QUÊ HƯƠNG ĐỔI MỚI (1)

DS Bài Viết

Tác Giả:

Tôi sinh giữa những năm 1980 ở một vùng nông thôn miền Bắc – quê hương chị Hai năm tấn. Hơn 10 năm đất nước độc lập thống nhất, nét đổi mới dần thể hiện rõ hơn trên từng vùng quê.
Đã qua rồi cái thời người ta vừa làm việc ngoài đồng vừa phải canh chừng máy bay giặc, rồi phải chứng kiến những cảnh loạn lạc đau thương. Đất nước thanh bình, mọi người cùng bắt tay vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước.
 
Quê tôi khi ấy ngập tràn âm thanh và màu sắc. Màu xanh của cây lá, màu vàng của rơm thóc.. tiếng chim, tiếng ve… Tiếng gọi nhau ra đồng í ới.. , tiếng bò ụm ò…tiếng máy cày…. Và cả tiếng cóc, ếch, ễnh ương kêu râm ran những ngày mưa tầm tã.
Cuộc sống khi đó tuy bình dị, vất vả nhưng thật đẹp và đầy kỷ niệm. Bọn trẻ tụi tôi chẳng thiếu gì thứ để chơi. Mùa xuân chơi đánh đáo, bắn chim, đá nịt… Phải mấy ngày mưa rét thì ngồi quây quần bên nồi khoai luộc, ngô rang đánh tú lơ khơ, chơi bài tam cúc. Mùa hè nhiều thứ để chơi nhất. Thả diều, đi bắt tổ chim, tổ ong, ra đồng bắt cào cào, bắt cua, bắt ếch, câu cá rô… Mùa thu, mấy anh thanh niên làm những con diều sáo to bự thả ngoài đồng… Mùa đông lạnh, đi bới khoai lang đem nướng…
Cây cối mọc um tùm khắp làng. Ao chuôm, bờ tre rất nhiều nhà có. Cá cua, ếch nhái luôn có sẵn, chịu khó đi một buổi ra đồng, quanh mấy bờ mương là có bữa thịnh soạn.
Thời đó quê tôi còn chưa có điện, vẫn dùng đèn dầu. Nhà nào sang thì có đèn măng-sông. Không có điện thành ra tối tối nhà nào cũng đi ngủ sớm. Trong làng mấy nhà có điều kiện thì có tivi đen trắng, đài cát xét chạy bằng ắc quy. Hôm nào có tivi chiếu , mọi người lại đến xem ngồi kín cả nhà. Mãi đến đầu những năm 1990, điện mới về đến quê.
Ngày đó, ở quê cuộc sống chẳng dư dả gì . Nhiều nhà còn khốn khó, chạy ăn quanh năm, với một mái nhà rạ, tường trát bằng rơm và đất. Một năm vẫn có vài ba tháng phải ăn cơm độn, ngô bung. Cơm thì thường độn với khoai lang, sắn tàu. Ngô đem rửa sạch rồi cho vào nồi bung, kiểu như mấy món hấp bây giờ… xúc ra bát. Ai thích ăn đường thì cho đường, ai thích ăn muối thì cho muối…
 
Thịt lợn, thịt gà lâu lâu được một bữa. Thịt gà thì không nói, chứ thịt lợn mua về cũng độn đủ thứ. Nào su hào, củ cải…. Cái thằng háu ăn như tôi nhiều khi bới tung cả chục miếng su hào mới gắp được miếng thịt để ăn ^^
Việc đồng áng dùng sức người là chính. Cày bừa thì có trâu bò, lâu lâu có máy cày của Hợp tác xã. Lúa gặt về, xoắn mỗi lượm vào một cái lèo, rồi đập vào trục đá cho văng hết hạt thóc ra. Nhưng như thế thóc vẫn chưa văng hết. Rơm lại được san đều ra sân, dùng trục đá lăn qua lăn lại đến khi sạch thóc mới thôi.  Rơm nếp dài và chắc, bà thường giữ lại để bện chổi.
Cuộc sống hơn 10 năm sau chiến tranh tuy còn nhiều khó khăn cực nhọc, nhưng mọi người đều rất vui vẻ hăng say lao động sản xuất, cố gắng phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn. Ngày ấy mọi người sống với nhau đầy tình làng nghĩa xóm. Chẳng mấy nhà làm cổng, mà có làm cũng chỉ làm cho có lệ để phân chia phần đất của mình. Cổng làm bằng mấy cây tre gác ngang gác dọc đơn sơ. Nếu muốn vào nhà, đẩy mạnh cái có khi cổng bung đằng cổng. Vậy mà thôn xóm rất hiếm khi mất trộm, mất cắp.
 
Mới thoát ra khỏi thời kỳ bao cấp nên việc buôn bán cũng chưa phát triển. Chợ quê họp phiên tháng 6-7 lần. Ai có gì bán thì mang ra chợ. Gà, vịt, lợn con, hoa quả, rau dưa… thưa thớt mấy cửa hàng bán tạp hóa, quần áo…
Dân quê nhiều khi tiền chẳng có nhiều, đi chợ mang cả thóc, ngô đi đổi hàng. Bọn trẻ tụi tôi thỉnh thoảng người lớn cho mấy trăm đồng là lại chạy tót ra quán, mua pháo tép, mua dây nịt, mua kẹo kéo, kẹo dồi chó… ăn chơi với nhau.
Nhắc đến cái ăn mới nhớ 2 món kẹo kéo và kem mút. Mấy bác bán kẹo kéo thì để cái thùng lên gác ba ga xe đạp, vừa đi vừa rao “ Ai kẹo kéo đê”. Mấy bác bán kem cũng làm cái thùng gỗ như thế, nhưng ko cần rao, mà sắm cái còi hơi vừa đi vừa bóp kêu inh ỏi….
Hồi đó nhà nước cũng không có cấm pháo như bây giờ. Đám cưới, đám hỏi, tết nhất đốt pháo râm ran. Nhiều khi đốt pháo không cần lí do. Thích là đốt. Pháo thì ôi thôi đủ loại, từ cỡ lớn như pháo đùng, pháo cuộn (người ta mua giấy đã viết rồi, đem về nhồi chặt lại, nhét thuốc pháo vào giữa), pháo tràng, pháo tép, pháo giật, pháo đập, pháo thăng thiên… Ngày tết, nhất là đêm giao thừa, bầu trời sáng rực, râm ran tiếng pháo, đến là vui! 

Thoắt cái đã gần 30 năm trôi qua. Cuộc sống giờ thay đổi nhiều quá! Sung túc hơn. Nhưng cũng nhiều thứ dần dần mất đi. Của cải vật chất dư dả, nhưng mọi người không còn sống cởi mở chan hòa như trước. Trộm cắp tệ nạn nhiều hơn. Trẻ con bây giờ ít thứ để chơi. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ đồ chơi nhựa, đồ chơi điện tử , chơi game ngoài quán net. Những hình ảnh thân thuộc hồi bé, những thứ hồi nhỏ bọn tôi vẫn thường chơi, có khi chẳng còn thấy lại bao giờ ………….

                                                                                            Nguyễn Đương
                                                               (Hình ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm trên internet)