Tác Giả:
Với mảnh ruộng hơn 1.000 m2, 2 con trâu cùng nông cụ như cày, bừa, bếp củi, cối giã gạo bằng tay... hơn 10 năm nay, những nông dân ở Cẩm Thanh - Hội An dạy khách Tây cày cấy, thu nghìn USD.
Kiếm ngoại tệ từ nghề nông
“Cái nghề làm nông chân lấm tay bùn này người Việt mình ai cũng chê, không hiểu sao mấy ông Tây đến Hội An lại mê mẩn, sẵn sàng bỏ tiền để học nghề” - lão nông Phạm Nhì nhà ở Cẩm Thanh, Hội An kể.
Gần 10 năm qua, nhờ mấy sào ruộng, 2 con trâu, dụng cụ sản xuất, cái bếp củi trong căn nhà cấp 4 nằm giữa cánh đồng Cẩm Thanh, ông thu được cả nghìn USD.
Nghề dạy khách Tây làm nông của ông và chàng trai trẻ Trần Văn Khoa - như lời ông - là chẳng giống ai, nhưng lại giúp gia đình ông sống khỏe nhờ thu nhập cao gấp 10 lần làm nông trên mảnh ruộng chua phèn trước nhà, bình quân mỗi tháng là 5-7 triệu đồng”.
Dạy khách Tây tát nước bằng gàu dai (gàu sòng) |
Ông Nhì bảo: “Nếu trồng mỗi năm hai vụ lúa trên thửa ruộng khoảng 1.000 m2, trừ chi phí cũng chỉ thu được hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, chúng tôi kiếm bình quân mỗi năm hơn 60 triệu đồng, là “học phí” mà cậu Khoa đưa đến nhờ tui dạy Tây làm ruộng”.
Không chỉ ông Nhì, hàng chục hộ nông dân ở xã Cẩm Thanh cũng được Khoa đưa khách Tây đến học nghề làm nông nghiệp. Khóa học làm nông ngắn hạn trong vòng 6 giờ đồng hồ được Khoa và các hộ nông dân mở thường xuyên, khiến mấy ông Tây bà đầm đến Hội An lũ lượt kéo nhau đến đăng ký xin học. Mỗi khóa học 6 tiếng, họ trả từ 50-60 USD/người.
Trả tiền để “giành việc” của nông dân
Nhiều hộ dân trồng rau ở làng rau Trà Quế kể rằng, vào mùa cao điểm khách nước ngoài ở Hội An, ngoài thu nhập từ trồng rau họ còn có thêm thu nhập mỗi tháng khoảng 3 đến 5 triệu đồng nhờ dạy cho Tây trồng rau.
Chị Nguyễn Thị Thúy, một nông dân ở làng rau Trà Quế, cho hay, nghề dạy trồng rau đến với chị hết sức bất ngờ. Một sáng như mọi ngày, chị ra ruộng cuốc đất chuẩn bị trồng mấy luống rau thì bất ngờ, Khoa đưa đoàn khách nước ngoài đến và nhờ chị dạy cho họ cách cuốc đất, bỏ phân lên luống, trồng rau.
“Thấy chú Khoa xì xồ với khách Tây, rồi họ ào xuống ruộng xin được làm, tui chỉ việc hướng dẫn. Cuối buổi, chú Khoa trả công tui 100.000 đồng. Từ đó, tui trở thành thầy”, chị Thúy kể.
Ông Phạm Nhì dạy cho đoàn khách Tây cấy lúa |
Công việc cuốc đất trồng rau, tưới nước nhọc nhằn của chị Thúy cũng như bà con nông dân ở làng rau Trà Quế mấy năm qua nhờ đó cũng đỡ vất vả.
“Hồi chưa có khách Tây, mình tui è lưng ra cuốc hết sào đất mất mấy ngày. Giờ cũng mảnh đất đó, chỉ trong buổi sáng là khách cuốc xong, đỡ mất công lại được tiền”, chị nói.
Còn bà vợ ông Nhì kể: “Tui đang lúi húi trong bếp chuẩn bị nấu cơm trưa thì thấy đoàn khách Tây ở dưới ruộng ùa vô nhà. Họ giành lấy công việc vo gạo, nhóm lửa nấu cơm của tui. Thấy tui ngớ người, chú Khoa bảo chỉ cho họ thổi lửa nấu cơm. Từ đó, tui trở thành ‘thầy dạy’ bất đắc dĩ”.
Ngoài ra, bà còn dạy khách Tây cách giã gạo, xay bột làm bánh xèo, công việc bà làm mấy chục năm nay rồi nên không có gì là khó.
Bà nói thêm: Dạy Tây học giã gạo bằng tay lo nhất là họ bị thương do không cẩn thận, thiếu phối hợp nhịp nhàng. Bởi một người giã, một người đưa tay trộn lúa dưới cối.
Dạy khách giã gạo bằng tay |
Khách Tây học cách vo gạo, thổi lửa nấu cơm bằng bếp củi |
Một vị khách đang thổi cho lửa cháy to hơn |
Khách Tây học cách bừa ruộng trước khi cấy lúa |
Theo Vũ Trung