Chuyện cà phê Sài Gòn ngày ấy và bây giờ

DS Bài Viết

Tác Giả:

Người Sài Gòn thích la cà các quán cà phê, dần dà văn hóa ấy như thấm vào trong máu của mỗi con người ở đây.

Nhưng có lẽ một tách cà phê ngon thôi chưa đủ, người ta mê mẩn nó bởi những thứ làm nên cái văn hóa này, người ta ghiền con người ở quán, ghiền những câu chuyện bàn tán xung quanh hay có đôi khi đơn giản là ngồi đó nhâm nhi cái vị đắng đắng ngẫm chuyện đời và nhớ về những câu chuyện cũ…
 


Khi nói tới một văn hóa nào đó người ta nói về sự vận động và phát triển không ngừng của nó. Văn hóa cà phê Sài Gòn cũng vậy, nó có những bản sắc độc đáo rất riêng mà có lẽ không nơi nào chúng ta lại tìm thấy. Người Sài Gòn ngày ấy sinh ra và già đi trong chiến tranh. Lúc đầu tiếp thu lối sống của Pháp là những giới làm công chức hoặc đi lính, phục dịch chế độ mới, sau lan đến cả những tầng lớp bình dân qua trung gian của Hoa kiều mở các cửa hàng tại những ngã tư, ngã ba trong thành phố và bán cà phê như một thức uống đặc biệt.
 


Cái đặc biệt ấy còn thể hiện trong cả sự phân cấp của những người thưởng thức. Với tầng cấp trung và thượng lưu ngày ấy, họ thường đến những quán cà phê sang sang ở mấy góc ngã tư đường, họ đến đây không chỉ để uống cà phê, mà còn để thưởng thức âm nhạc, chia sẻ cùng nhau những câu chuyện suy gẫm, đó là thời điểm mà nhạc vàng lên ngôi. Quán cà phê thời điểm đó trở thành những điểm hẹn trầm tư, để người ta chia sẻ những câu chuyện đáng suy gẫm. Sài Gòn bay bướm, vội vã nhưng cái thú vui đó không vội vàng, người ta uống cà phê trong những chiếc tách nhỏ, cà phê được để trong phin chờ nhỏ từng giọt. Có chút gì đó lãng mạn, có chút gì đó làm dáng nhưng văn hóa cà phê lúc đó vô cùng thời thượng.
Trong khi đó, giới học sinh và bình dân làm quen với cà phê pha trong bình lớn với cái lọc thật to ngâm hẳn trong nước sôi được gọi thân mật là cà phê bít tất để diễn tả kích thước kếch sù và bằng vải của cái lọc.

…Nhưng cái gì cũng vậy, theo thời gian cũng sẽ có những thay đổi nhất định của nó. Văn hóa cà pha Sài Gòn ngày nay vẫn còn ở đó, nhưng nó có phần vội vã hơn. Và có lẽ những câu chuyện cũng ít đi, đó là nơi người ta đến với nhau để tán gẫu, những dàn trải tâm tư chắc cũng không còn nhiều.

Nếu ngày xưa cà phê ngày xưa chỉ có vài loại với vài cách uống, hoặc cà phê đen, hoặc thêm ít đường hoặc cho thêm sữa,…thì ngày nay các quán cà phê mọc lên như nấm. Các loại nước uống cũng có nhiều loại, thậm chí đôi khi người ta rủ nhau đi cà phê nhưng cuối cùng cả bọn lại chọn một loại thức uống khác. Sài Gòn là vậy đấy!


Nhưng có lẽ, cái thú vui ngồi ngoài quán cà phê, uống thật chậm một ly nước, nhìn dòng đường tấp nập chưa bao giờ là lỗi thời ở đây. Nếu có một cái gì đó rất khác mà người ta nhìn thấy ngay tức khắc, đó chính là trên bàn ngoài mấy tách cà phê còn có thêm vài chiếc điện thoại. Người ta ít nói chuyện với nhau hơn, và giành một phần thời gian để dán mắt vào màn hình điện thoại. Chắc điều đó cũng là một xu hướng, một nét rất riêng ở nơi đây.
Cùng với đó, các quán cà phê mang đi (Take Away) cũng xuất hiện, cà phê trở thành một dạng thức uống bình thường, nhanh, và được một người chọn cũng giống như bao loại nước giải khát khác. Cũng chính cái nhịp sống có phần vội vã, lượng người đến những quán cà phê mỗi buổi sáng cũng thưa hơn trước. Có lẽ chỉ ít hơn trước thôi, chứ cái văn hóa cà phê sáng vẫn luôn ở đó, như một thói quen của người Sài Gòn…

 


Cà phê bệt cũng là một nét riêng không lẫn vào đâu được của Sài Gòn.


Có những người Sài Gòn chính gốc, cũng có những người dân tỉnh lẻ đến đây tìm cơ hội. Nhưng với tôi, tất cả những người đang sống ở đây đều là người Sài Gòn. Có những bản sắc từ khi được sinh ra đã có, nhưng cũng có những nét riêng mà nếu sống ở đây một thời gian nó cũng thấm vào trong máu của mỗi chúng ta, như văn hóa cà phê chẳng hạn. Chúng ta thương Sài Gòn bởi cái bình dị và gần gũi của nó, hoặc cũng có thể chính cái “mùi cà phê” là thứ níu chân chúng ta ở lại nơi này.