Tác Giả:
Thuở bé, là những buổi sáng ngóng mẹ đi chợ về. Thế nào trong làn cũng có vài cái kẹo, chiếc bánh. Bố cho mấy trăm đồng lại ù té chạy ra quán tạp hóa gần nhà, lúc trở về mồm nhai tóp tép... Tuổi thơ tôi đã đi qua khá lâu. Đôi khi những ký ức về một thời thật đẹp ấy lại ùa về. Có khi chỉ là những thứ rất nhỏ bé mà ngày đó chẳng mấy khi tôi để ý đến. Một ngọn cỏ, một mùi hương, một âm thanh quen thuộc. Nhiều lúc lại muốn được ăn những chiếc bánh, những cái kẹo mà hồi nhỏ thỉnh thoảng mới được thưởng thức...Trong trí nhớ của tôi, có đến cả mấy chục loại quà ăn vặt khác nhau. Nhiều thứ giờ tụi trẻ con vẫn ăn. Nhiều thứ đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại trong hoài niệm của những thế hệ đã qua.
Đầu tiên là món kẹo cao su. Thời 9x chủ yếu là kẹo cao su Thái Lan vỏ kẹo có hình con vẹt. Đến đầu những năm 2000 thì có keo cao su Big Babol. Loại này ăn ngọt lịm. Mấy thằng tham ăn có khi bỏ cả hai ba chiếc vào mồm một lượt, nhai đến khi nào hết vị ngọt thì bắt đầu thổi bong bóng. Lại có trò thi thổi xem bong bóng thằng nào to hơn. Rồi cả cái trò quái ác, để bã kẹo cao su xuống bàn xuống ghế lừa anh chàng nào ngồi phải kẹo dính đầy quần. Có thằng để bã kẹo trong lòng bàn tay, đến bên thằng khác vỗ mạnh vào vai " khỏe không mày? ". Khổ chủ không tỉnh táo là trên vai áo đã dính cái bã kẹo to tướng.
Một món mà hồi bé tí hai ba tuổi, hầu như đứa nào cũng được thưởng thức : Phi la tốp. Phi la tốp là cái ống thủy tinh nhỏ, bên trong có chứa chất bổ uống rất ngọt. Hai đầu bịt kín, có cái khấc, khi nào uống bẻ khấc đánh " cậc" một cái là dốc phi la tốp và mồm mút ngon lành. Thằng nào còm nhom ốm yếu bảo đảm có một tuổi thơ mút phi la tốp tờn cả mồm luôn ^^
Hao hao giống phi la tốp, có mấy loại nước ngọt, đựng trong những chiếc vỏ nhựa nhỏ với đủ loại hình thù. Nào là hình hoa quả, hình con thú... Muốn uống thì cắt đầu vỏ ra mà mút. Cũng toàn là dụ trẻ con thôi chứ cái vỏ bé tí, mút một hơi đã hết nhẵn, uống chẳng bõ!
Kem thời đó có hai loại : kem que và kem bịch. Kem que thì có cái que (thường bằng tre) xuyên giữa thanh kem. Lúc ăn cầm que kem lên mút hoặc cắn. Kem bịch, nước kem lỏng đóng vào túi nilon nhỏ, lấy dây nịt buộc chặt lại, rồi cho vào tủ lạnh. Muốn ăn kem thì tháo dây nịt ra rồi mở miệng túi cứ thế mút dần cho đến khi sạch nhẵn.
Đa dạng nhất là các loại kẹo bánh, bày bán ở các cửa hàng tạp hóa hay ở đầu chợ. Mẹ, bà đi chợ thường mua mấy cái đem về cho các con các cháu. Bởi thế mới có câu ví " mong như mong mẹ đi chợ về".
Kẹo dồi chó. Sở dĩ nó có cái tên như thế vì nhìn rất giống miếng dồi chó. Kẹo có vỏ ngoài trắng, bên trong là nhân lạc và đường, ăn rất giòn, ngọt, ngậy.
Kẹo lạc, vị khá giống kẹo dồi chó nhưng không có vỏ trắng, mà toàn bộ là lớp nhân gồm lạc (đậu phộng), đường và vừng (mè) trộn lại với nhau. Ăn cũng rất giòn, ngọt, ngậy. Các cụ ở quê mỗi khi ăn kẹo lạc thường hay có ly trà đi kèm. Các cụ bảo ăn thế mới ngon. Tôi chẳng thích uống trà nên cũng chưa biết ăn vậy nó ngon như thế nào nữa. Dịp tết, kẹo lạc hay được bày biện cùng mứt tết để đãi khách, tụi trẻ con chúng tôi được dịp ăn xả láng luôn.
Kẹo vừng. Cái nhân thì giống lớp vỏ của kẹo dồi chó. Ngoài cùng phết một lớp vừng (mè) rất dày, ăn ngậy và ngọt.
Kẹo trứng chim, hình dáng và kích cỡ y hệt một quả chứng chim sẻ. Kẹo gói theo bịch. Thời bọn tôi 100 đồng 10 viên. Mua 500 đồng cũng đủ chia cả nhóm bạn. Vị kẹo giòn và ngọt giống vị kẹo dồi chó. Tết kẹo trứng chim bày đầy ra đĩa, ăn chán bọn trẻ chúng tôi có khi còn mang đi ném nhau chí chóe.
Kẹo kéo được làm thủ công bằng nguyên liệu chính là mật mía hoặc đường phèn. Kẹo làm thành một khối lớn, cho vào thùng gỗ rồi đi bán rong kiểu như bán kem. Người bán dùng vải lót tay rồi kéo kẹo dài ra cho đến khi được một thanh kẹo đạt kích thước phù hợp với giá tiền thì dùng ngón tay trỏ chặt một cái mạnh và dứt khoát lên thanh kẹo khiến nó gãy rời ra kèm theo một tiếng "rắc" rất thú vị.
Kẹo xốp, làm từ bột, rồi nướng qua, với đủ các hình dáng, từ hoa quả đến các con vật, kích cỡ nhỏ bằng ngón tay cái. Kẹo thường cho vào bịch nylon, bán theo ký hoặc theo cái.
Kẹo gôm là hỗn hợp gồm đường, bột, si rô dâu. Kẹo thường có màu đỏ như quả dâu chín, ăn tạo cảm giác sần sật trong miệng. Nhiều khi trên bề mặt kẹo người ta còn rắc rất nhiều hạt đường nên kẹo gôm rất ngọt. Đứa nào không hảo ngọt ăn vài cái là chán. Kẹo gôm thường làm thành hình tròn, hình hộp nhỏ bằng ngón tay cái. Có khi cho dính vào một cái que nhựa với hình dáng đao kiếm, thương kích, con vật..... để dụ trẻ con.
Kẹo Vitamin C thường làm thành hình trái tim, màu vàng cam, nhỏ bằng ngón tay út. Kẹo này vị chua chua ngọt ngọt. Ngày xưa thường người lớn mua để cho trẻ ăn bổ sung thêm vitamin C.
Cốm canxi, thường là 1 túi nylon nhỏ với những sợi như sợi mì tôm nhưng rất ngắn chỉ cỡ nửa đốt ngón tay, màu xanh đỏ tím vàng, ăn ngọt và ngậy. Thành phần chậm biết đi như tôi (26 tháng mới biết đi), cứ mỗi lần qua chợ bố tôi mua cho cả bịch ăn mệt nghỉ.
Bánh quế làm bằng bột, tráng tròn mỏng như chiếc bánh đa nem dùng để quấn chả. Bánh rất xốp và thấm nước. Đưa bánh vào miệng một lát là miếng bánh đã mủn nhũn cả ra. Ở quán tạp hóa người ta thường bán một xấp 20 cái. Món này chỉ tụi con gái là khoái thôi chứ con trai bọn tôi không chuộng cho lắm.
Bánh rán là loại bánh bán rất phổ biến ngoài chợ. Tùy theo hình dáng và hương vị của bánh mà gọi theo những tên khác nhau. Bánh rán dẹt, bánh rán tròn, bánh rán mặn, bánh rán đường
Bánh chưng nhỏ bán ở chợ khác với bánh chưng làm dịp tết bởi kích cỡ nhỏ và gói đơn giản hơn rất nhiều. Người ta cũng chẳng lấy lá dong gói bánh mà lấy lá chuối thay thế. Ruột bánh to cỡ nắm đấm còn ngoài là lớp vỏ to vật vã. Bởi vậy người ta mới nói "một tiền quà, ba tiền lá".
Bánh nếp có vỏ ngoài bằng bột nếp, nhân đậu xanh có thể cho thêm một vài miếng thịt ba chỉ. Loại bánh này ăn ngon và ngậy, là một trong những món tôi rất khoái hồi bé.
Bánh đúc làm bằng bột gạo, bên trong bánh có thể thêm nhân dừa, thịt ba chỉ. Bánh đúc thường ăn kèm với mắm tôm, mắm cáy, vị rất ngon, ăn nhiều mà không ngán.
Bánh khảo, làm từ bột gạo và đường. Nhân có thể cho thêm ít bột đỗ xanh. Loại bánh này ăn không ngon cho lắm. Bột gạo lại khô tơi lên mỗi lần cho vào mồm là bột dính đầy họng, khó nuốt. Không ra làm vài ngụm nước có mà nghẹn chết.
Bánh nướng, vỏ ngoài bằng bột ngũ cốc, nhân bên trong thường gồm thịt mỡ, đậu xanh và lạc (đậu phộng) sau đó nướng chín. Bánh này ăn ngon nhưng khá ngấy. Cao thủ thì cũng chỉ ăn hai cái là chán ngắc ngoải.
Bánh đậu xanh làm từ bột đậu xanh và các hương liệu khác. Bánh ngon và ngọt. Thường thì bánh đậu xanh từ Hải Dương là thơm ngon hơn hẳn cái vùng khác.
Bánh phồm tôm, làm từ bột tôm và bột gạo. Bình thường phải chiên cho bánh chín và nở ra thì mới ăn được. Cơ mà nhiều lúc đói, lắm thằng ăn tuốt cả bánh phồng tôm sống luôn.
Bánh tráng (bánh cuốn), làm từ bột gạo, thêm hành phi, mỡ lợn... ăn khá ngon. Bánh tráng ở quê xưa làm thủ công, tráng dày và ngon hơn hẳn bây giờ. Không phải chém gió chứ hồi bé tôi ăn được cả ký. Bánh tráng giờ làm bằng máy, gạo ngâm cho nở ra để làm nhiều bánh hơn, tráng bánh lại mỏng dính nên dễ bị chua và không ngon như trước kia. Có lần tôi ra quán mua một ký mang về ăn. Ăn chưa được một nửa đã chán tận cổ rồi ^^
Bánh đa, quê hay gọi là bánh đa quạt vì muốn ăn phải nướng bánh qua than, vừa nướng vừa lấy quạt nan phe phẩy cho bánh chóng chín. Ngoài loại bánh đa vừng, còn có bánh đa quế màu đỏ nâu, người ta hay cuộn lại rồi nướng chín sẵn, ăn thơm ngon tuyệt vời luôn. Ngồi bàn nhậu mà có bánh đa quế đảm bảo tôi ngồi bẻ ăn bằng sạch.
Bánh giò nguyên liệu chủ yếu cũng là bột gạo, thêm mỡ lợn, hành , có khi thêm vài miếng thịt ba chỉ rồi bọc lại bằng lá chuối. Bánh ăn rất ngậy nhưng cũng khá chóng ngán vì mỡ lợn nhiều.
Oản chùa là món bánh hay được bày biện trong các mâm lễ đền chùa. Lễ xong thụ lộc, chùa thường chia lộc cho người dâng lễ hoặc người tới cúng bái ăn để lấy may. Oản có hai loại, một là bánh khảo bọc ngoài bằng giấy nylon màu xanh đỏ tím vàng. Hai là oản xôi, cho xôi vào khuôn đúc ra hình oản, thường là hình cái chuông nhỏ.
Bỏng ngô đơn giản là ngô rang cho nở bung ra, có thể thêm chút đường hóa học cho ngọt. Bỏng có hai loại. Một là ngô rang cho bung hết vỏ ngoài. Hai là dùng máy nghiền nhỏ rồi ép thành hình ống, bọn trẻ con hay gọi là "phòng phành". Bỏng ngô hút ẩm nên làm ra phải ăn ngay hoặc phải bọc thật kín chứ để lâu ngoài không khí mủn hết mất cả ngon.
Thạch thường bày bán nhiều trong các lễ hội ở quê hoặc mùa hè oi bức. Thạch làm từ các loại lá, rau câu... thêm đường và một số gia vị khác tạo thành một chất lỏng sền sệt, ăn ngọt và mát, dùng để giải khát rất tốt.
Tò he là loại bánh dân gian, làm từ bột gạo hoặc bột đỗ. Người ta nấu chín rồi nhuộm bột thành nhiều màu khác nhau, mỗi màu cho vào một bịch riêng, sau đó nặn thành rất nhiều hình dạng màu sắc như các nhân vật trong Tây Du Ký, hình thanh đao, thanh gươm... cắm trên một cái que nhỏ. Tụi trẻ con mua về chơi, chơi chán có thể cắn tò he ăn ngon lành.
Còn những món ăn vặt khác nữa mà tôi chưa nhớ ra được. Nhưng chỉ nhiêu đây thôi cũng đủ cho chúng ta quay trở về một tuổi thơ đầy kỷ niệm, với những ngày đến trường, rồi la cà cùng bạn bè vào mấy quán tạp hóa. Cùng chia nhau từng chiếc kẹo, miếng bánh ăn với nhau ngon lành.
Đơn giản vậy thôi mà biết bao giờ ta mới được gặp lại. Thời gian cứ đi mãi chẳng chờ đợi ai. Giờ đây đã trưởng thành, có một cuộc sống khác xưa, có lẽ tuổi thơ, chỉ còn có thể coi nó như những hoài niệm, của quãng thời gian đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Nguyễn Đương