ĐÓN XUÂN NÀY, NHỚ XUÂN XƯA

DS Bài Viết

Tác Giả:

Khi bước vào tuổi trưởng thành, tự mình lo cho cuộc sống, rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái.. Biết bao thứ lo toan, mới thấy thời gian trôi đi sao mà nhanh quá. Thoắt cái, đã qua hết một năm, chợt giật mình – ơ, lại sắp Tết rồi đấy. Gần 10 năm xa quê, chủ yếu ăn những cái Tết miền Nam, những phút giao thừa ấy, rất nhiều lúc, lòng lại bồi hồi nhớ về Tết quê xưa da diết.

Tuổi thơ vô tư, vô lo, vô nghĩ, thời gian trôi thật chậm. Mong mỏi mãi mới qua gần hết một năm. Tháng Chạp thì ngồi đếm từng ngày một để ngóng Tết…. sự háo hức đó, vậy mà cũng đã trôi qua ngót nghét hai chục năm rồi.

Những ngày cuối tháng Chạp, tiết trời se lạnh. Trên cánh đồng lúa đã gặt từ lâu, những thửa ruộng không trồng hoa màu chỉ còn trơ gốc rạ. Những mảnh ruộng trồng rau cũng đã thu hoạch vợi. Lác đác đây đó vài cành cây khoác trên mình bộ áo xanh sẫm, nhiều khi xám xịt, trơ trụi của mùa đông, bỗng chợt điểm trên thân mình vài chiếc chồi non xanh nho nhỏ. Ấy là khi mùa xuân chuẩn bị về!
Chợ phiên những ngày giáp Tết đông hơn hẳn ngày thường. Mọi người đi chợ để mua sắm dần những món cần thiết cho ngày Tết. Nào là gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, lạt tre, hạt tiêu… để làm bánh chưng.. Nào là chậu hoa, bức tranh, câu đối đỏ để trưng cho ngôi nhà thêm đẹp… Nào là tràng pháo để đốt trong đêm giao thừa và mấy ngày Tết…..
Người miền Nam ngày Tết mua hoa mai, người miền Bắc thì mua hoa đào. Nhà nào có điều kiện thì mua cây đào, hoặc cành đào to. Những nhà khác thì mua cành đào nho nhỏ. Rồi mua cây quất với những chùm quả chín vàng, mua hoa về cắm chơi ba ngày xuân. Khắp khu chợ là một bức tranh đầy sắc màu. Màu của cây, hoa. Màu của hàng tết với những chiếc hộp in màu xanh đỏ bắt mắt. Màu của những chiếc quần áo mới bố mẹ mua cho các con. Trẻ quê nghèo, một năm được sắm đôi ba bộ quần áo mới. Ngày Tết đứa nào cũng mong bố mẹ mua quần áo đẹp cho mặc, để đi khoe cùng bạn cùng bè.
Rồi cửa hàng bánh kẹo nữa. Những năm 1990, quê chủ yếu bán kẹo lạc, mứt, rượu chanh, bia hơi Trung Quốc, thuốc lá Điện Biên. Đến tận giờ tôi vẫn nhớ những món quà Tết đó. Ngày thường thì chẳng mấy khi có mà ăn. Chỉ có ngày giáp Tết, bố mẹ mua về để đãi khách đến nhà, tụi trẻ con chúng tôi mới được bốc ăn thoải mái.
Một nét đặc trưng nữa của Tết quê là chung đụng thịt lợn. Thường thì những nhà nào nuôi được con lợn to, giáp Tết thịt là sẽ có mấy nhà xung quanh hoặc anh em họ hàng đến chung. Chứ cả con lợn nặng gần cả tạ, nhà nào mà ăn cho hết. Thời đó điện còn chưa có chứ đừng nói đến tủ lạnh. Thế là nhiều nhà tụ lại, mổ lợn rồi chia đều mỗi nhà năm bảy mười cân mang về ăn. Miền Bắc được cái tiết trời vào xuân khá lạnh, thực phẩm có thể để được lâu, thế nên khoảng tầm 27 – 28 tháng chạp là mọi người đã mổ lợn rồi.
Thịt chia nhau, nhà nào mang về nhà ấy. Những miếng thịt ba chỉ ngon được chọn ra để gói bánh chưng. Bánh chưng thì có gạo nếp, nhân đỗ xanh – thịt lợn, thêm một chút hạt tiêu hoặc thảo quả cho thơm, bên ngoài gói bằng lá dong rồi dùng lạt tre buộc chặt lại. Nhà tôi bao năm, bánh chưng đều do ông tôi gói hết. Tính ông cẩn thận, khéo tay, gói bánh rất đẹp. Gói xong của nhà ông còn sang gói hộ cả các cô các bác.
Với thằng bé thuộc dạng háu ăn như tôi (mẹ vẫn thường gọi tôi là Trư Bát Giới, chẳng kiêng dè món ăn nào), thì món khoái khẩu ngày Tết của tôi là tiết canh lòng lợn và giò thủ ^^
Lợn ngày xưa nuôi bằng cám nấu, rau bèo tự nhiên, lớn chậm nên thịt ngon lắm, chứ ko như bây giờ toàn dùng cám công nghiệp. Xưa nuôi được lứa lợn mất nửa năm, giờ chắc mất tầm hai tháng. Thế nên tiết canh lòng lợn, thịt lợn phải nói là rất ngon. Ông tôi rất chiều ý cháu, đụng lợn về đánh nhiều tiết canh. Hai thằng em và mẹ tôi nhiều lúc không dám ăn là tôi ăn hết phần luôn.

Giò thủ thì lựa thịt thủ (thịt tai, má, cổ của con lợn), xào cùng gia vị (nhất định phải có nấm mộc nhĩ rồi), sau đó dùng lá dong hoặc lá chuối gói lại. Có nhà thì buộc lạt chặt lại là xong. Ông tôi thì dùng thêm chiếc khuôn bằng gỗ, siết đai ốc ép chặt lại cho miếng giò thêm chắc và bớt mỡ đỡ ngán. Gặp những ngày xuân tiết trời lạnh, ăn giò thủ phải nói là rất tuyệt vời!
Gói xong bánh chưng thì đến công đoạn luộc bánh. Bánh được bỏ vào chiếc nồi to. Nhà tôi thì cho vào chiếc thùng đạn ông mang từ chiến trường về. Đổ nước vào rồi ninh cả nửa ngày trời. Nhà nào có củi thì đun củi, nhà nào dùng bếp than thì đun than. Chờ đợi bánh chín, tụi tôi hay lấy bài tam cúc ra chơi, kiếm bát cháo hay vài món ăn đêm cho ấm bụng.
Bánh chưng chín vớt ra rồi dùng vật nặng đè lên ép cho khô nước, xong thì cũng đã là ngày ba mươi Tết. Mọi người dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, bày mâm ngũ quả lên ban thờ để bà tôi chuẩn bị cúng đêm giao thừa.
Tết quê xưa, ngoài ăn nhiều thứ ngon, được bố mẹ mua cho quần áo đẹp thì với chúng tôi, một thú vui không kém phần long trọng đó là : xem đốt pháo.
Ngày ấy pháo không bị cấm. Chợ Tết ôi thôi là đủ các loại pháo. Pháo đùng, pháo cối, mấy ông thanh niên phải mang lên cánh đồng đốt. Pháo rạ, pháo bánh thuộc dạng vừa phải để đốt ngoài sân. Pháo tép, pháo giật, pháo đập thì dành cho tụi nít nhít chúng tôi chơi, vì nó bé tí, có nổ cũng không nguy hiểm cho lắm.
Nhiều người đi làm xa (thường ở Quảng Ninh, Lạng Sơn), khi về còn mang cả kíp mìn về đốt trong ngày Tết. Cái thứ này rất nguy hiểm nên phải mang tận lên cánh đồng xa tít mà đốt. Thỉnh thoảng điểm trong những tiếng pháo đẹt đẹt đùng đùng, lại làm cái “uỳnh” một cái rung hết cả đất lên, vui đáo để.
Bà cúng đêm giao thừa xong, là lúc chuông tháp Quỳnh Lang từ xa vọng lại tiếng chuông báo hiệu một năm mới – một mùa xuân mới đã đến, thì cũng là lúc, một màn bắn pháo hoành tráng bắt đầu! 
Đi đầu phong trào là mấy anh pháo rạ, pháo bánh nổ đẹt đẹt đẹt như súng tiểu liên, điểm thêm những tiếng đùng đùng của mấy anh pháo đùng, pháo cối. Rồi chốc lát lại “ uỳnh” một cái rung hết cả đất dưới chân của mấy ông anh chơi kíp mìn. Nhưng hoành tráng nhất phải kể đến giàn pháo hoa, pháo thăng thiên, pháo lợn (gọi là pháo lợn vì khi bay lên không trung, tiếng pháo kêu như tiếng lợn rít ^^ ), cứ gọi là sáng rực cả góc trời! Tiếng pháo nổ, mùi thuốc pháo thơm nhức mũi, xác pháo bắn tứ tung trong sân, có lẽ sẽ là một ký ức mà những người đã từng trải qua chẳng thể nào quên.

Trẻ con trong xóm bọn nó còn túa đi tìm những địa điểm đốt pháo, để mót những quả pháo rớt ra chưa kịp nổ hoặc ngòi pháo cháy nửa chừng thì tắt mà bọn tôi vẫn hay gọi là pháo xịt để về đốt lại. Thuộc thành phần hiền như đất, ngoan nhất thôn nên món đó tôi chẳng ham, đi ngủ khì cho khỏe.
Dàn đồng ca của pháo tưng bừng suốt đêm, đến gần sáng thì ngưng. Mọi người nghỉ ngơi một lát để chuẩn bị đón buổi sáng sớm mai - ngày đầu năm mới.

Sáng sớm, mẹ đánh thức anh em tôi dậy. Vệ sinh cá nhân xong, chúng tôi ăn bữa cơm sáng – có thể nói là bữa cơm sáng thịnh soạn nhất trong năm - cùng gia đình. Sang năm mới, sang tuổi mới, bố và ông mừng tuổi (lì xì) cho chúng tôi. Ngày đó quê còn nghèo, mừng tuổi cũng chỉ vài ba ngàn đồng, nhưng với tụi tôi, đó là cả niềm vui vô bờ bến!

Ngày mùng một Tết mọi người kiêng kị quét dọn. Mọi thứ đều đã được dọn dẹp sạch sẽ từ ngày hôm trước. Sáng sớm cổng cũng không mở. Đợi khoảng hơn 9 giờ sáng, mọi người mới bắt đầu xuất hành đi chúc tết họ hàng, người thân.

Ông bà tôi có vai vế cao trong dòng họ, nên ngày Tết, ngoài cô chú, bác tôi đến nhà chúc tết, họ hàng gần gũi cũng đến chúc Tết ông bà rất nhiều. Lẽ dĩ nhiên là anh em chúng tôi cũng được vui lây vì được mừng tuổi khá nhiều tiền =)). Ngày Tết, mọi người chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, cùng ngồi xuống mâm cơm, ăn một vài miếng với nhau cho thêm ấm áp tình thân.

Tôi thì cứ chạy tót ra đường chơi với lũ bạn. Chúng nó mua pháo đốt đì đẹt, chơi đánh đáo huyên náo. Thằng thì khoe tiền mừng tuổi, thằng khoe áo mới. Thằng khoe dép mới, ỏm tỏi cả lên. Thoáng thấy có người đến chúc Tết, tôi lại ù té chạy về nhà “kiếm thêm thu nhập”, và không quên vào buồng trong bốc mấy miếng giò, miếng chả ăn ngon lành. Ngày Tết thức ăn có sẵn, ăn bốc ăn bải cũng đủ no rồi lại ù té đi chơi đến tối mịt mới mò về.
Qua mùng một, mọi người bắt đầu đi chơi đông hơn. Đường quê nhộn nhịp những nhóm người đi chúc tết, thăm hỏi nhau đầu năm mới. Thỉnh thoảng tiếng pháo vui lại vang lên giòn giã ở một góc thôn nào đó. Khung cảnh làng quê, tuy se lạnh nhưng lại thấy ấm áp một cách lạ lùng!
Nhiều năm đã trôi qua, cảm giác Tết nhiều khi không còn vui tươi, rộn ràng như trước. Ừ thì mình lớn rồi, đâu phải như trẻ con để mà mong Tết, hóng quần áo mới, hóng lì xì…. Cuộc sống bao năm với quá nhiều đổi thay. Nhiều vật dụng, nhiều phong tục thân thương dần dần biến mất, mai một… để nhường chỗ cho những thứ khác. Nhưng có lẽ kỷ niệm Tết xưa sẽ vẫn còn mãi trong chúng ta, những thế hệ 199x trở về trước, mà có lẽ hỏi mọi người nhớ Tết xưa nhất điều gì. Tôi cùng mọi người chắc sẽ đồng thanh nói “ Nhớ tiếng pháo đêm giao thừa của những ngày xưa…”.


                                                                                           Nguyễn Đương
                                                                               (Hình ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ internet)