NHỮNG BUỔI TRỐN HỌC CÙNG ĐIỆN TỬ 4 NÚT

DS Bài Viết

Tác Giả:

Trừ những thành phần chăm ngoan kiêm những "mọt sách" , chẳng nói thì cũng hiểu, thế hệ học sinh những năm 9x chúng tôi đã phải phát cuồng vì trò chơi điện tử 4 nút như thế nào! Tôi là thằng rất lười học. Dù thành tích học tập luôn đứng Top 3 trong lớp, và cũng thuộc diện khá "nổi váng" ở trường. Chẳng mấy khi tôi ngồi vào bàn học mà ôn bài. Học hành thì theo kiểu "nước đến chân mới nhảy", sách vở chẳng ghi chép được là mấy. Trong lớp toàn ngồi vẽ bậy và chém gió với mấy thằng bạn học...

Học thì lười nhưng cái chuyện chơi bời đùa nghịch thì khỏi phải nói. Tôi không phải là thằng tinh nghịch mà là thằng nghịch ngầm. Lang thang khắp xã, nhiều lúc lên cả huyện, có khi qua cả huyện khác, chỉ vì mấy cái thú vui truyện tranh cây cảnh và chọi gà....

Từ ngày trên chợ Việt Yên khai trương tiệm điện tử 4 nút, các anh tài trong trường tụ họp về đây, cùng chơi game mê say. Đó là khoảng giữa những năm 1990 khi mà ở quê mới có điện về được vài ba năm. Hồi đó tôi bắt đầu vào học cấp 2.
 

Bọn học sinh thành phố thì hay gọi là điện tử Nintendo cho nó "sang miệng", cho nó "Tây". Trẻ em quê chúng tôi thì gọi là điện tử băng, hay điện tử 4 nút cho nó dân dã. Vì mỗi khi chơi, phải bỏ băng trò chơi vào máy để chơi, nên tụi tôi gọi là điện tử băng. Và vì trên tay cầm điều khiển có 4 cái nút tròn nên gọi là điện tử bốn nút. Nói thế cho nó dễ hiểu, cho đúng phong cách Việt Nam ^^
 


Quán khai trương có 2 bàn máy, trong một gian nhà nhỏ. Xung quanh xếp thêm mấy cái ghế dài để phục vụ những đứa ngồi chờ tới lượt chơi. Ngày nào quán cũng đông nghịt, từ sáng đến tận 10 giờ tối. Nhiều đứa phải chờ cả mấy tiếng đồng hồ mới tới lượt mình chơi. Những đứa không có tiền chơi thì đứng ngoài xem hoặc thỉnh thoảng xin chơi "ké" bạn bè vài phút.

Hồi đầu giá cả là 1000 đồng một giờ. Sau một năm làm ăn khấm khá, ông chủ quán đầu tư thêm hai máy nữa, giá cũng nâng lên một ngàn rưỡi. Kể từ đó, ngôi nhà nhỏ gần chợ Việt Yên trở thành tụ điểm của những con nghiện game mà nhiều khi các phụ huynh đến là đau đầu với nó!
 


Cái chuyện chơi bời thì bố mẹ không chiều tôi cho lắm. Thỉnh thoảng bố mới cho mấy ngàn lẻ ăn quà vặt thôi. May mắn là tôi có thằng bạn thân. Mẹ nó là cán bộ viên chức nhà nước, nó lại là con một. Cứ mỗi cuối tuần mẹ nó về, lại cho nó khá nhiều tiền. Tôi và nó được cái hợp cạ, đều là những con nghiện điện tử và truyện tranh. Mà chơi điện tử thì phải có cặp mới hay, chơi một mình buồn chết. Thế là cứ khi lớp được nghỉ học, hai thằng lại đạp xe lên chợ, chui ngay vào quán ngồi đến trưa đến chiều mới mò về. Tối cứ nghe nó đứng ngoài ngõ gọi í ới là tôi cũng ba chân bốn cẳng ù té chạy ra rồi hay thằng chạy tót đi luôn. Chơi điện tử nó đãi tôi là nhiều. Tôi thì thỉnh thoảng có tiền mới đãi nó. Nhiều hôm không muốn đi, nó cũng vào lôi đi cho bằng được. Xét về độ nghiện ngập thì nó còn hơn cả tôi ấy chứ!
 


Ngồi chơi game mới thấy có nhiều cảnh "cười ra nước mắt". Nào là mấy tay trốn học, trốn việc nhà đi chơi game, bị bố mẹ đến tận quán, đánh cho một trận xoắn cả đít, khóc om sòm rồi bị lôi xềnh xệch về nhà. Rồi thì thi đấu thua, cay cú, cãi nhau ỏm tỏi, hai thằng ra ngoài đường phân xử bằng tay chân, vật nhau huỳnh huỵch trong tiếng reo hò cổ vũ của những đứa khác... Cả mấy thằng chơi điện tử không có tiền, ghi nợ, bố mẹ phải đến trả tiền cho, rồi về phết cho lằn hết cả đít. Học lực của tôi cũng khá nên bố mẹ, thầy cô chẳng mấy khi "sờ gáy" trong chuyện học hành. Chứ những đứa học kém thì chơi bời chẳng thoải mái tí nào.

Những ngày Tết, phải nói là quán đông nghẹt. Đứa nào cũng rủng rỉnh tiền mừng tuổi mà. Chơi xuông chưa đã, tụi nó còn chơi điện tử ăn tiền luôn (chủ yếu là mấy trò đá bóng, bida..). Cứ mỗi bàn thắng hay mỗi lần bida vào lỗ thì ăn 1000 đồng. Rồi lại thua tiền, cay cú, đánh cãi nhau um hết cả lên...
 


Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ những tựa game mà ngày xưa bọn tôi đã từng mê như điếu đổ.

Đầu tiên phải kể đến là trò Contra, gồm hai chiến binh chiến đấu với lượng quân địch đông đảo. Cuối mỗi màn, sau khi diệt hết đám lâu la, sẽ phải đụng ông trùm. Hồi mới chơi, game chỉ có 8 mạng nên chơi rất khó. Thằng nào cao thủ lắm cũng chưa chắc một lèo đã vượt qua nổi hết các cửa, mà cứ phải đánh dần mới xong! Sau game có tận những 32 mạng, tha hồ đánh. Chuyện đi một lèo hết sạch tất cả các cửa trở thành bình thường như cân đường hộp sữa.
 

 

Kế đến là trò Super Mario Bros mà tụi tôi hay gọi là trò " ăn nấm". Anh chàng Mario vừa phải né tránh, chiến đấu với kẻ thù, vừa phải tìm những cái nấm, ăn vào để biến thằng khổng lồ, để tăng thêm mạng sống, để có thể bắn ra đạn.... Gặp những đồng tiền vàng, chàng Mario cũng.... ăn luôn. Được 100 ngàn điểm là sẽ có thêm một mạng sống.
 


Trò " Battle City", bọn tôi gọi là " bắn xe tăng". Mỗi thằng điều khiển một xe tăng đi tìm và diệt kẻ thù trong mê cung. Quá trình chiến đấu cũng không quên "ăn" những ngôi sao, ăn thêm vũ khí để tăng thêm sức mạnh và tăng thêm mạng sống. Người chơi sẽ điều khiển chiếc xe tăng của mình bảo vệ thành và tiêu diệt hết xe tăng của đối phương để qua bài. Để vượt qua tất cả 35 màn chơi của Battle City là cả một kỳ công.
 

 

Tetris hay còn gọi là xếp hình. Trò này thì quá quen thuộc rồi. Các cao thủ thường chọn chơi ở tốc độ cao cho nó pờ rồ. Tay mơ thì chơi ở tốc độ chậm cho nó.... chắc ^^
 


Bomberman, tụi tôi gọi là trò chơi đặt bom. Trong trò này người chơi sẽ điều khiển nhân vật Bomberman đặt bom để tiêu diệt hết quái vật trong một mê cung.
 


Trò chơi “Road Fighter”, thường được gọi là trò “đua xe”. Mấy thằng thích chơi trò đua tốc độ thì rất ghiền game này. Tôi thì chẳng thích nên thỉnh thoảng mới chơi cho vui thôi.
 


“Galaga” hay “Galaxian”, được biết đến với cái tên “Bắn ruồi”. Người chơi sẽ điều khiển một con tàu vũ trị để tiêu diệt lũ “ruồi” – thực ra là các quái vật côn trùng khổng lồ đến từ hành tinh khác – để bảo vệ Trái đất.
 


“Teenage Mutant Ninja Turtles” hay “Ninja Rùa” , đây là trò chơi chiến đấu hấp dẫn không kém Contra, nhưng độ khó và phức tạp cao hơn nhiều. Trong game, các chiến binh Ninja Rùa sẽ không dùng súng ống như trong Contra, mà sử dụng kiếm hoặc võ công chân tay cho thăng thêm phần gay cấn.
 


“The Legend of Kage” , trò này được gọi là “Ninja cứu mẹ”. Nhìn thì cũng chẳng biết là mẹ, vợ hay công chúa nữa. Đứa thì gọi là Ninja cứu mẹ, đứa thì gọi Ninja cứu vợ. Chắc thắc mắc này phải hỏi nhà phát hành game may ra mới có câu trả lời ^^
 
 
“Jackal” là trò chơi dạng “chạy và bắn”. Ở Việt Nam trò này thường được gọi là trò “xe jeep”. Người chơi sẽ điều khiển chiếc xe jeep tiêu diệt hết các mục tiêu quân địch. Tôi và thằng bạn có thời chơi suốt trò này.
 


Street Fighter, bọn tôi hay gọi là đấu võ đài. Trò này rất hấp dẫn. Đánh theo kiểu đối kháng. Mỗi nhân vật sẽ có sở trường và chưởng lực khác nhau. 
 




Cái trò mà tôi nghiện nhất có lẽ là trò Nekkessu Soccer League, một game bóng đá rất hấp dẫn và vui nhộn. Trò chơi thường được biết tới qua cái tên khác là Goal 3 và được nhìn thấy ở bất kỳ hàng điện tử 4 nút nào của thời bấy giờ. Tôi vẫn nhớ như in những cú sút bóng chưởng muôn hình muôn vẻ. Có đội sút bóng ra hình con cá bơi vào khung thành. Có đội sút ra hình quả chuối, thậm chí sút bóng thành vô hình. Sút cận thành mảnh lưới đôi phương chỉ có mà rách tung tóe.
 




Những cầu thủ có thể triệt hạ đối phương bằng những cú cùi chỏ hoặc đạp chân. Anh nào trúng đòn bị lồi mắt ra và đứng hình trong 5 giây.  Chưa hết, yếu tố thời tiết trên sân cũng có sự thay đổi khi mà các cầu thủ có thể bị bão cuốn bay mất, hoặc bị sét đánh trúng, hoặc bị chìm xuống bùn lầy khi đang dắt bóng. “Tàn khốc” là vậy nhưng do dựa trên cách thiết kế hình ảnh ngộ nghĩnh mà trò chơi lại trở nên hết sức vui nhộn và độc đáo.

Nguyên một thời gian dài, những trò chơi của điện tử bốn nút đã mê hoặc chúng tôi đến phát cuồng. Ở nhà ngồi vào bàn học bài thì chẳng được mấy lúc, mà ngồi quán game thì đến mọc rễ ra mới chịu về. Nhiều hôm chơi xong, bước ra khỏi cửa quán mà mắt hoa lên, bầu trời tối sầm lại cứ như rồng thần xuất hiện trong 7 Viên ngọc rồng ấy ^_^

Một thời thật là vui!





 
Nguyễn Đương