra, đơn vị khai thác cũng đưa vào hoạt động hai chiếc thuyền chống sào có sức chứa từ 7 đến 20 người. Khách có thể mang đồ ăn uống lên để sử dụng trong khi du ngoạn.
Lộ trình tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 4,5 km, đi qua các địa bàn quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận. Khách có thể mua vé tại hai nhà ga (quận 1 trên đường Hoàng Sa, cạnh chân cầu Thị Nghè và quận 3, trên đường Hoàng Sa, gần chùa Chantaransay). Giá vé dự kiến khi đi vào khai thác là 220.000 đồng/người.
Tham gia tour du lịch đường thủy này, du khách sẽ được tham quan TP HCM văn minh, hiện đại với khung cảnh êm đềm hai bên dòng kênh.
Dọc tuyến kênh này khách có thể ngắm một số danh thắng như ngôi chùa Vạn Thọ, Hải Đức...
Chùa Hải Đức, quận Phú Nhuận vừa mới được xây dựng nằm ở vị trí nổi bật bên dòng kênh.
Chiếc thuyền sẽ được người lái thuyền chèo ngược xuôi theo dòng kênh, đưa du khách thưởng ngoạn khung cảnh thành phố kết hợp với thưởng thức âm nhạc dân tộc.
Trong buổi đầu hoạt động, nhiều du khách thích thú chụp hình, lưu lại những cảnh đẹp hai bên kênh.
Sau hơn một giờ du ngoạn trên kênh, thuyền đưa khách cập bến trên thượng nguồn (đoạn gần chùa Chantaransay). Một hình ảnh khiến nhiều người liên tưởng đến vùng sông nước miền Tây tấp nập thuyền ghe qua lại.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN