Hoa cau

DS Bài Viết

Tác Giả:

Bà nội ăn trầu. Răng bà đều đặn đen nhánh. Môi bà đỏ màu quết trầu. Cả người bà toát ra mùi trầu thơm thơm cay cay nồng nồng ấm áp và thân thuộc. Nhà có một giàn trầu ở bên cạnh bể nước. Mẹ đi gánh đất ruộng ải về đập tơi ra. Bà khum mấy cành tre gai khô và xin ở trong làng về một dây trầu ươm vào đó. Dây trầu phát triển rất nhanh chẳng mấy chốc đã thành một giàn trầu um tùm xanh tốt. Những lá trầu lớn bằng cả bàn tay Nhân, phiến lá dầy và xanh đậm. Bà bảo đấy mới là giống trầu tốt, ăn cay, còn trầu lá mỏng tang, màu lá như màu lá non ua úa là trầu ngọt, ăn không được.
 
 
 
Lá trầu tách làm hai, theo dọc lá, quệt chút vôi, têm thành miếng nhỏ. Têm trầu cũng là cả một nghệ thuật. Trong chiếc nồi đồng nhỏ dùng để đựng trầu của bà có một con dao nhỏ, mặt dao rộng bằng hai ngón tay như chiếc thẻ bài của quan lại ngày xưa nên gọi là dao bài. Bà cầm con dao bài chẻ đôi lá trầu theo chiều dọc, rồi cầm chìa vôi quệt vôi vào phần góc trên của lá. Tay bà cuốn lá trầu theo chiều ngang thành miếng trầu rộng độ nửa đốt tay. Công đoạn cuối cùng là dùng đầu nhọn của chiếc chìa vôi xiên thành một lỗ thủng trên miếng trầu vừa cuốn để gài cuống lá. Những ngày nhà có việc cưới giỗ mời đông khách, các bà, các thím ngồi xúm quanh mẹt trầu, têm ngoay ngoáy.
 


Trầu ăn với cau, vỏ và một chút nhỏ thuốc lào. Đến mùa thái thuốc, bà thường xin ở đâu về ít thuốc lào vụn, phơi khô cho vào cái lọ sành, nút lá chuối chặt, để trong cót thóc, dùng để ăn trầu cả năm. Vỏ cũng rẻ, mua năm xu, một hào là được một miếng lớn có thể ăn cả nửa tháng. Hôm nào hết vỏ, chưa kịp gửi mua, bà lấy con dao bài khẽ tách chút rễ của cây chay trong vườn là có thể ăn đủ cả ngày. Có lẽ đắt nhất trong thành phần của miếng trầu là cau.
 


Nhà mới trồng hai cây cau, năm vừa rồi mới bói lứa đầu tiên. Hoa cau rất thơm, tỏa ra thành chùm, những bông hoa nhỏ li ti rụng vàng dưới gốc như những hạt đỗ xanh đã bóc vỏ. Ít ngày sau, hoa cau bắt đầu đậu quả. Nhị hoa xanh lại tượng hình dần thành những quả nhỏ bằng đầu ngón tay út của bé Mơ. Những chùm quả lớn dần nhưng không thể đậu hết mà nhẩn nha rụng dần dưới gốc. Bà thường nói: được mùa lúa úa mùa cau. Và cũng chính lúc này là thời điểm " giáp hạt" miếng cau ăn trầu của bà. Bà đâu có tiền để mua nhiều cau tươi bổ dự trữ, phơi khô, dùng dần  mà năm thì mười họa có năm xu, một hào gửi người đi chợ được vài ba miếng. Tết nhất mua cau cúng cụ, ra giêng thừa lộc được miếng cau tươi, bà ăn trầu ngon lành lắm. Nhân là "trợ thủ" đắc lực của bà trong việc giải quyết tình thế khó khăn này. Cậu loay hoay kiếm tìm dưới gốc hai cây cau vườn nhà những quả cau non rụng, gọi là cau hoa.  Cậu còn "mở rộng địa bàn" sang  gốc những cây cau nhà ông Ry, ông Ruận, chú Cội. Thường được nhiều nhất là những quả cau nho nhỏ bằng đầu ngón tay út.
 


Những khi được những quả cau lớn hơn, Nhân mừng húm như bắt được vàng. Thích nhất là nhặt được những quả cau đã thành hình hài đầy đủ, cái thân quả đã nhô hẳn lên phía trên cái chũm, to bằng một phần ba, hoặc một nửa quả cau trưởng thành. Bà mừng lắm khi Nhân đem cau về. Những quả nhỏ, mỗi quả được dùng ngay cho một miếng trầu, còn những quả lớn hơn được được bà tách vỏ, bổ làm đôi, làm ba, phơi khô ăn dần. Bà thường xuýt xoa, lớn thế này mà còn rụng. Nhân ngồi bên cạnh, buột miệng, nếu nó không rụng làm sao con nhặt được đem về cho bà ăn trầu.
Mùa " giáp hạt" nào Nhân cũng đi nhặt cau hoa về cho bà.  Khí trời giữa thu đã bắt đầu se se lạnh, hương của những trái cau non quyện với mùi trầu cay cay nồng ấm nơi bà quấn quýt mãi trong ký ức Nhân.





 
Nhà thơ Đàm Chu Văn,
Xin chân thành cảm ơn anh!