Tác Giả:
Quê tôi có một món ăn rất đặc biệt, cứ nhà nào có cỗ là không thể thiếu món đó. Món ăn còn được “khách” gọi là đặc sản của Cổ Loa.
Nguyên liệu chính của món ăn là chuối xanh, nấu với xương sườn và gia vị chủ yếu là riềng.Tên gọi của món ăn thật đặc biệt “giả cầy”. Những ai đến Cổ Loa được thưởng thức món ăn này thì đều có ấn tượng và đều có cảm nhận là rất “khoái khẩu”.
Năm nay giỗ nội tôi, mẹ và bố đã lên danh sách các món ăn và tất nhiên móm “giả cầy” là không thể thiếu được rồi.
Chiều hôm ấy. Một buổi chiều lạnh giá. Cơn mưa sáng nay đem theo gió mùa Đông Bắc làm cho cái lạnh càng thấu xương. Mặc áo ấm mà tôi vẫn lạnh cóng cả chân tay. Sau khi dọn dẹp xong, mẹ bảo tôi cùng ra chợ với mẹ để xách đồ, chuẩn bị một số nguyên liệu trước để ngày mai làm giỗ. Chợ cách nhà tôi không xa nên hai mẹ con tôi đi bộ. Sau khi mua xong những thứ cần thiết tôi và mẹ xách làn ra về. Bỗng nhiên tôi thấy mẹ dừng lại bên đường. Một bà cụ già nua, tay nhăn nheo, các ngón tay nứt nẻ tím bầm. Trời rét thế này mà bà cụ mặc cái quần sa tanh cũ, cái áo bông đã sờn rách vài chỗ. Đôi bàn chân bà ướt nhoét và còn dính cả đất sét màu vàng. Bà nhìn mẹ tôi tha thiết:
- Chị mua riềng giúp tôi đi. Tôi bán rẻ thôi.
Thấy mẹ tôi ngập ngừng bà nói tiếp:
- Mua giúp tôi đi, riềng vàng ngon lắm tôi vừa đào xong.
Nhìn bà cụ lèm nhèm, hấp háy, môi bà tím bầm lại đang ru rẩy. Mẹ tôi đặ làn xuống và bảo:- Bà bán bao nhiêu cháu mua tất cho. Trời rét thế này sao bà không bảo con hay cháu bà đi bán cho.
Bà cụ vui sướng vì bán được hàng nên bà không để ý đến câu hỏi của mẹ tôi. Thế là bà tất riềng vào túi ni lông và đặt vào làn cho mẹ tôi. Cầm ba chục ngàn trong tay sau khi vừa bán được 5kg riềng bà cụ có vẻ sung sướng cắp cái rỗ đứng dậy đi về. Bước đi mà tôi thấy dáng bà liêu xiêu, dò dẫm trên con đường gồ ghề. Bà đi rồi tôi lền hỏi mẹ:
- Mẹ ơi vừa nãy con thấy mẹ mua riềng rồi mà sao mẹ lại mua nhiều thế, ăn sao hết hả mẹ?
Mẹ tôi bình thản trả lời:
- Hôm nay ăn không hết thì để sau cũng được con ạ, không hỏng đâu mà lo. Mẹ thấy bà cụ tội nghiệp quá nên mua giúp bà thôi.
Và thỉnh thoảng tôi thấy mẹ lại xách riềng về rồi lấp vào đống cát. Không cần hỏi tôi cũng biết là mẹ mua giúp bà cụ hôm trước. Tôi chợt nghĩ mẹ thật tốt bụng.
Thế rồi vào một ngày. Sau khi cơn mưa dầm kéo dài hàng tuần lễ mới dứt. Trời vẫn còn âm u và nặng trĩu nước. Tôi và mẹ đang sưởi lửa bằng bếp củi, trên bếp là nồi ngô nếp đang sôi sùng sục thơm nức. Bỗng tôi nghe tiếng gọi cổng:
- Cô Hoa ơi ra lấy riềng này.
Mẹ tôi chạy ra, tôi cũng ngóng ra theo. Một cô gái trạc tuổi mẹ tôi đưa ra một bọc riềng và nói:
- Bà Thái ở xóm Chùa có gửi cho cô riềng. Nói nhà cô hay ăn riềng nên bà nhờ tôi đưa cho cô. Bà cụ bị mệt.
Mẹ tôi có hỏi cô về địa chỉ của bà và nói sẽ gửi đến bà sau vì không còn tiền lẻ. Mấy ngày sau, trời tạnh ráo mẹ tôi đạp xe xuống xóm Chùa đến thăm một người bạn, tiện thể rẽ vào nhà bà Thái để trả tiền riềng. Khi hỏi thăm mẹ tôi mới vỡ lẽ bà vừa mất đêm qua. Qua lời kể của người hàng xóm mẹ tôi biết, bà sốn đọc thân con gái thì lấy chồng xa, gia cảnh nghèo khó chẳng mấy khi chị về thăm mẹ. Bà sinh sống bằng việc thỉnh thoảng bán riềng hay nhặt phế liệu trong những túi rác thải. Hôm đó sau khi đào riềng thì bà bị cảm lạnh và ốm. Do bị ốm quá nặng lại không có người chăm sóc kịp thời nên bà đã ra đi. Nghe đến đây tôi thấy mẹ tôi nghẹn ngào và từ từ rơi nước mắt.
Không hiểu sao mẹ tôi lại khóc. Mẹ đâu có phải người mau nước mắt. Vả lại bà có họ hàng gì với mẹ tôi đâu. Hay bởi tại mẹ nghĩ đến mẹ của mình? Hay tại bởi mẹ thương bà?...Tôi đặt ra hằng bao nhiêu câu hỏi. Tôi chỉ biết rằng sau ngày hôm ấy mẹ trở về chỗ đống riềng. Có đến hàng mấy chục kg riềng. Nhưng riềng đã mọc mầm. Mẹ đem riềng đi trồng vào vườn nhà. Chẳng bao lâu, riềng mọc lên xanh tốt. Mỗi lần ra vườn, tôi thấy mẹ lại lặng ngắm luống riềng. Từ mới khóe mắt mẹ lại ngấn lệ. Tôi thấy mẹ thật lạ.
Bùi Thị Bích Duyên
Lớp 6C-THCS Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội