MÙA GẶT NĂM XƯA

DS Bài Viết

Tác Giả:

Những tiếng ve râm ran báo hiệu mùa hè đã đến. Ngoài đồng, lúa chín vàng. Những ruộng lúa nếp nặng trĩu bông ngả rạp xuống sau những cơm mưa nặng hạt... báo hiệu mọi người chuẩn bị thu hoạch lúa về. Quê tôi thuộc đồng bằng Bắc Bộ, mỗi năm thường cấy hai vụ. Vụ Đông xuân cấy trước Tết, có năm cấy sau Tết. Vụ Hè thu cấy khoảng tháng năm, tháng sáu âm lịch, ngay sau khi thu hoạch vụ Đông xuân.

Những cơn mưa phùn ẩm ướt đã rời đi, mang theo cả không khí lành lạnh của mùa xuân. Mùa hè đang dần về trên cánh đồng. Mùa xuân trời âm u mưa phùn. Mùa hè với những ngày nắng và những cơn mưa rào nặng hạt. Cánh đồng lúa trổ bông như được tiếp thêm sức mạnh, hạt lúa càng chắc mẩy hơn. Khi tiếng ve râm ran trên những chòm lá cũng là những ngày nắng chói chang, lúa đã chín vàng.


Trên khắp cánh đồng là một màu vàng óng. Những bông lúa nếp thơm hạt mẩy tròn dường như quá nặng nề sau những cơn mưa to, kéo theo cả thân cây lúa đổ rạp xuống ruộng.


 
Mùa gặt đã bắt đầu.

Từ sáng sớm sương còn chưa tan trên cành lá, khí trời ẩm ẩm, lành lạnh khi ông mặt trời còn ngái ngủ...
Tiếng í ới gọi nhau ngoài đường. Tiếng xe thồ đi trên đường, sạp thồ va vào thân xe cành cạch. Tiếng ụm ò của mấy chú bò kéo xe... phá tan cái không khí tĩnh lạnh của buổi sớm mai. Mọi người từ khắp các ngõ thôn đổ ra đồng gặt lúa.


Rất nhanh, chỉ khoảng nửa tiếng, mọi người đã ùa ra hết ngoài đồng. Từng nhà bắt đầu gặt lúa trên mảnh ruộng của mình. Tiếng liềm cắt vào thân cây lúa soàn soạt. Những bó lúa nhỏ được xếp thẳng hàng để bó thành từng lượm. Lượm lúa chất lên quang gánh đưa vào bờ. Nhà nào gần ruộng có thể gánh lúa về. Nhà nào ở xa thì mang xe đạp thồ, xe bò đi chở.
 

Qua một ngày, những ruộng lúa trên đồng đã được thu hoạch vợi. Những khoảng trống dần lộ ra trong một tấm thảm lúa vàng. Từng thửa, từng thửa chỉ còn trơ lại gốc rạ. Nhà nào nhiều ruộng, gặt quanh đi quẩn lại một tuần cũng hết. Nhà nào ít ruộng thì hai ba buổi cũng xong.


Bọn trẻ con chúng tôi chưa được đi gặt lúa cùng người lớn, nên thường mon men theo bố mẹ ra đồng xem mọi người làm. Thỉnh thoảng lúc gặt bắt được con ếch, con cá quả, cá trê, người lớn đưa cho cầm là khoái chí chạy dọc cánh đồng, vừa chạy vừa khoe. Thích nhất là khi cánh đồng đã gặt gần hết, chỉ còn trơ lại vài ba mảnh ruộng cuối cùng. Đảm bảo trong những mảnh ruộng đó, có rất nhiều nhưng con muồm muỗm béo ngậy đang dồn hết về đó. Chẳng phải nói, tụi tôi chui tọt vào trong khóm lúa để săn bắt chúng. Những chú muồm muỗm mập ú nù, cánh và thân xanh như màu lá lúa dần bị bàn tay bọn trẻ con túm ra, vặt cánh, cắm vào đầu cái que nhọn rồi đưa lên nướng. Mùi thơm phưng phức, vị muồm muỗm thơm ngon thôi rồi. Chừng mười con thì ăn không bõ, phải đi bắt cả buổi mang về ăn cho bõ mới thôi!


Lúa gặt ra được mọi người thồ gánh về nhà chất thành đống. Thời tôi còn bé chưa có máy tuốt, nhà nào khá giả thì có guồng máy đập lúa chạy bằng sức người. Đại đa số dùng cái khèo đập lúa vào trục đá cho hạt lúa bắn tung tóe ra rồi quét gom lại thành bồ. Để tận thu đến những hạt lúa cuối cùng, lúa sau khi đập, lại trải đều ra sân, dùng trục đá lăn đi lăn lại trên mặt đảm bảo không bỏ sót một hạt thóc ương bướng nào còn cố bám trụ, dính vào cọng rơm nữa.


Trời nắng lúa được san ra sân phơi. Cứ một lúc lại ra dùng chân dũi hoặc bàn cào, cào qua một lượt để đảo thóc khô cho đều. Phơi chừng mấy nắng là thóc khô. Thóc khô rồi đến công đoạn sàng sẩy thóc để loại bỏ những hạt thóc lép. Lựa những hôm gió to, mọi người cho thóc vào thúng rồi đứng lên cái ghế cao đổ thóc xuống. Gió sẽ thổi bay những hạt thóc lép. Không có gió thì dùng quạt lớn. Một người đứng trên ghế đổ thúng thóc xuống, một người quạt thật lực. Thóc sàng sẩy kỹ rồi cho vào cót, khi nào ăn thì mang ra xay thành gạo. Nhà nào nhiều thóc có thể bán cho lái buôn để kiếm thêm ít thu nhập, mua sắm đồ đạc trong gia đình.


Thóc phơi xong thì những gốc rạ trên đồng cũng khô cong. Mọi người mang quang gánh, xe đạp thồ, xe bò lên chở rạ về đun. Đồng bằng nên rừng núi chẳng có, củi đun rất hạn chế. Người dân quê chỉ có rơm và trấu dùng để đun quanh năm mà thôi.


Thường ngoài gạo tẻ, mỗi nhà sẽ cấy thêm vài ba thước gạo nếp thơm để ăn những ngày rằm, đặc biệt để làm cái rượu tết Đoan Ngọ mùng năm tháng năm, cũng như làm cốm rằm tháng tám. Rơm nếp dai và bền chắc nên mỗi khi gặt thóc nếp về bà thường đem phơi riêng, rồi dùng đôi đũa để tuốt hạt thóc, vẫn giữ sợi rơm nguyên vẹn không dập gẫy. Những sợi rơm đó bà đem phơi khô rồi dùng để bện chổi quét nhà. Bện nhiều chổi rơm, bà đem bán mỗi phiên chợ để kiếm thêm đồng ra đồng vào mua trầu cau hay mua quà cho các cháu.




Gặt lúa Hè thu thì cũng giống như vụ Đông Xuân. Sau vụ Đông xuân, khi rơm rạ đã mang về nhà hết, mọi người lại khẩn trương tháo nước vào ruộng, đổ ải để bắt đầu cấy lúa cho vụ tới. Còn vụ Hè thu, sau khi thu hoạch xong, đồng ruộng sẽ phơi nắng chừng một tháng trước khi bước vào vụ rau mùa Đông.


Sau nhiều năm, quê hương đổi mới, giờ đây mùa gặt cũng khác trước nhiều. Cơ giới hóa, hiện đại hóa, giờ người ta gặt bằng máy. Máy gặt tự động gặt lúa rồi tuốt lúa ra thành hạt thóc và rơm riêng, chỉ cần thu lại rồi đem thóc và rơm đi phơi thôi. Nhà nào không thuê máy gặt thì gặt về đã có máy tuốt lúa rồi. Đỡ tốn công sức rất nhiều so với những ngày xưa ấy.

Một thời cực khổ nhưng vui.




 
Nguyễn Đương