Tác Giả:
Ký ức về một buổi làm học trò đặc biệt trong lớp cô giáo Thủy, đến bây giờ vẫn còn rất đậm nét trong tôi. Mùa thu năm ấy tôi hơn bốn tuổi. Tiết trời se se lạnh buổi sáng của những ngày cuối thu. Các anh chị học cấp một, cấp hai đã khai giảng được gần hai tháng. Mỗi sáng, tiếng cười nói, tiếng xe đạp cạch cạch đưa chân mọi người đến trường lại rôm rả trước ngõ nhà tôi.Với thằng bé suốt ngày chỉ chơi tha thẩn quanh nhà thì đi học chắc là thích lắm. Đông vui vậy cơ mà. Tôi cũng đã từng nhiều lần mò ra ngôi trường gần nhà, thấy khung cảnh nhộn nhịp chẳng khác gì phiên chợ. Nhất là những giờ ra chơi, khắp sân trường râm ran tiếng cười nói vui đùa. Thằng bé chợt ao ước nó lớn thật nhanh để theo bước anh chị đến trường.
Cuối thu, thời hanh, gió Lào thổi khô và nóng, nắng rát cả sân gạch. Bố mua cho tôi cái mũ tai bèo màu trắng đội đi chơi cho đỡ nắng. Đầu tôi lọt thỏm vào trong cái mũ, vành mũ che gần hết mắt nhìn đến là buồn cười. Ấy thế mà tôi khoái đội nó lắm. Có nó, tôi được vào vai bác sỹ, khám bệnh cho mấy đứa bạn gần nhà. Đồ nghề là hai sợi dây dù buộc mỗi đầu một đoạn que đay dài cỡ một đốt ngón tay. Một cái nút tôi ấn vào tai mình, cái kia dí vào tụi nó rồi cũng bần thần nheo mắt lại như đang bắt mạch vậy.
Buổi sáng hôm ấy.
Bác hàng xóm vào nhà tôi chữa xe đạp. Bác có cái túi xách nhỏ đã cũ đan bằng sợi cước xanh đỏ dùng để đi chợ. Đi giữa đường xe thủng xăm, bác mang xe vào nhờ bố tôi vá lại. Chiếc túi xách trống không để ngoài hiên nhà.
Tôi vẫn thấy các anh các chị thường xách cái túi này đi học. Trong đó đựng vài quyển vở, mấy quyển sách và bút, mực. Tôi mon men lại gần cái túi, rồi cầm nó đưa lên ngang mặt hí hửng lắm.
- Ái chà, cháu bác lớn quá rồi nhỉ. Sắp đi học cấp một rồi còn gì!
Bác hàng xóm nói với tôi
- Vâng, có cái túi này là cháu đi học được bác nhỉ!
Tôi hí hửng đáp lại.
- Nếu cháu thích, bác cho cháu cái túi này để đi học đấy!
- Bác cho túi rồi bố sẽ cho con đi học luôn.
Bố tôi nói xen vào.
Tôi thích chí chạy một mạch ra ngõ, quên cả nói lời cảm ơn bác. Có cái túi này là thành học sinh rồi nhỉ. Tôi sang mấy chú cạnh nhà đang đi học, xin mấy tờ giấy với cái bút cũ rồi nhét vào trong túi.
Thế là chẳng ai bảo, tôi xách cái túi đi thẳng ra trường học gần nhà. Các lớp đang vào tiết học, ngôi trường yên ắng lạ thường. Chỉ nghe thấy tiếng rì rầm đọc nhẩm của các anh chị và tiếng thầy cô giảng bài.
Ngó qua mấy lớp học, tôi dừng lại ở lớp cô giáo Thủy người cùng xóm. Thấy cô quen, hay chữa xe đạp ở nhà mình, nên tôi dừng lại, đứng ngoài cửa sổ ngó lên nhìn các anh chị học bài.
Hồi đó nếu không nhầm thì cô dạy cấp hai, lớp bảy lớp tám thì phải, vì thấy các anh chị ngồi trong lớp khá lớn rồi. Thằng bé thấp quá, đứng kiễng chân mới thò được hai cái mắt lên khỏi khung cửa sổ nhòm vào trong. Thấy xem kiểu này không ổn, mệt mỏi quá, tôi đánh liều đứng ngay cửa lớp học ngó vào xem cô giáo giảng bài.
Sự có mặt của một thằng bé xách cái túi có mấy tờ giấy bên trong ngay lập tức gây sự chú ý. Mấy anh chị ngồi đầu bàn nhìn tôi cười ... lớp bắt đầu xì xào....
Cô giáo đang viết bài trên bục giảng. Thấy lớp mất trật tự cô liền quay xuống. Ngay lập tức ánh mắt cô hướng về phía tôi đang thập thò ngoài cửa.
- Ủa, Đương hả? Em làm gì ở đây thế?
- Dạ... dạ.... em... đi.... học ạ!
Tôi bối rối ấp úng trả lời. Cả lớp cười ồ cứ như thể tôi là người rơi từ trên trời rơi xuống vậy.
- Em còn nhỏ, phải đi học mẫu giáo, rồi mới bắt đầu học lớp một chứ!
- Dạ nhưng em đã có túi sách và có vở rồi, thưa cô.
Lớp lại rộ lên những tràng cười. Tôi nhận ra nhiều anh chị cùng xóm. Cánh anh Hoài, anh Bảo ngồi ngay bàn đầu.
Cô dừng lại vài giây ngẫm nghĩ rồi nhìn tôi cười và nói.
- Vậy em vào lớp ngồi học với các anh chị đi. Bảo, em ngồi dịch ra cho em Đương ngồi cạnh nhé.
Tôi chẳng ngại, bước vào lớp, rồi len lỏi vào ngồi giữa bàn đầu tiên cạnh ngoài cửa lớp. Thằng bé bốn tuổi, người nhỏ quá, ngồi xuống ghế thò được mỗi cái mặt lên bàn học. Phía sau mấy anh chị vẫn nhìn tôi cười tủm tỉm.
Buổi học đầu tiên của tôi là như vậy đấy. Ban đầu nghe cô giảng cứ như vịt nghe sấm nhưng mà khoái chí lắm. Được nửa tiếng, thằng bé bắt đầu thấy chán vì cứ phải ngồi chết dí một chỗ, thấy bí bách làm sao. Mọi ngày vẫn lang thang khắp ngõ xóm, chán lại về ngủ khì, giờ ngồi im thế này chịu không thấu. Tôi bước xuống khỏi ghế, chui qua gầm bàn rồi lẻn ra ngoài cửa lớp, dõng dạc thưa cô :
- Thưa cô, em xin phép về ạ!
Cả lớp lại được một trận cười nghiêng ngả.
Nguyễn Đương