Tác Giả:
Mọi người bao giờ nghĩ rằng để mang đến tiếng cười cho chúng ta, các nghệ sĩ hài đã phải cố gắng vượt lên từ quá khứ khó khăn để có thể mang lại niềm vui cho mọi người.
Hoài Linh
Hoài Linh được công chúng biết đến rộng rãi như một danh hài xuất chúng, nghệ sĩ kịch và ca sĩ với nhiều ca khúc được khán thính giả yêu thích. Hoài Linh cũng là danh hài đạt được nhiều giải thưởng như Cù Nèo Vàng, Mai Vàng, được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và diễn cho sân khấu Nụ Cười Mới, cũng như các sân khấu ở hải ngoại. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau thành công, danh tiếng của ngày hiện tại, danh hài đã từng trải qua những tháng ngày tuổi thơ lam lũ, cực khổ.
Sinh ra trong một gia đình đông con nghèo khó, cả gia đình Hoài Linh ở trong căn nhà tranh, vách đất. Đến mùa mưa, anh em danh hài khổ sở những khi nhà dột, những khi sấm sét. Hoài Linh từng chia sẻ cho tới tận bây giờ vẫn không thể quên được cảnh mẹ ôm các con vào lòng, nước mắt rưng rưng an ủi: “Các con cố gắng sống tốt, sau này, ông trời sẽ không phụ lòng.”
Cuộc sống khó khăn, danh hài đã từng phải phụ giúp gia đình trong công việc buôn bán từ khi còn nhỏ. Kí ức về những ngày tháng nhọc nhằn giúp ba mẹ kiếm tiền vẫn in sâu trong tâm trí Hoài Linh: “Có lần tôi suýt chết. Bán ở ngã ba Dầu Giây ế quá, bèn qua ga xe lửa tập nhảy tàu bán mía. Một hôm tôi nhảy xuống ga khi xe lửa vừa trườn qua một con dốc, cũng may bác bảo vệ kịp níu tôi lại lúc vừa lao mình xuống đất, nếu không tôi đã đâm đầu vào hàng rào chết rồi. Cái thẹo bên chân trái vì bị dây kẽm gai cào cho tới nay vẫn là dấu vết của những tháng ngày cơ cực.”
Minh Vượng
Khán giả biết đến NSƯT Minh Vượng là một nữ danh hài đất Bắc nổi tiếng nhất với những vai diễn khó quên trong nhiều bộ phim ăn khách một thời như Gió lùa, Cơm bụi giá cao, Hoa hậu xóm liều... nhưng ít ai biết chị còn là một bệnh nhân đủ “tứ chứng nan y”.
Nói về những căn bệnh quái ác đã khiến chị uống số thuốc nhiều hơn cả số cân nặng, nữ nghệ sĩ vẫn chia sẻ với tâm thái lạc quan của bao năm chống chọi lại bạo bệnh: “Năm 1994, sau khi đi Nga về tôi phát hiện mình có một khối u ở bên phải. Cuối cùng người ta mổ ra hai cái khối u nhẹ nhàng, u lành. Đến năm 2002, đi diễn ở Đông Âu mấy tháng về thời gian, thời tiết thay đổi nên tôi bị đột quỵ, méo mồm. Bẵng đi mấy năm tôi lại có khối u tuyến nước bọt, thế là tôi sang Singapore mổ...”.
Thời điểm hiện tại, chị vẫn hàng ngày chiến đấu với căn bệnh tiểu đường, áp huyết, tim mạch vẫn. Mỗi ngày chị vẫn phải tiêm tới 4 mũi kháng sinh liều cao. Bệnh tật nặng nề thế nhưng chưa bao giờ thấy chị than thở nhăn nhó, lúc nào cũng tươi vui, mỉm cười. Mặc dù những chứng bệnh quái ác ấy khiến tình duyên của chị lỡ dở, tứ tuần vẫn cô đơn.
“Dù thiên hạ có bệnh gì tôi mang bệnh nấy nhưng cứ đi làm, đi diễn, được tung tăng… là tôi lại khỏe. Có được điều đó một phần vì tôi luôn lạc quan sống. Cũng vì không có gia đình mà tôi không bị vướng bận những thứ lo nghĩ linh tinh của một người phụ nữ nội trợ. Tôi toàn tâm, toàn ý cho học trò của mình dễ hơn, sáng tác kịch thuận hơn...” – nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Trường Giang
Trường Giang sinh ra ở Quảng Nam nhưng đến 5 tuổi thì mẹ qua đời vì tai nạn. Nghề chạy xe của ba không đủ nuôi 6 đứa con, ông đưa anh em Trường Giang vào vùng kinh tế mới Đồng Nai. Những tháng ngày nghèo khó ở vùng đất Long Thành với đường đất, nhà tranh và đói khổ vẫn luôn in đậm trong kí ức danh hài. Khi ấy, Trường Giang đã từng phải theo các anh đi mót cao su, kiếm củi khô bán để lấy tiền mua gạo.
Gia cảnh khó khăn, Trường Giang cũng phải bươn chải kiếm sống để đỡ đần gia đình. Tuy nhiên những đồng lương ít ỏi kiếm được từ việc bán nước suối, chạy bàn cũng không đủ để trang trải cho việc học hành của danh hài. Khi học năm thứ 2 trường Sân khấu Điện ảnh, Trường Giang từng bị đuổi học do không có tiền đóng học phí và còn bị giảng viên chê rằng không có tài năng để làm nghệ thuật.
Trấn Thành
Là một trong những nghệ sĩ đang được nhiều khán giả yêu thích nhất hiện nay khi tuổi đời còn khá trẻ, Trấn Thành đã sớm chứng tỏ được tài năng nghệ thuật thiên bẩm của mình khi thành công đến với anh không chỉ trong vai trò MC, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác. Những thành tựu mà Trấn Thành gặt hái được khiến không ít người ganh tị và mơ ước. Thế những, ít ai biết rằng, để có một nghệ sĩ Trấn Thành được yêu thích ngày hôm nay, anh đã trải qua một tuổi thơ với lắm gian truân, vất vả.
Trưởng thành từ một gia đình nghèo, cuộc sống ngày thơ của nam MC gắn với những năm tháng đói khổ. Bố lao động vất vả, thức khuya dậy sớm kiếm tiền. Mẹ ngày đêm chăm lo cơm nước, chỉ mong con cái thành tài, giỏi giang để thoát cảnh nghèo khó.
Nhớ về tuổi thơ nhọc nhằn, Trấn Thành từng tâm sự: “Tôi "may mắn” có được một tuổi thơ đủ thăng trầm! Vui có, buồn có, đầu đường xó chợ có, hy vọng và tuyệt vọng đủ cả. Những cung bậc cảm xúc ấy đã nuôi dưỡng tôi trong ngần ấy năm bằng một “thực đơn” phức tạp về ký ức và bầm dập về trải nghiệm. Tuổi thơ đó cho tôi vốn sống, xúc cảm, nhận thức và cho “tôi” của ngày hôm nay”.
Việt Hương
Hồi nhỏ, Việt Hương sống rất cơ cực. Cha mẹ chia tay khi chị còn ẵm ngửa. Trong ánh mắt non nớt trẻ thơ, Việt Hương chưa bao giờ hình dung được bóng dáng, lời nói của cha. Từ ngày không gần cha, chị buồn nhiều hơn, phần vì thiếu vắng, cô đơn; phần vì đối diện nghèo khó. Nhà nghèo, 2 mẹ con rau cháo sống qua ngày.
“Cực quá, tôi lớn không nổi. Tủi thân nhất là lúc ốm đau, thèm một ly sữa đến mức tôi nghĩ được uống chắc sẽ hết bệnh liền! Tôi thèm tình thương của ba đến cồn cào” - chị bồi hồi. Thấy giọt mồ hôi rơi ướt nhễ nhại trên đôi vai gầy hao của mẹ, Việt Hương không cầm lòng. Chị bươn bả với nhiều nghề bán buôn, đi hát ở các quán ăn, nhà hàng để kiếm tiền. Bị cuộc mưu sinh cuốn đi, chị sống những ngày tháng u uất nhất của cuộc đời.
Có máu nghệ thuật bẩm sinh (ông ngoại là nhà ảo thuật xiếc Huỳnh Thế Sơn, cha là nghệ sĩ xiếc Lâm Bằng), chị mê sân khấu lúc nào không hay nên thi vào Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM. Ra trường, chị càng cực hơn. Hình như chưa có sân khấu nào chị chưa qua, từ thành phố đến tỉnh lẻ xa xôi, từ trong đến ngoài nước. Vai nào chị cũng thử, từ già đến trẻ, từ giang hồ đến công chúa.
Có năng khiếu, có đam mê nhưng Việt Hương lại chịu nhiều bất công. “Tôi luôn bị xử ép. Bạn diễn không hợp tác, không giúp mình, tôi buộc phải tự diễn luôn phần của họ nhưng trớt huớt, khán giả không cười” - chị kể. Mỗi đêm, chị thường đứng sau cánh gà, vớ lấy 2 bức màn nhung lau nước mắt.
Thu Trang
Năm 2001, sau khi thi đỗ vào Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, Thu Trang phải nhận tin dữ về việc gia đình bị phá sản vì kinh doanh thua lỗ. Trong khoảng thời gian này, “hoa hậu làng hài” đã phải vừa học vừa đi làm để có tiền trang trải học phí, đỡ đần ba mẹ. Ngày đi học, tối chạy show, cát-xê có vài chục ngàn chỉ đủ mua đồ ăn cho cả nhà.
Hoàn cảnh khó khăn khiến Thu Trang từng tự ti đến mức cắt đứt liên lạc với nhóm bạn thân. Một lần, họ tự tìm đến nhà mới biết gia cảnh bi đát của Thu Trang và thay nhau giúp đỡ bạn mình qua lúc khó khăn. Vượt qua hoàn cảnh khó khăn từ nỗ lực và sự giúp đỡ của bạn bè, Thu Trang có cái nhìn lạc quan về cuộc đời, con người.
Đền đáp lại những năm tháng vất vả, đến nay nghệ sĩ hài Thu Trang đã có một cuộc sống đầy đủ, viên mãn bên chồng và con trai. Cùng với đó, sự nghiệp của cô ngày một phát triển hơn. “Hoa hậu làng hài” “phủ sóng” trên khắp các bộ phim dài tập như Chuyện tình mùa thu, Bọ cạp tím,… chương trình truyền hình ăn khách như Ơn giờ cậu đây rồi hay tham gia các dự án điện ảnh đình đám như Em là bà nội của anh,…
Hi vọng mọi điều tốt lành đều đến với nhưng người nghệ sĩ đáng quý này.
Sưu tầm từ internet