Đi xa để thêm yêu gần

DS Bài Viết

Tác Giả:

Mua ch....i..ế...u ..đ...ê. Có ai m..u..a ch..i..ế..u.. đ...ê.. Lại là những tiếng gọi tôi tìm về ký ức trong đêm mơ về với quê hương, với những gì thân thuộc giản dị đã gắn bó.

Đã nhiều năm qua rồi mà tiếng rao ấy vẫn như một món nợ gọi theo tôi mãi, tiếng rao hàng ấy nó thân quen với tôi trong từng miếng ăn giấc ngủ, để rồi trên dòng đời hối hả, xô bồ giữa xứ người nếu vô tình đụng chạm lại vỡ òa cảm xúc.

Làng Hới quê tôi thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, nằm yên bình sau bóng những lũy tre xanh xõa bóng mát buổi trưa hè, uốn men theo con đê ngăn những mùa bão lũ ngầu đục phù sa cho những bãi trồng ven sông những mùa màng tươi tốt của dòng sông Luộc. Phía sau con đê bên những xóm nghèo được xen lẫn những cánh đồng bạt ngàn của lúa ngô khoai sắn và những cánh đồng đay xanh ngút ngát bạt ngàn tốt tươi.

Cũng nơi ấy tôi cất tiếng khóc chào đời, cả tuổi thơ tôi vang vọng những tiếng lách cách bên những khung dệt chiếu của bà ngoại với dì từ sau những ô cửa, sau những mái tranh xiêu vách đất. Bố đi công tác xa, mẹ bận những giờ đứng lớp và đứa em sau tôi 2 tuổi, nên tôi và anh trai được gửi về bà ngoại để tiện chăm lo. Tôi lớn lên bằng lời ru của ông ngoại với truyện Kiều hòa trong bản nhạc êm đềm từ tiếng lách cách bên khung dệt chiếu ấy…

Năm tháng qua đi, anh em tôi lớn lên cùng những lá chiếu mẹ giao cho để dệt sau mỗi giờ đến lớp, cùng với trang lứa như bao nhiêu gia đình khác trong cái làng nhộn nhịp ấy. Hết sản phẩm được giao từ mẹ, chúng tôi lại được vui cùng đám bạn nô đùa nghịch ngợm nơi đình làng, miếu xóm. Sản phẩm mà mẹ giao cứ nhiều dần, nhiều dần bởi anh em tôi càng lớn càng nhanh tay, nhanh mắt. Những chiếc chiếu mẹ giao cho chúng tôi luôn cố gắng làm thật nhanh để hoàn thành thật sớm, có thêm nhiều thời gian cho những trò chơi cùng lũ bạn, nhưng sản phẩm ấy lại bị tăng lên như chiếc vòng kim cô thít lại thời gian nô đùa.

Tôi đã khóc ăn vạ rất nhiều để được mẹ giảm sản phẩm xuống như những công nhân đình công với ông chủ. Mẹ đã nghĩ ra phuơng pháp tối ưu cho cả hai bên. Mẹ vẫn quy định làm đến giờ nhất định mới được đi chơi, nhưng hết sản phẩm mà mẹ giao cho vẫn chưa đến giờ đi chơi thì từ đó đến khi đi chơi sẽ được tính là giờ làm thêm, trả bằng tiền để mua quần áo sách vở hay để tiêu vào những ngày rằm, ngày tết. Thế nên “công ty” của mẹ con chúng tôi lập lại hòa bình…

Lớn lên dần, bạn cùng trang lứa với tôi cứ bỏ học dần, làng tôi chỉ còn mấy đứa lủi thủi với chiếc xe đạp cà tàng vuợt năm cây số đến Trường cấp III Hưng Nhân theo nghiệp bút nghiên. Lũ bạn bỏ học lại theo nghiệp muôn đời của làng Hới. Con gái thì hăng say kiếm tiền bên khung dệt chiếu với gia đình cho đến khi lấy chồng với một số vốn kha khá. Con trai thì trở thành chuyên buôn bán chiếu. Đứa ít vốn thì lấy chiếu của nhà chất lên xe đạp qua phà Triều Duơng sang các làng quê giáp ranh Hưng Yên, Hải Duơng ước chừng 50 km mỗi buổi sáng rồi trở về khi trời tối với xe chiếu rong trên khắp các ngả đuờng. Chẳng biết tiền kiếm được từ nghề bán chiếu rong có được bao nhiêu nhưng bọn nó luôn rủng rỉnh tiền, tự mua sắm và phì phèo thuốc lá mỗi buổi tối mùa hè ngồi sân đình làng tán dóc.

Còn vài đứa thì theo anh là những nguời buôn chuyến xa ở mãi tận Lào Cai, Yên Bái. Hàng tháng về mua chiếu đóng đầy ô tô tải mang đi thuê nhà, thuê kho tại đó để bán mỗi phiên chợ. Mấy đứa này vất vả tận nơi đâu chẳng biết nhưng về làng nhìn sang như công chức hay sinh viên nhàn nhã. Nhìn chúng nó, tôi thèm lắm, thèm được một lần xa khỏi cái làng Hới qua bến phà Triều Duơng để biết bên kia sông có gì khác với cái làng Hới quanh năm bên khung dệt chiếu mà tuổi mộng mơ đang phải tò mò và tôi cũng có ý định nghỉ học để đi buôn theo chúng nó để không bị gò bó học bài mỗi buổi tối duới sự giám sát của bố mẹ và mong có đồng ra đồng vào mỗi lúc cần. Nhưng bố mẹ tôi không đồng ý mà vẫn bắt anh em tôi miệt mài kinh sử. Rồi qua sách vở tôi được biết làng mình đã có trong sử sách. Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ là người làng tôi, ông đã đi xứ Trung Quốc mang được nghề về để tạo lên cái nghề dệt chiếu như bây giờ. Cũng làng tôi đời sau lại sinh ra một Lễ Nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ cũng khởi đầu sự nghiệp bằng những tiếng rao hàng bán chiếu với những câu thơ ứng đáp tài tình để dệt thành mối tình thi vị giữa bà và Nguyễn Trãi.

Chúng tôi còn biết được qua sách vở, qua những câu chuyện kể của những cụ già từ thời xa xưa với nghề bán chiếu và những nghệ thuật mà như bây giờ nguời ta gọi là marketing để bán được hàng. Bố tôi kể: Ngày xưa từ thời các cụ đi gánh chiếu, bố có biết một cụ, nghe đâu ở làng Vân Đông hay Vân Nam gì đó. Dù mùa đông hay mùa hè, trên gánh chiếu của cụ khi nào cũng có một chiếc khăn mặt, cái bánh mỳ, hay vài gói kẹo. Được ai gọi vào nhà, thế nào cụ cũng bỏ khăn mặt xấp nước rửa mặt lau mồ hôi để tạo lòng thương từ gia chủ, sau đó cụ tìm những đứa trẻ của gia chủ ấy chia cái bánh mỳ, hay gói kẹo mà cụ đã chuẩn bị sẵn, để tạo sự thân mật, làm như vậy thì khả năng bán hàng được sẽ cao hơn rất nhiều người khác và nếu như vẫn chưa bán được giá, thì thể nào cụ cũng giả vờ để quên khăn mặt là cái cớ, rồi sau một vài giờ cụ quay lại, sau vài câu thăm hỏi xã giao thì chiếu bán được là chắc chắn… Sau điếu thuốc lào giòn tan, bố tôi bảo: đó cũng là nghệ thuật mà các con cũng cần phải học để sau này dấn thân vào đời nếu như đi bán chiếu hay làm kinh doanh… Thì ra những chiếc chiếu của quê tôi được chu du khắp miền qua bao thăng trầm lịch sử nhờ những lái buôn cần mẫn ấy.

Vào cấp III thì cái ý định được đi bán chiếu như những đứa bạn càng lớn hơn. Nghỉ hè năm lớp 10 khi bắt đầu đưa ra ý định ấy, mẹ tôi đã không chấp nhận, nhưng bố tôi lại đồng ý để cho tôi biết kiếm đồng tiền khó khăn đến mức nào. Vẫn là chiếc xe đạp của tôi đi học, bố ra hiệu sửa xe mua thêm nguyên bộ bánh thồ phía sau chắc chắn, buộc thêm hai miếng lẹp tre hai bên gác ba ga để có thể chất lên những đôi chiếu. Chờ chú tôi đi chuyến chiếu ấy về, bố nói chú cho tôi theo, lấy hàng của chú bán, nếu thấy không chịu được thì quay về, nhưng dù bán được hay không thì sau 3 tháng hè phải về để tiếp tục đi học.

Những chuyến trước chú tôi hay đi mạn Bắc Ninh hay Lào Cai, Yên Bái nhưng chuyến tôi theo chú thì chú lại đi Cẩm Phả. Lần đầu tiên đi xa nhà, lần đầu tiên sống tập thể với những chú, những anh từ khắp nơi với đủ các nghề trong ngôi nhà thuê chung: từ anh bơm gas bật lửa, anh bán thuốc chuột, thuốc muỗi, rồi các chú, các anh của làng tôi bán chiếu, đủ những thành phần, đủ lứa tuổi... Trời tháng 6 nắng chang chang, tôi khoác lên mình bộ quần áo bộ đội của anh trai, sắm quả mũ lá rộng tháo mấy vòng thành tua dua trên đỉnh đầu, nhìn như một tay lái buôn thực sự... Thương tôi thư sinh và tay lái xe chưa cứng, mọi người bảo chú đưa tôi sang huyện đảo Vân Đồn, ở đó vừa ít xe ô tô, ít bụi than sẽ tốt hơn cho tôi. Tôi đạp xe (có dăm đôi chiếu kém chú đến cả hơn một nửa xe hàng) lẽo đẽo đi sau chú nghe những bài học vỡ lòng của nghề. Chú bảo: 
- Cháu phải học cách rao hàng trước, rao làm sao để vừa không mất hơi nhưng tiếng rao phải vang xa và vọng.
Chú rao trước: “Mua .....ch..i..ế..u....đ...ê”. Tiếng rao ở trong mồm nhưng không thoát hơi ra ngoài để giống như nó là cái loa vừa nhỏ lại vừa vang xa.

Tôi đi phía sau mặt đỏ bừng vì ngượng. Chú bảo tôi rao thử, tôi xấu hổ không dám. Đến đoạn có hai lối rẽ, chú giao cho tôi đi xuống phía biển còn chú sẽ lên phía trên đồi, hẹn nhau đúng 11 giờ trưa sẽ về quán ăn ở điểm chia tay. Chia tay chú, một mình tôi với xe hàng, tôi chẳng biết sẽ làm gì. Cứ mấy lần định cất tiếng rao thì lại nhìn thấy đông người, rồi thời điểm đến khi tôi nhìn trước nhìn sau không có một bóng người tôi bắt đầu cất tiếng rao đầu tiên của người bán chiếu. Bỗng từ trong ngõ có tiếng gọi “Ông hàng chiếu ơi...”. Tôi mừng rỡ đạp vào chiếc phanh bằng dép tông được buộc ở bánh xe phía trước không có chắn bùn. Một cô gái trạc tuổi tôi, khi nhìn thấy tôi, cô gái bảo: “Tưởng là già hóa ra trẻ măng, thôi gọi là ông trẻ nhé”? Tôi ú ớ đỏ mặt, được đà cô gái càng trêu tợn: “Anh có loại chiếu nào mà khi mua xong sẽ lấy được chồng ngay thì bán cho em một đôi, em đang cần lấy chồng”.

Lần đầu tiên gặp những pha ấy tôi choáng luôn, sau chắc cô thấy thương anh bán chiếu nghiệp dư mới vào nghề, mồm ngậm phải hạt thị chứ chẳng giống mấy anh đã có thâm niên mồm mép tép nhẩy nên mua một đôi. Lẽ ra đôi chiếu ấy tôi “chặt chém” được cao, nhưng không hiểu sao tôi chỉ dám bán đúng với quy định tối thiểu của các chú, các anh đưa ra “mức sàn” thấp nhất khi gạn không được. Tôi nghĩ vậy vì tôi đưa ra giá bao nhiêu cô cũng không hề mặc cả mà chấp nhận mua luôn, còn các chú, các anh thì bao giờ cũng nói thách gấp 3 lần, vào giá nào cũng bán được...

Bán xong đôi chiếu thì tôi xuống đến bờ biển, thú thực đó là lần đầu tiên tôi được tận mắt (không phải vội vã như khi ở bến phà Bãi Cháy, hay như khi sáng từ ở Cửa Ông đi phà ra đảo Vân Đồn), ngắm biển trời một màu xanh hòa trong sương sớm trên mặt biển như tấm khăn voan khoác hờ lên bờ vai người thiếu nữ, đẹp đến mê hồn. Nhưng với cảm giác của kẻ nhà quê bắt đầu ra phố không dám nói sợ họ cười, mà mọi người đang bộn bề với mối lo toan cơm áo, làm sao họ để ý đến những điều ấy. Tôi dựng xe chiếu trên bãi và đi lang thang nhìn những con cá nho nhỏ, vừa thấy người đã biến mất, tôi cứ thế đi và ngắm, rồi nhặt những vỏ con ốc, con sò đẹp mắt chất đầy túi ni lông, mải miết đến khi có tiếng rao chiếu phía sau tôi mới giật mình, nhìn đồng hồ đã hơn 1 giờ chiều, cũng lúc ấy chú gọi tôi với vẻ bực bội: “Chú đi tìm cháu mãi, còn cháu tôi thì xuống bờ biển chơi, nhặt vỏ sò, vỏ ốc. Chú hết thuốc chữa với cháu luôn”.

Ngày đầu tiên qua đi, rồi tôi cũng quen dần rao cũng hết ngượng, lại còn được học thêm nhiều kiểu rao hàng khác từ các anh lém lỉnh trong nghề, chẳng hạn: “Cụ già tóc bạc phơ phơ, mua đôi chiếu Hới gái tơ theo liền” hay “Cô nào chồng bỏ chồng chê, mua đôi chiếu Hới chồng bê lên giường nào”. Nhưng duy nhất tôi chẳng bao giờ dám chặt chém ai quá cao, đó là điều nhút nhát mà các anh vẫn hay trêu tôi mỗi buổi. Rồi mỗi ngày với trên dưới 40 km đạp xe cũng chẳng thấm gì khi đã quen, tưởng như quá vất vả mà hóa ra cũng bình thường như bao việc bình thường khác. Mấy tháng theo chú, tôi chẳng đi đâu khỏi huyện đảo vì sợ bên Cẩm Phả nhiều xe cộ, lại quá bụi bặm, còn bên này cuộc sống của những ngư dân có phần thật yên bình và phong cảnh thật thơ mộng.

Mấy tháng hè rồi cũng qua nhanh, cuộc sống tuy vất vả nhưng vui nhộn và không bị quá gò bó của học hành và gia đình, tôi đã định bỏ học đi bán chiếu luôn, nhưng bố tôi “quân lệnh như sơn” nên tôi về để tiếp tục nghiệp bút nghiên. Rồi hè năm học lớp 11 và những mùa hè sau khi đi học xa nhà, làm quen nhiều hơn với nhiều điều mới mẻ khác, tôi vẫn dành tháng hè ít ỏi của mình theo chú, theo những nơi mà chú bán...

Mới đó mà nhanh quá, nơi xứ người quay quắt với cuộc mưu sinh mới, tôi cũng đã làm thêm nhiều nghề để tự nuôi sống mình, nuôi sống những uớc mơ cho tương lai và chẳng ít những nghề vất vả không kém. Tôi đã đi bán stánek (bán hàng ngoài trời ở những phiên chợ làng) với những vất vả mệt mỏi, mà nếu so bì nó cũng chẳng kém gì nghề bán chiếu rong ở quê tôi. Có hơn chăng thì chiếc xe đạp được thay bằng chiếc ô tô và không phải đạp xe lang thang khắp các ngả đường, nhưng lại khổ hơn vì phải thức đêm mò hôm không kể nắng mưa để tranh dành chỗ bán ở những phiên chợ làng, ở những lễ hội trong bán kính hàng trăm kilômét. Một mình đánh vật với quầy hàng dài cả 15m trong mùa hè nóng bức, hay trong mùa đông đầy tuyết phủ mà mỗi buổi sáng phải xúc một khối lượng tuyết dầy cả gang tay chạy dọc cả quầy hàng, mặc lên người bao nhiêu lớp áo, bao nhiêu lớp quần, lớp tất mà chưa hết lạnh. Cũng đã bao nhiêu lần nghĩ về chú tôi, về những tiếng rao hàng vang vang mà chú dạy, về mọi người với cái nghề mà trạng nguyên Phạm Đôn Lễ đã sinh ra cho làng tôi.

Hôm nay nơi này thời tiết đã chuyển mùa, trời chuyển mùa lạnh đang ùa về với những cơn mưa và gió hú bên ngoài khung cửa sổ. Vừa xem ti vi, đâu đó có vùng trên đất khách tuyết đã rơi, mùa đông đang ùa đến, lò sưởi thành phố đã bật về đêm. Mấy buổi sáng nay đi làm đã thấy lạnh lắm, chui vào xe ô tô đã phải bật lò sưởi. Tranh thủ cạo lớp băng mỏng đóng trên kính  chờ xe ấm trước khi lái đi làm rồi. Vào trong phòng làm việc, nóng sực hơi ấm, nhìn qua khung cửa sổ từ tòa nhà mà thấy mênh mang những nỗi buồn vô định. Và có lẽ ở quê hương tôi, cũng đã có gió heo may xao xác, mùa đông lại đang về mang theo cái lạnh tê người. Một nơi nào đó ở quê hương tôi, chú lại vẫn đang đạp xe với những đôi chiếu nặng, đôi chân không quen mang giầy lại sưng tấy vì lạnh vì giá buốt, những đôi chiếu ấy, những tiếng rao hàng ấy chú đã nuôi hai đứa con học đại học. Đã bao nhiêu năm gắn bó mà chú chẳng kêu ca hay chán nản, lúc nào cũng thấy chú cần mẫn và chân thành.

Ai đó đã nói rằng: “Đi xa để thêm yêu gần”. Có phải vậy không mà ở nơi đất khách quê người cứ mỗi khi chuyển mùa lòng tôi lại xốn sang nỗi nhớ thương vô tận. Và nếu như không đi xa, chắc gì tôi đã hiểu được những giá trị của cuộc sống nơi quê hương, khi tôi thấy mình mỗi khi cô đơn trong căn phòng nhỏ bộn bề công việc.

 

 

Phạm Quốc Bảo
(Cộng hòa Séc)