Giấy bổi

DS Bài Viết

Tác Giả:

Có nhiều ý kiến cho rằng giấy bổi là cách gọi khác của giấy dó Qua tổng hợp ý kiến từ rất nhiều nguồn. Đại đa số đều cho định nghĩa giấy bổi như sau :

Giấy bổi : là 
giấy thô làm từ các nguyên liệu thừa như rơm rạ..., dùng để làm cốt mũ, lót hàng, bao gói.

Như vậy bình thường giấy bổi chỉ dùng để lót, gói hàng, bọc phía trong mũ hay làm miếng lót trong các loại cặp giả da, lớp lót trong giày dép thời bao cấp. Hay nói cách khác, giấy bổi là một loại giấy kém chất lượng, rẻ tiền, ít khi người ta dùng để in hoặc viết.

Trong những thời kỳ gian khó của dân tộc, đặc biệt là sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945), có những giai đoạn chúng ta rất thiếu thốn cơ sở vật chất, nguyên nhiên vật liệu, nên đã có nhiều lúc, giấy bổi được dùng trong ngành in ấn.

Thời bình dân học vụ sau 1945, các sách giáo khoa, giấy viết, rất nhiều loại được làm từ giấy bổi. Đặc biệt giai đoạn thời bao cấp, khi đất nước ta đóng cửa không giao lưu kinh tế với các nước mà chỉ duy trì quan hệ với các nước XHCN anh em. Cơ sở vật chất thiếu thốn, sách vở thời đó làm từ giấy bổi rất nhiều.

Giấy bổi không trắng mà có màu ngả nâu, có lúc ngả màu nâu đen rất xấu, mặt thô nhám xù xì, có khi còn gợn lên sợi rơm rạ. Giấy rất giòn, dễ rách. Mực in lên giấy thường dễ bị phai nhòe do giấy xốp và rất dễ hút nước. Việc viết lên giấy bổi cũng khá khó khăn, đặc biệt là bút chấm mực, bút máy, do bề mặt thấm nên mực bị nhòe, nếu viết mạnh tay có thể kéo cả sợi giấy dính vào ngòi bút.

Chúng ta có thể tham khảo những hình minh họa bên dưới cho những sách, vở in bằng giấy bổi để hiểu rõ hơn về nó.
 

Sách giáo khoa thời bao cấp


Sách truyện thời bao cấp
 

Thơ thiếu nhi thời bao cấp
 

Vở viết thời bao cấp



Giấy tờ thời bao cấp

Ngày nay giấy bổi được sử dụng chủ yếu làm giấy lót, bao bì. Một số vẫn được dùng trong in ấn sách lậu và những loại sách vở rẻ tiền.




 
Nguyễn Đương tổng hợp