Tác Giả:
Ai cũng bảo mẹ tôi là “dân nhà bè” thế mà lại ăn học được đến như thế…Tôi thắc mắc không hiểu “dân nhà bè” thì có gì khác?
Mẹ tôi nói: “So với những người trên đất liền, dân nhà bè thiệt thòi đủ thứ. Họ không có nổi một mảnh đất để làm nhà, đến một mảnh vườn nhỏ để trồng một luống hoa, hay ít nhất một luống rau thơm cũng không có. Được gọi là “dân nhà bè” cũng vì họ sống trong những ngôi nhà được dựng lên trên những cây tre ngâm, ghép lại thành bè, nổi trên mặt nước, neo dọc hai bên bờ sông Lô….
Mẹ tôi đã từng sống ở khu dân cư như thế, sau khi gia đình ông ngoại bị một quả pháo Trung Quốc bắn trúng nhà tại thị xã Hà Giang năm 1979, phải sơ tán về Tuyên Quang. Những năm đầu ông ngoại để cả gia đình sống trong một chiếc thuyền nhỏ làm nghề đánh cá. Sau đó mới làm một chiếc nhà bè để chuyển sang làm nghề cát sỏi. Từ đó, mẹ bắt đầu cuộc sống của “dân nhà bè” – một cuộc sống trên sông nước với tất cả sự vật lộn, không phải chỉ với những khó khăn, nghèo túng, mà còn là với cả cái sống và cái chết.
Cho đến giờ mẹ vẫn không thể quên được những năm tháng nhọc nhằn ấy. Mẹ nói :" Sợ nhất là những ngày mưa lũ. Nước sông lên to, nếu ngủ quên không biết, ngôi nhà lúc chiều còn đang leo cạnh bờ , đến nửa đêm đã lênh đênh giữa dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Nguy hiểm nhất là ngôi nhà sẽ bị cuốn phăng đi, nếu sợi dây cáp neo nhà không đủ sức chịu đựng”
Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, tôi đều thấy mắt mẹ ngân ngấn nước: “ Hình như cho đến tận bây giờ, đôi khi trong giấc mơ, mẹ vẫn như nghe thấy tiếng ông ngoại, quát lạc đi trong tiếng gió rít và tiếng nước chảy ầm ầm : “ Bè ra giữa sông rồi! Căng bè lên để tháo cáp…cố lên đừng để bè tụt…đứt cáp bây giờ..nhanh lên…được rồi”. Thật khủng khiếp! Dòng sông vào mùa lũ hung dữ khác thường. Mặc dù mãi thì rồi cũng quen, nhưng lần nào cũng vậy, phải sau khi chiếc bè được leo chắc chắn vào bờ, trận kinh hoàng tạm trôi qua, mẹ mới thở phào: Thế là thoát”.
Những tháng ngày sống trên nhà bè, lúc nào mẹ cũng phập phồng lo lắng. Ngày đêm bập bềnh cùng sóng nước, những câu hỏi cứ xoáy sâu trong tâm chí mẹ: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như dây cáp bỗng nhiên bị đứt? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như nữa đêm ngủ mơ bước ra ngoài bè – chiếc sân rộng mênh mông nhưng chẳng đứng nổi một giây? Rồi chuyện gì sẽ xảy ra nếu gió bão mạnh làm bay tung mái nhà? ....Mẹ từng đau đớn chứng kiến, đã có gia đình chỉ vì lơ đễnh mà đánh rơi cả con nhỏ xuống sông để chẳng bao giờ gặp lại…
Nghe mẹ kể đến đây tôi bắt đầu hiểu. Thì ra những gì mẹ làm lâu nay cho “ dân nhà bè”, kể từ khi mẹ bảo vệ xong luận án tiến sĩ trở về quê, đều hướng đến một mong muốn duy nhất, là làm sao cho “dân nhà bè” bớt khổ, bớt lạc hậu. Những học sinh là con em “dân nhà bè” từ lớp học miễn phí của mẹ, sẽ tiếp tục bằng con đường học hành, để thực hiện cho được cái khát vọng bứt khỏi cuộc sống chật vật, gian nan của họ, giống như cái cách mẹ đã từng phấn đấu để có ngày hôm nay.
Giờ đây, mỗi lúc được bố đèo đi học qua cầu Nông Tiến, qua con sông Lô, tôi không thể không hướng cái nhìn vào dãy nhà bè bên bờ sông. Nơi đó đầy ắp những kỷ niệm một thời, mẹ đã từng vươn lên từ cuộc sống lam lũ của “dân nhà bè”. Tôi thầm ước tất cả những ai được gọi là “dân nhà bè” sau này cũng phấn đấu và đạt được ước mơ trong cuộc sống như mẹ tôi. Đặc biệt mỗi khi có ai đó thành công trong cuộc sống và sự nghiệp sẽ chẳng ai ngạc nhiên vì họ là “dân nhà bè”.
ĐỖ DIỆP ĐAN LINH
LỚP 9D - THCS LÊ QUÝ ĐÔN – THỊ XÃ TUYÊN QUANG
NĂM HỌC 2004 – 2005