Tác Giả:
Tôi bắt gặp Hà Nội lần đầu tiên với ánh nhìn của một cô bé học lớp bốn trong chuyến xe từ Bắc vào Nam - chuyến hành trình tuổi thơ đầy những nỗi buồn.Hà Nội xuất hiện với khói bụi, với cảnh xe cộ tấp nập buổi sớm, vùng đất ngoại thành bạt ngàn rau xanh. Tất cả, trong tôi, Hà Nội chỉ có thế, quá ít ỏi so với những gì thuộc về thủ đô. Niềm tiếc nuối cứ ám ảnh tôi suốt thời gian dài, bước chân tới Hà Nội ngày ấy dễ dàng thế, vậy mà tôi cũng không thể làm được. Tôi cũng không còn nhớ rõ từ bao giờ nữa, tôi cất giấu nó như một ước mơ không thể chạm đến, rất, rất lâu. Cho đến một ngày...
Hà Nội chợt trở về trong tiềm thức tôi với những hàng hoa sữa trắng xóa, với những cây sấu già, với những con đường đã qua bao cơn sóng gió, đã song hành cùng thủ đô đi qua thăng trầm của thời gian, của mưa bom bão đạn để hôm nay vẫn vững chãi với thế đất rồng.
Tôi yêu Hà Nội vô cùng... Dù không phải quê hương nhưng những hình ảnh về đất và người Tràng An luôn khắc sâu trong tôi như thể tôi đã thuộc về nơi này. Kể cũng lạ, chưa một lần đi hết thủ đô nhưng sao tình yêu dành cho nó cứ lớn dần, ngày càng được nuôi dưỡng bằng thứ tình cảm của một cô học trò non nớt, trẻ con và khờ khạo. Người lữ khách qua đường - cô bé tiểu học ngày ấy, người chỉ giữ lại trong mình chút kí ức mờ nhạt về Hà Nội giờ đây không lúc nào nguôi thương nhớ. Nhớ... nhớ nhiều...
Nhớ những khu phố cổ với những mái nhà rêu phông, hoen ố, hằn in những dấu ấn của thời gian. Dù đã bao năm tháng đi qua, hình ảnh cổ kính của phố Hà Nội vẫn khắc khoải trong trái tim của bao người yêu thủ đô. Biết bao người đã dành tâm huyết cả cuộc đời để ghi lại vẻ đẹp của Hà Nội qua nét cọ tài tình hay những bức ảnh chân thật về nếp sống, về sinh hoạt thường ngày của con người nơi đây. Tôi - sẽ không bao giờ quên phố Hà Nội trong tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái mà đến hôm nay, mỗi lần nhắc đến 36 phố phường người ta vẫn thường gọi bằng cái tên thân tình "Phố Phái". Còn nữa, người nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, nụ cười phúc hậu của ông cứ làm tôi ấn tượng mãi. Cả cuộc đời ông gắn bó với từng ngóc ngách của Hà Nội, ông yêu thương tất cả những số phận con người nhỏ bé của Hà Nội, nào bà lão bán bỏng ngày ăn tám khẩu trầu, người phụ nữ bán hoa có thói quen vừa tưới hoa vừa uống chung nguồn nước trong chai nước khoáng... Hẳn phải có một tình yêu lớn những người nghệ sĩ như họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhiếp ảnh gia Quang Phùng mới dành trọn tâm huyết cho Hà Nội như vậy.
Hà Nội! Nhớ lắm những con đường rợp bóng cây, mùa sấu chín làm nức lòng bao người con xa xứ. Nhớ cả tiếng chổi tre cô lao công cần mẫn những đêm hè, một thời đã đi vào thơ ca: "Tôi lắng nghe trên đường Trần Phú. Tiếng chổi tre xao xác hàng me...", sao bình dị và thân thương thế!
Hà Nội! Tôi nhớ hình ảnh cây cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử đã đi cùng dân tộc suốt những năm tháng của hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Hòa bình lập lại, cầu trở thành một phần cuộc sống của người dân thủ đô. Hằng ngày, bao chuyến xe ngược xuôi qua cầu, bao bước chân của người lao động nghèo từ ngoại thành vào nội thành làm việc, từng đoàn xe thồ than,rau xanh hối hả - hối hả như chính cuộc sống bao bộn bề mưu sinh. Cuộc sống của người dân sống gần bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu còn cơ cực lắm. Nhưng có ai biết rằng nụ cười vẫn nở trên môi những người lao động chất phác ấy, âm thanh những chuyến tàu qua Long Biên, gió sông Hồng, bãi ngô mùa phun râu đã nuôi bao tuổi thơ khôn lớn.
Hà Nội! Nhớ không mùa thu? Bao giai điệu đã làm nên bản giao hưởng về mùa thu Hà Nội tôi không còn nhớ nữa. Chỉ biết tôi đã khắc sâu hình ảnh mùa thu Hà Nội trong kí ức, trong cả những bài thơ không vần điệu. Mùa thu Hà Nội, hoa sữa ngập từng con phố, những cây bàng lá đỏ, cốm xanh bàn tay thơm mùi nếp mới, bầy sâm cầm hồ Tây, nghĩ đến mà thấy nao lòng.
Hà Nội! Nhớ lắm sao quên, hình ảnh Hà Nội cứ miên man trong tâm trí không nguôi. Khi nào tôi mới có thể chạm tay vào từng bức tường hoen màu thời gian, lặng ngắm giấc ngủ bình yên của thủ đô, đứng trên cầu Long Biên đón lấy nắng, gió sông Hồng và đưa mắt nhìn về những tòa cao ốc xa xa, nhìn ngắm cuộc sống ồn ã, náo nhiệt của đất Hà Nội nghìn năm tuổi?
Hà Nội đang từng ngày thay da đổi thịt với vị thế của một thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất cả nước. Nhưng cuộc sống của người dân lao động thủ đô vẫn còn vất vả biết bao nhiêu. Dù không trực tiếp đến thủ đô, chỉ được nhìn qua tranh ảnh nhưng lòng tôi nghẹn đắng khi bắt gặp những mảnh đời khó nhọc, lang thang đất người kiếm sống, người cha già khuôn mặt khắc khổ với xe thồ mía, đứa con nằm ngủ trên chiếc võng bắt ngang cỗ xe và bó mía của ông. Tuổi thơ của em có lẽ là những ngày rong ruổi cùng cha khắp phố phường Hà Nội, và cuộc sống tương lai của em liệu có đổi thay?
Hà Nội! Còn nhiều lắm những điều mà tôi chưa biết, nhưng tôi vẫn đang đi tìm. Hà Nội sẽ mãi trong tôi với những gì thân thương nhất. Nhất định trong một ngày không xa tôi sẽ đặt bước chân đầu tiên đến thủ đô, đến với những gì mà tôi chưa một lần khám phá. Tìm những Bát Tràng gốm sứ, tìm Thanh Trì với món bánh cuốn đi vào lòng bao thực khách, tìm một thoáng yên bình trên phủ Tây Hồ, tìm những con người đã làm nên thủ đô ngàn năm Văn hiến.
"Hà Nội tiễn tôi về bằng cơn gió đầu thu
Bạn bè tiễn tôi về bằng nụ cười trong vắt
Em tiễn tôi về bằng những giọt nước mắt
Tôi tiễn tôi về bằng một nửa trái tim"
Chợt tôi nhớ những vần thơ của nhà văn Nguyễn Một viết tặng cho Hà Nội mà lòng nao nao lạ.
Hà Nội sắp bước sang 1000 năm tuổi, cái tuổi mang trong mình biết bao thăng trầm nhưng chính cái tuổi ấy đã làm nên một Hà Nội đẹp, một Hà Nội thâm thúy, cổ kính, một Hà Nội với nét thanh lịch, đặc trưng không nơi nào có được. Thời gian vẫn trôi, cuộc sống không ngừng lại, sẽ có những đổi thay và Hà Nội cũng sẽ đổi thay nhiều hơn. Nhưng tôi và cả những người yêu Hà Nội sẽ vẫn nhớ mãi những gì đã sống cùng thủ đô suốt chiều dài lịch sử, vẫn hi vọng những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng.
Em Ngô Thị Thanh Hằng
Trường PTTH Sông Ray, Cẩm Mỹ, Đồng Nai.
Xin chân thành cảm ơn em!