Giấy viết xưa

DS Bài Viết

Tác Giả:

Ở Việt Nam, nghề làm giấy xuất hiện khá sớm. Vào đầu thế kỷ 11, những làng nghề làm giấy nổi tiếng đã xuất hiện như Lĩnh Nam, Yên Thái (phường Bưởi Hà Nội ngày nay). Sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi đã ghi "Đương thời, phường Yên Thái chuyên làm giấy". Nguyên liệu làm giấy là cây dó, có nhiều ở hai bên bờ sông Thao, từ Lâm Thao (Phú Thọ) đến Cổ Phúc (Yên Bái). Phố Ổn là nơi chuyên bán cây dó.

 
Giấy dó
Người Lĩnh Nam, Yên Thái lên đó mua cây dó mang về bóc vỏ rồi đem ngâm vào nước lã 1 ngày 1 đêm, tiếp đến ngâm vào nước vôi loãng. Sau đó người ta bóc bỏ phần đen bên ngoài, chỉ còn lại phần ruột trắng muốt. Đó chính là nguyên liệu thanh thiết để rồi bước vào khâu tinh chế giấy theo các công đoạn. Đem giã cây dó bằng cối chày tay đến khi nào dó biến thành bột nhuyễn thì đem seo rồi đem cán đến khi ra thành phẩm là tờ giấy ta dùng. Người thợ có chuyên môn giỏi là phải biết ngưng giấy tuỳ theo từng loại giấy.

Làm giấy dó
Có nhiều loại giấy: giấy dó, giấy lệnh, giấy thi, giấy sắc, giấy bản. Đặc biệt giấy dó lụa không những nổi tiếng ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài vì độ bền dai, mịn của nó. Nó như sự thách thức đối với thời gian. Thời gian càng dài, thậm chí hàng ngàn năm, thì giấy dó lại càng dai, thêm vào đó là cái màu vàng do thiên nhiên "nhuộm sắc" thì những tác phẩm vẽ trên nó như tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống càng thêm đẹp. Đặc tính này có được là nhờ khả năng nhả ẩm và hút ẩm của giấy dó đều dễ dàng như nhau, làm cho giấy lúc nào cũng mịn, dai, không mục nát hoặc khô giòn.
 
Vẽ tranh trên giấy dó
Riêng giấy sắc là loại giấy cao cấp nhất ngày xưa, nó chỉ dùng để viết sắc phong nên mới gọi là giấy sắc. Vì loại giấy cao cấp nên ngoài kỹ thuật làm giấy dó thông thường, giấy sắc còn phải trải qua 4 công đoạn về kỹ thuật nữa: Bôi keo cho giấy thêm độ dai, chống ẩm và mối mọt. Nhuộm vàng bằng bột hoa hoè giã nhỏ. Nghì cho giấy mỏng và dai thêm (Người ta xếp 4, 5 tờ giấy chồng lên nhau rồi dùng chày giã. Nghì đến khi nghe thấy tiếng chày đanh, tờ giấy mỏng và bóng lên là được). Vẽ rồng lên giấy sắc. Đây là công đoạn khó nhất, mang tính nghệ thuật rất cao. Có 2 loại rồng là: độc long và ám long (rồng trong mây). Rồng vẽ mặt trước, mặt sau vẽ linh vật để phân biệt các cấp của sắc phong. Nguyên liệu để vẽ rồng trước đây là vàng, bạc thật. Từ đời vua Khải Định về sau thì dùng kim nhũ và ngân nhũ.
 


Giấy sắc
Dòng họ Lại làng Trung Nha, xã Nghĩa Đô được nhà vua giao cho độc quyền làm giấy sắc, vì giấy của họ làm ra rất quý. Nó mềm như lụa, rất dai, không phai màu, đặc biệt là không có mối mọt, do đó nó có độ bền rất cao. Những năm có sự kiện chính trị lớn, như năm 1925, nhà vua Khải Định làm lễ "Tứ tuần đại khánh", các nhà sản xuất họ Lại phải làm tới vài vạn tờ giấy sắc. Giấy viết về làng nghề của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu xuất bản năm 1932 cũng có nói về nghề làm giấy sắc của dòng họ Lại tại làng Trung Nha (Nghĩa Đô) nổi tiếng này. Làng nghề giấy Yên Thái, Nghĩa Đô nổi danh tiếng cả nước, đã đi vào trong ca dao, tục ngữ.
Mịt mùng khói toả màn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ
Tiếng đồn cô gái Nghĩa Đô
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ.

 
Một bản sắc phong

Giờ đây, khoa học kỹ thuật ngày một phát triển thì nghề thủ công làm giấy dó, giấy sắc ngày càng mai một đi. Người duy nhất còn biết đến nghề làm giấy sắc là ông Lại Phúc Bàn, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Công việc của ông bây giờ là viết gia phả, viết lịch sử làng nghề bằng giấy sắc và khôi phục lại những sắc phong hay những gia phả của các chùa chiền hoặc các gia đình bị hư hỏng. Dẫu mai đây có được phục hồi và phát huy hay không thì nghề thủ công làm giấy dó, giấy sắc cổ truyền vẫn là một nét nhấn đậm của văn hóa Hà Nội nói riêng và trong dòng chảy của văn hoá Việt Nam nói chung.

 
Nguyễn Đương sưu tầm tổng hợp từ Internet