Những con đường đi học

DS Bài Viết

Tác Giả:

Dường như khi tuổi đời cứ chầm chậm trôi về phía vô biên thì con người thường hay trầm lặng hoài niệm ngoái nhìn ký ức đã qua. Chầm chậm để không bị cuốn xiết trước vòng quay đến chóng mặt của cuộc sống hiện đại. Chầm chậm lắng đọng, để không lãng quên dù là điều nhỏ nhất.

Ai đó có thể trôi về miền nhớ một người dưng đã xa xôi hay một kỷ niệm thời hoa đỏ êm đềm đã rụng . Còn tôi ngồi đây mà thương nhớ về một miền ký ức ấu thơ. Ký ức của một thời đi học. Thương nhớ những con đường đi học mang tên tuổi thơ tôi .

Con đường đầu tiên dẫn chúng tôi vào lớp 1. Con đường ấy gian lao như chính những năm tháng gian lao của cả đất nước. Mỹ ném bom toàn miền Bắc, trường học của chúng tôi sơ tán vào núi. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo men bên suối. Nhiều đoạn phải vượt qua những thác dài và trơn tuột. Chúng tôi cứ bám nhau mà đi. Tôi bé nhỏ như một cọng rơm khô, đầu đội mũ rơm,  lỉnh kỉnh, lễ mễ, túi xách, túi thuốc, bông băng, thuốc đỏ đến trường.

Lớp học chúng tôi nằm lẫn trong cánh rừng già nơi máy bay Mỹ khó có thể phát hiện . Một lũ trẻ con chân đất ríu rít lội suối, nhặt ốc, bắt tôm đỏ nhiều khi không nghe tiếng kẻng phát ra từ vỏ quả bom báo giờ vào học. Mỗi khi đi học, nghe tiếng máy bay, tất cả những đứa trẻ nép vào nhau trong hốc đá ẩm ướt và im lặng. Dường như tất cả chúng tôi đã truyền sức mạnh bé nhỏ ấy cho nhau. Cái Mai trượt chân ngã đập mặt vào đá , máu chảy dòng dòng. Sẵn thuốc đỏ và bông băng bên mình, không hiểu sao tôi có thể băng bó cho nó lành nghề đến thế.? Khi tiếng máy bay xa dần là lũ trẻ bắt đầu ríu rít tìm nhặt lá cơm nếp thơm thơm trong núi hay thưởng cho nhau những quả vả chín đỏ mà bên trong đọng ngọt đầy mật sánh như một chiến lợi phẩm của chặng đường đi học.

Nhiều buổi đi học, gặp lũ suối cuồn cuộn, cả lũ học trò lớp 1 ngồi khóc bên bờ nhìn dòng nước chảy. Thương cô giáo ở một mình bên triền đồi không biết có sao không?

Bom Mỹ bớt ném ở Miền Bắc, lớp học chuyển về thị xã. Buổi sáng đến trường tràn ngập hương vị quê. Con đường đi học hai bên là ruộng lúa của xã Sủ Ngòi. Bước chân ngập trong sương và dâng dâng vị ngọt của lúa ngậm đòng. Bây giờ tôi mới biết hoa lúa nhưng ngày ấy có thói quen dừng chân lại bên đường cúi xuống hít hà thật sâu hương vị lúa nếp. Hương lúa  non buổi sớm cứ thoang thoảng man mác một cảm xúc thật khó quên. Thỉnh thoảng lũ nhóc con chúng tôi cúi xuống vụng trộm tuốt vội vài nhánh đòng đòng cho vào miệng để lạo xạo, ngọt ngào cảm xúc vị quê.

Mùa đông về. Con đường đi học hành trình cũng với những ống bơ sữa bò. Bây giờ, tôi mới biết tại sao mùa đông ngày xưa lạnh hơn bây giờ. Tất cả vì học trò thời ấy chỉ có những chiếc áo cánh mỏng manh chống chọi với gió núi ùa về buốt giá.Thế nhưng ống bơ sữa bò chứa đầy than củi như một hình ảnh thân thương ấm áp lạ kỳ. Đứa nào cũng một ống bơ đầy lửa ấm. Có đứa cầu kỳ hơn nhỏ thêm vài đám cỏ mật khô thả vào. Thế là ống bơ lửa ngọt ngào hương cỏ mật.

Còn nhớ những ngày mưa ầm ào trút xuống, sẽ không lấy làm lạ là tại sao tất cả chúng tôi đi chung một tấm áo mưa. Gọi là áo mưa cho oai chứ thực ra chỉ là những mảnh ni lông nhỏ và vuông vắn. Có khi là một túi ni lông đựng bao đường được cắt ra làm áo mưa. Bây giờ nhớ lại mặc áo mưa với bọn trẻ đi học chỉ là ước lệ. Bởi vì không che được gì. Tất cả chỉ chống đỡ với giọt nước trên bầu trời rơi xuống đầu thôi. Con khắp mình thì ướt sũng..Và tất cả vẫn chen chúc đầy vui thích trong tấm ni lông ước lệ ấy để đến trường.

Con đường đi học là hành trình dọc con đê sông Đà thơm thơm, hăng hăng mùi cỏ mần trầu. Đám cỏ tốt xanh đầy sương sớm.Tiếng đài phát thanh phát chương trình thể dục buổi sáng là bọn trẻ ríu rít gọi nhau. Gió từ dòng sông Đà mang theo vị phù sa màu mỡ thổi tới mát lạnh. Ngày đó, ven sông Đà xã viên trồng toàn rau cải bẹ để làm giống. Tháng ba về cả triền đê rực vàng màu hoa cải và dập dờn những cánh bướm trắng. Không hiểu sao, cứ mỗi khi đi đâu đó gặp màu vàng của hoa cải hay hoa mướp rưng rưng trong nắng là tôi không đừng được việc dừng bước. Có lẽ màu hoa cải vàng trên chặng đường đi học ngày xưa đã nhuộm cảm xúc của mỗi đứa chúng tôi rồi.

Học trò trường Hoàng Văn Thụ ngày ấy muốn đến trường phải qua đò ngang. Phương tiện duy nhất của thị xã. Chúng tôi bấm ngón chân đau nhức vào con đường đất trơn tuột rồi leo lên thuyền cho kịp giờ học. Có thể nói khi nhớ lại khoảnh khắc đứng trên đò rồi, nghe tiếng nước đỏ ngầu vỗ oàm oạp, rồi nước mấp mé mạn thuyền, tiếng bác lái đò quát… Ngồi im! Lật thuyền bây giờ…Tôi vẫn sợ run. Học trò đông, thuyền gỗ nhỏ, nước sông Đà cuồn cuộn. Có đứa phát khóc vì sợ đò đắm…Có đứa trượt chân ngã tòm xuống sông. Cặp sách, cặp lồng cơm bập bềnh. Bập bềnh. Nhưng rồi tôi vẫn mãi nhớ những chuyến đò ngày xưa đến trường, nhớ đôi bàn chân bác lái đò miết xuống bền bỉ trên mé thuyền gỗ đã nhẵn bóng, nhớ cả những buổi lao động đóng gạch về muộn, đò đã sang ngang, mấy đứa ngồi chờ nơi bến cũ Thịnh Lang vừa nhai mía xương gà rau ráu vừa tuyệt vọng cất tiếng gọi đến lạc cả giọng…Đò ơi! Bác lái đò ơi….

Tôi nhớ tháng ba. Con đường đi học rơi đầy hoa gạo đỏ. Không hiểu sao tôi yêu hoa gạo đến thế. Cái màu đỏ như lửa cháy ấy bất kỳ tôi đứng ở đâu trên con đê thân thuộc đều trông thấy ráng đỏ hết mình của nó. Cây gạo đỏ soi mình xuống dòng sông Đà xanh. Hoa gạo trên cây đỏ. Cả khi nó lìa cành vẫn cháy không nguôi. Bây giờ tôi thấy câu thơ của Vi Thùy Linh thật hay…Lã chã hoa gạo…Tôi và đám bạn thường ngồi dưới gốc gạo mà chơi trò công chúa từ những cánh hoa tươi đỏ rực vừa rụng. Tôi nhớ tháng ba, chạy phăm phăm trên con đê lộng gió giấu trong túi sách một túi mỳ sợi cho đứa bạn nhà nghèo đang bị đói. Nhớ tháng ba và chặng đường đi học về ngồi tha thẩn ven bờ đê nhặt hoa gạo. Cũng nhấm nháp chút hoa, cuống hoa màu nâu sẫm hơi nhơn nhớt lại ngòn ngọt kiểu khoai mì. Ừ. Đó là ngày xưa. Đứa bạn thân thì lấy hoa gạo xâu thành chuỗi, nó đeo lên ngực giả làm vòng nguyệt quế. Vậy mà cũng thấy oai.

Tôi nhớ những buổi trưa đi học về mỗi đứa đói và mệt. Ngồi nghỉ và thở dốc. Đói đến độ được một bác đồng nát tốt bụng thương chia cho mấy đứa một chiếc bánh mì ca bột đen rắn đanh và hai múi bưởi. Ui chao! Vậy mà chia nhau thưởng thức giữa trưa hè, dưới gốc gạo cùng gia vị là gió sông Đà nữa mà cảm giác lúc đó ngon hơn bất cứ một món ăn của vị vua chúa nào….

Tôi nhớ tháng ba. Nhớ mùi vị cát dọc triền đê trên đường đi học về. Không giống như thứ cát vàng giòn của Nguyễn Tuân nơi đảo Cô Tô, cát Hòa Bình hiền, mềm mại, hạt nhỏ và dịu dàng lắm. Nhớ những buổi ôn bài giữa đám cỏ gà mọc lan man dọc triền sông. Rồi nhớ khoảnh khắc cùng đám bạn nhỏ bé huyện Kỳ Sơn nằm dài trên cát nói về ước mơ của mỗi đứa. Mơ màng và dịu ngọt cùng ráng chiều màu đỏ hắt xuống dòng sông Đà, hay lúc hăm hở cùng những cọng cỏ gà già nua, đanh lại mà dũng mãnh sẵn sàng xung trận giữa trảng cát mênh mang.

Những chặng đường đi học chúng tôi đã qua. Những niềm vui bồng bột và bất tận của tuổi trẻ. Những cái đói run rẩy những buổi trưa muộn. Những bước chân trên cát , những đôi dép cao su mỏng và dẻo dai của học trò như một đồng phục để giống anh bộ đội cụ Hồ, những giấc mơ lãng mạn xa vời được bay bổng trên chặng đường đi bộ đến trường…Tiếng cặp lồng cơm lách cách bên hông, cái nắng, cái đói, cái mệt của chặng đường đi bộ gần chục cây số…Cả những khi đò đông cùng cặp sách ngã nhào xuống dòng sông Đà đầy bùn đất…Tất cả không ngăn được bước chân đến trường. Bước chân tuổi thơ đi về phía khát vọng.

Sáng nay nhìn những học trò phất phới đầu tuần đến trường trong tà áo trắng bay bay…Những chiếc xe đạp điện lướt đi êm ru trên những con đường bóng láng, tôi bỗng nhớ về ngày xưa…Quá khứ vẫn vẹn nguyên như thủa ngày nào của một thời chúng tôi đi học. Cuộc sống và hành trình đến trường giờ đây đã đổi thay rất nhiều.. Song quá khứ vẫn là những thước phim đẹp trong dòng chảy cuộc đời của mỗi chúng ta. Những con đường nhỏ và gian lao song chứa đầy cảm xúc và hương vị cuộc đời. Để rồi giờ đây khi mái tóc đã điểm bạc, ta vẫn nhớ về ngày xưa với tất cả nỗi rung cảm trong veo như thửa lúa non đang làm hạt. Man mát và ngọt ngào. Ta lại muốn cúi xuống với ngày xưa, lại muốn nhịp chân dép lốp cao su cùng đám bạn thủa nhỏ ngày nào hăm hở đi về phía tương lai ….



 

Chị Lê Mai Thao 
Giáo viên trường THCS Lê Quí Đôn Thành Phố Hòa Bình
Xin chân thành cảm ơn chị!