Tác Giả:
Ánh mắt hai đứa trẻ dán tít lên tận những con diều trên trời. Chiều lồng lộng gió. Ngoài kia nắng rất gắt, chói chang và cháy bỏng. Hai đứa nhìn theo lũ bạn đồng lứa, trong con mắt ánh lên những khát khao nhỏ nhoi.- Cậu thích thả diều không?
- Có
- Sao cậu không được ra ngoài chơi?
- Ra ngoài dễ bị cảm lắm. Bố tớ mà biết tớ chạy đi chơi, bố tớ đánh chết.
- Cậu còn có bố… - Thằng Bun lí nhí. Hình như cặp mắt đen hay háy của nó hơi tối đi. Nó cúi mặt xuống và bắt đầu bóc móng tay - Tớ thì không.
- Bố cậu chết rồi à?
- Không. Tớ không có bố.
- Lạ nhỉ.
Bun không nói, nó vẫn ngồi dán mắt xuống cái móng đã ngắn củn. Tôi chẳng thể nào hiểu được tại sao mặt nó ửng đỏ lên. Nó nói, chẳng ai cấm nó ra ngoài chơi, nhưng nó không dám. Nó sợ người ta lại trêu nó. Nó sợ mẹ lại khóc.
Và vì vậy, thay vì chạy chơi ngoài ruộng thì hằng ngày Bun lại sang chơi với tôi.
- Con không nên chơi với thằng bé ấy - Mẹ nghiêm nghị - Bố sẽ đánh con nếu như biết con chơi với nó. Hiểu chưa?
Tôi sụt sùi. Nước mắt bắt đầu lã chã. Tôi không trả lời nhưng thực sự không hiểu. Tôi chẳng biết thằng Bun có gì không tốt. Tôi không được phép chơi với một đứa bạn không có đủ bố mẹ ư?
Người lớn là những người hay đánh. Họ luôn luôn trừng mắt lên và hăm he cây roi khi tôi chạy ra ngoài. Và họ là những người khó hiểu. Tôi không thể hiểu tại sao bố tôi luôn bắt tôi phải học tiếng Pháp trong khi những bài tập chính tả trên lớp tôi chưa bao giờ đạt điểm 8, và không hiểu tại sao bố không cho tôi đi chơi?
Người lớn là những người luôn đúng. Mẹ tôi là người nói, và tôi không được cãi lời. Như vậy thì sao lúc nào mẹ cũng hỏi tôi “hiểu chưa?” sau khi nói ra một điều gì đó? Có một điều mà đứa con nít thường bị đánh như tôi biết được: Tôi có hai cái tai để nghe và một bộ não để thực hiện. Nếu giả như tôi nói “chưa hiểu”, thì mười lần như một sẽ là những câu đại loại như “Con nít, nói là phải nghe”, “Con cái không được cãi cha mẹ”, “Cá không ăn muối cá ươn.”…
“Cá không ăn muối cá ươn”. Thuở nhỏ, tôi không hiểu được ý nghĩa của câu này.
Mỗi lần nhìn mẹ ướp cá, tôi chẳng thấy cá ăn muối bao giờ. Lúc nào mẹ cũng tự xát muối lên cá. Nhưng tôi hiểu nôm na, khi mẹ nói lên câu tục ngữ ấy, gần giống như là “Coi chừng ăn đòn nếu cứ cố đi chơi”, chẳng hạn thế.
Tôi không biết tôi phải làm sao để trải qua những năm ấy, làm sao học thuộc cách viết, cách nói của một đất nước xa lơ xa lắc, và làm sao có thể ngoan ngoãn chống gối ngồi nhìn lũ bạn đi bắt dế, thả diều mà không tủi thân chảy nước mắt, làm sao có thể bỏ mặc ánh mắt đen hay háy của thằng Bun mà không ra mở cửa cho vào nhà?
- Sao cậu khóc? - Bun hỏi - Bố đánh à?
- Không. Khi bố đánh tớ sẽ khóc thành tiếng.
- Vậy sao cậu khóc?
- Tớ muốn có một con diều.
Tôi chùi nước mắt. Tự nhiên đã thôi khóc rồi mà một hồi lâu sau tôi mới hết nấc. Bên ngoài cửa sổ là đám trẻ đang bắt lăng quăng bên con mương dưới gốc cây vú sữa. Tay chúng nó xách theo cái lon sữa bò và cười khanh khách. Ở trên nách một vài đứa còn kẹp một con diều giấy. Ước gì, tôi có được một con diều như thế.
Đó là hình ảnh tôi và một đứa bạn thân. Đều là những đứa trẻ biết nghe lời và ngoan ngoãn trong mắt cha mẹ… Đều ngước mắt nhìn lên một con diều… Đều cảm thấy thiếu.
Tôi vẫn luôn mơ giấc mơ có cánh diều giấy chao nghiêng giữa bầu trời, và tôi cùng lũ bạn đi bắt dế, tắm mưa… trong suốt thời thơ bé của mình. Ánh nắng cháy bỏng nhuộm vàng những mái đầu, làm đen nhem nhẻm những gương mặt và sáng hơn những nụ cười. Đó là cái thú của tuổi thơ. Một đứa con nít hạnh phúc là một đứa sở hữu đầu tóc có ít nhiều mùi nắng khét và kẹp trên tay một con diều? Có lẽ là như vậy.
Bây giờ khi đã đủ lớn để nhìn lại quá khứ, tôi chỉ thấy một khoảng trống chơ vơ trong thời thơ ấu: Không cánh diều, không biết cái ngọt của quê hương và không có những buổi chiều chạy rong. Mỗi khi nhìn một đứa bé mặc đồng phục, vai mang một chiếc cặp to tướng thì tôi lại bồi hồi. Tới bao giờ cha mẹ mới hiểu được niềm khát khao bình thường của những đứa con bị để hổng tuổi thơ?
Đêm qua, tôi nằm mơ: Trước mắt tôi là một không gian rộng lớn, bãi cỏ xanh và đồng ruộng bạt ngàn. Gió thổi lồng lộng, tiếng sáo trúc đâu đó vi vu… Và, dưới chân tôi là một con diều nhỏ, nó chưa được thả lên bao giờ…
Trần Thảo Hoài Thương
Trường THPT Nhơn Trạch , Nhơn Trạch, Đồng Nai
Xin chân thành cảm ơn em!