Tác Giả:
Tôi ngồi lắng mình trước trang giấy khi ngoài kia mùa xuân đang vào độ chín. Hương xuân ấm áp, tình xuân nồng nàn với muôn vàn sắc hoa rực rỡ, lộc biếc, chồi non…mùa xuân của đất trời, của tuổi trẻ đánh thức trong tôi miền ký ức về cô- người gieo hạt âm thầm, lặng lẽ giữa cuộc đời.Mười lăm năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của cô với gương mặt phúc hậu, vầng trán cao thông thái, ánh mắt dịu hiền và giọng nói ngọt ngào ấm áp đến lạ thường. Tôi vinh dự được cô chủ nhiệm và dạy Văn trong suốt ba năm cấp ba- ba năm ngắn ngủi nhưng đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi.
Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác, tôi sinh ra và lớn lên ở một xóm làng lam lũ của miền quê lúa Thái Bình. Cả nhà sáu bảy miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng. Vì thế bố mẹ đã phải bươn chải khắp chợ xa chợ gần để nuôi chúng tôi ăn học, chẳng có thời gian để quan tâm đến việc học hành của con cái. Tôi học cũng vào loại khá nhưng năm ấy thi vào cấp ba suýt trượt vì môn Văn điểm thấp. Mẹ động viên tôi cố gắng học lấy tấm bằng cấp ba rồi mẹ nhờ bác xin cho đi làm giầy da ở Hải Phòng như mấy chị trong xóm. Thấy mấy chị ấy mỗi lần về quê quần là áo lượt tôi cũng thầm ao ước và coi đó là đích phấn đấu của mình. Thế rồi, suy nghĩ ấy trong tôi đã thay đổi khi tôi gặp cô…
Cô Dần (giữa) và học sinh Trường THPT Đông Hưng Hà.
Lớp 10A của tôi ngày ấy hơn năm mươi học sinh nhưng ngay từ những ngày đầu chủ nhiệm lớp, cô đã nắm rất rõ về gia cảnh và lực học của mỗi người và thường xuyên gần gũi, động viên, định hướng cho chúng tôi. Sau giờ học Văn đầu tiên, phát hiện tôi có giọng đọc hay, cô liền giới thiệu tôi tham gia đội văn nghệ của trường với vai trò người dẫn chương trình. Mỗi lần diễn văn nghệ hay tuyên truyền chủ điểm, cô đều hướng dẫn tôi viết lời dẫn, viết bài rồi hướng dẫn cho tôi từng cách đọc sao cho thật truyền cảm. Cho đến tận bây giờ khi đã được tham gia làm MC cho nhiều chương trình của huyện, của tỉnh, nhưng mỗi lần nhớ lại lần đầu tiên được dẫn chương trình văn nghệ giữa sân trường cấp ba, không sân khấu trang trọng, không ánh đèn rực rỡ, chỉ có những tràng pháo tay cùng những ánh mắt khích lệ của bạn bè, thầy cô, lòng tôi lại cảm thấy vô cùng sung sướng và hãnh diện. Đó cũng lần đầu tiên trong cuộc đời tôi thấy mình thật có ý nghĩa. Tôi bắt đầu dám ước mơ một điều gì đó cao hơn là được làm một công nhân may giầy.
Một hôm, trong giờ ra chơi, cô cho gọi tôi xuống phòng Hội đồng. Tôi hồi hộp, lo lắng…Trên tay cô là tập bài kiểm tra tập làm văn đầu tiên của lớp tôi, chi chít những dấu mực đỏ, những lời phê…Cô rút ra bài của tôi, cô khen bài viết có ý tưởng, hành văn trôi chảy nhưng cô rất tiếc vì chữ xấu và sai chính tả quá nhiều. Điều này thì tôi không lạ lắm vì nhiều thầy cô hồi cấp hai cũng đã từng nhận xét bài làm của tôi như thế. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, cô bắt đầu phân tích cho tôi hiểu về ý nghĩa của chữ viết đối với mỗi người. Cô bảo: “Chữ đẹp là nét xinh của một tâm hồn đẹp – nét chữ, nết người. Không chỉ vậy, những ý tưởng hay, những tình cảm đẹp nếu không được viết ra trên giấy, người khác sẽ không thể cảm nhận được. Mà nếu có được viết ra, với những nét chữ nguệch ngoạc, sai chính tả thì cũng trở nên vô nghĩa. Vì thế, em phải cố gắng luyện chữ. Cô sẽ giúp em và cô tin em sẽ làm được!”. Từng lời, từng câu của cô khiến tôi vô cùng thấm thía. Cũng từ hôm đó, tôi bắt đầu quyết tâm luyện chữ. Tranh thủ giờ giải lao, cô dạy tôi từng “mẹo luật” viết đúng chính tả, quy tắc viết các nhóm chữ cái…Tôi ghi nhớ và chăm chỉ thực hành, ban đầu là viết bút chì trên vở ô-li, sau chuyển sang viết bút mực trên giấy kẻ ngang. Một tháng rồi hai tháng trôi qua…nét chữ của tôi ngay ngắn rồi đẹp dần. Tôi vui, cô cũng rất vui. Điểm kiểm tra các môn xã hội của tôi cũng tăng dần từ đó, niềm đam mê học Văn trong tôi cũng bắt đầu từ đó.
Mùa thu khai trường trôi nhanh theo từng bài giảng và một mùa đông lạnh giá lại ùa về. Tôi sợ nhất mùa đông! Đó là thời điểm mà căn bệnh viêm họng và viêm khớp mãn tính lại hành hạ tôi. Thấy tôi đi cà nhắc tới trường, ngồi co ro trong lớp học, xanh xao vì những cơn ho khản đặc, lòng cô như thắt lại. Ánh mắt chứa chan tình thương của cô đã thầm nói với tôi điều ấy. Thế nhưng năm ấy, mùa đông dài lê thê như ngắn lại vì tôi được sưởi ấm bởi sự quan tâm trìu mến của cô. Cô luôn động viên tôi phải cố gắng, phải chiến thắng bệnh tật. Cô hướng dẫn tôi thật tỉ mỉ cách ăn uống, cách phòng và chữa bệnh như một thầy thuốc. Có những buổi chiều tôi mệt không thể tự về, cô đưa tôi về phòng mình, lấy nước ấm cho tôi uống và mặc cho tôi chiếc áo khoác mới của cô, sau đó nhờ người nhắn cha tôi tới đón. Đó là mùa đông ấm áp nhất trong cuộc đời tôi!
Thấm thoắt rồi cũng đến cuối năm lớp 11, bạn bè bắt đầu chọn cho mình những con đường đi đến tương lai. Cô hỏi thăm lần lượt từng người về dự định thi đại học. Có bạn được cô đồng tình khuyến khích, có bạn cô khuyên nên suy nghĩ kỹ rồi hãy quyết định. Cô chưa hỏi đến tôi, chắc có lẽ cô nghĩ tôi còn đang băn khoăn lưỡng lự. Cũng có thể cô tin ở sự lựa chọn của tôi như cô đã từng tin vào nghị lực vượt khó của học trò mình trong suốt hai năm học vừa qua. Riêng phần tôi, không hiểu từ khi nào hình ảnh của cô- một người thầy âm thầm mà vĩ đại; từ tốn mà bao dung đã thắp lên trong tôi khát vọng cháy bỏng về một ước mơ- ước mơ được làm người ươm mầm gieo hạt giống như cô. Khi biết được tôi sẽ thi vào ngành sư phạm, gương mặt cô rạng rỡ, ánh mắt cô lấp lánh niềm vui. Những tập bài giảng, những cuốn sách hay cô cho tôi mượn, những bài văn được cô góp ý đã nối dài thêm mơ ước của tôi.
Thi tốt nghiệp cấp ba xong, vì hoàn cảnh gia đình tôi không được thi vào Đại học Sư phạm I như nguyện vọng đã đăng ký mà phải theo một người họ hàng vào cực Nam Trung bộ. Ngày chia tay, hai cô trò cùng khóc. Gạt nước mắt, cô mỉm cười nói với tôi: “Tổ quốc đẹp giàu đâu cũng quê hương em ạ! Sẽ có nhiều con đường đưa em đến ước mơ. Cô tin em sẽ thành công! Cô luôn ở bên em…”. Một lần nữa, niềm tin của cô lại soi sáng con đường tôi đến với đất phương Nam, đến với nghề giáo. Năm ấy, tôi đỗ điểm cao vào trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Và ba năm sau mơ ước của tôi đã trở thành hiện thực, tôi đã được đứng trên bục giảng, được làm cô giáo, được truyền kiến thức, niềm tin, tình yêu thương cho lớp lớp các thế hệ học trò…
Từ một học trò nhà nghèo chỉ biết đến ước mơ ra phố làm công nhân, giờ đây tôi cũng đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, hoàn thành chương trình đại học liên thông; được tham gia dẫn chương trình cho nhiều hoạt động của ngành, của tỉnh; vinh dự hơn cả là được sống cùng nghề giáo – “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Tất cả là nhờ có cô cùng bao thầy cô khác – những người gieo hạt mang đến bao mùa xuân, bao hoa thơm quả ngọt cho đời nhưng không bao giờ nghĩ đến việc mình được tự tay hái những chùm quả ấy!
“Thưa cô, con xin nguyện mãi là một đóa hoa ngát hương giữa mùa xuân cô vun trồng, dù khi khép cánh vẫn không quên để lại cho đời những hạt giống tốt tươi! Để gió cuốn đi!…”
Kính tặng cô giáo Cao Thị Dần,
Trường THPT Đông Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
Bùi Thị Thủy
Phan Rang mùa xuân 2012
Bài viết được đăng trên báo Ninhthuan.com.vn