MÙA XUÂN HOA BƯỞI HOA XOAN (1)

DS Bài Viết

Tác Giả:

Ký ức về quê hương với um tùm cây hoa, lá vẫn đôi lúc lại trở về trong tâm trí tôi. Ở chốn thành thị xa xôi, nhiều khi bỗng chợt thèm một làn hương bưởi, một bờ ao rơi đầy cánh hoa xoan…. Quê xưa cây cỏ xanh mát um tùm khỏi bàn rồi. Ngày đó mới thoát ra khỏi thời bao cấp, cuộc sống còn khá đơn sơ. Làng quê với những mái nhà cũ lẩn mình trong những rặng cây, lấp ló bên những cái ao to mà hầu như nhà nào cũng có.

Và trong tất cả những cây những cỏ, những hoa ấy, tôi vẫn nhớ nhất mùi hoa bưởi, hoa xoan.

Cây bưởi, quê tôi vẫn gọi là cây bòng. Các giống bưởi chiết cành hồi đó hầu như không có. Bưởi toàn trồng từ hạt. Cây nào cũng to, rễ bự tổ chảng bám chằng chịt xuống bờ ao. Bưởi quê thường là bưởi trắng và bưởi đào. Quả bưởi trắng, với lớp cùi trắng dày. Quả bưởi đào, với lớp cùi hồng hồng, tim tím. Qua Tết , khi những hạt mưa phùn lất phất, khí trời se lạnh, những cây bưởi đang trùm trên mình một màu xanh đậm, bỗng chợt đâm ra những chồi non xanh mơn mởn, điểm trên đầu những nụ bưởi tròn vo.
 
Mấy cái nụ ban đầu màu xanh xanh, sau dài ra rồi chuyển thành trắng. Chẳng mấy ngày những nụ hoa ấy đồng loạt bung nở, trắng xóa một góc trời. Cái mùi thơm ngát rất dễ chịu ấy, đã mấy chục năm rồi tôi vẫn chẳng thể quên. Ong bướm, chim chóc dường như cũng bị cuốn hút bởi mùi hương quyến rũ ấy. Chúng kéo về vo vo, chíp chíp… huyên náo cả một góc vườn.
 
Qua chừng nửa tháng những bông hoa bưởi bắt đầu kết trái. Quả bưởi ban đầu bé tí, vẫn còn đeo cái đài nhụy to bự trên đầu như ông đầu bếp đội mũ. Rồi cái mũ rớt đi. Quả bằng ngón tay út... bằng ngón tay cái... bằng ngón chân cái.. Cái món này bọn tôi hay lấy để ném nhau, hoặc cho vào súng cao su bắng nhau lia lịa. Thằng nào bị bắn trúng đau nhảy ngược lên ấy chứ.
Khi những quả bưởi bằng ngón tay cái thì cũng là lúc hoa xoan bung nở, tím ngắt một góc vườn. Những cây xoan khẳng khiu trụi lá đứng trơ trơ suốt mùa đông, được mùa xuân thổi vào một luồng sinh khí mới, chợt mọc lên những chồi lá xanh non cùng những bông hoa tim tím. Hoa xoan thơm lắm. Lúc hoa xoan nở lá cũng ít nên nhìn cả cây hầu như toàn hoa là hoa.
Hoa xoan nở cỡ nửa tháng thì bắt đầu đồng loạt rụng. Hoa rụng tím vườn, tím sân, tím cả ao. Lại vớ phải tiết thời mưa phùn ẩm thấp, hoa xoan rụng trên mặt ao phân hủy, là lúc muỗi giãn nhiều kinh khủng. Tụi nó thi nhau đẻ trên mặt nước với những cánh hoa xoan đã bốc mùi ^^
Mùa xuân hoa bưởi hoa xoan nở khắp nơi, với mùi hương rất riêng mà nếu ai yêu sẽ còn nhớ mãi. Cùng tiếng ong, tiếng chim, những cánh bướm tìm hoa trong vườn xuân, tạo thành một bức tranh quê thật đẹp và đáng nhớ.
Bọn trẻ con tụi tôi khi ấy chẳng cần quan tâm chi nhiều. Chim chóc, ong bướm nhiều là lúc tụi tôi bủa đi bắn chim, bắt bướm. Bắt bướm thì toàn bắt bằng tay là chính =))) Thấy con bướm đậu trên cành, trên hoa là bắt đầu tiến lại, rón rén, cố gắng đi nhẹ nhàng nhất có thể để nó không nghe thấy. Rồi nhón tay cặp nhanh một cái “ pặp” vậy là xong. Cao thủ nào chịu khó thì lấy lưới làm một cái vợt để chụp. Chụp vậy cũng nhanh và hiệu quả, nhưng nạn nhân thường bị nát cánh, te tua.
Chim chóc hồi đó khá nhiều loại. Chim chích (nhiều nơi gọi là chim sẻ), chim sâu, chim chích chòe, chim chào mào, chim bạc má….. Toàn những cao thủ khinh công nên để bắt được tụi nó cũng mệt lắm. Bọn tôi làm cái súng bắn chim bằng cao su. Thân súng kiếm cái chạc ba cây ổi, cây bưởi thật đều và đẹp. Dây súng bằng dây nịt (dây thun) bện lại hoặc cắt săm xe đạp hỏng ra làm. Chỗ đặt đạn thì cắt miếng da hay miếng len, miếng mút ghép vào là có cây súng săn tầm cỡ. Phần còn lại thì chờ vào tài săn bắn của bản thân thôi.
Bắn chim không phải dễ đâu nhé. Tụi nó cứ nhảy nhót tanh tách trên cây chẳng mấy khi chịu đứng yên. Cây thì toàn cây cao cỡ mấy mét. Nghe động “ tạch” một cái là tụi nó đã bay mất hút rồi. Lần đầu loay hoay với cái súng cao su cả nửa ngày, nghển dài cả cổ mới bắn được chú chim sâu bé xíu, tôi hét to như vớ được kho báu vậy!
Lại nhớ tuổi thơ nữa rồi hị hị hị ^^


                                                                                               Nguyễn Đương
                                                                (Hình ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ internet)