QUÊ NGOẠI

DS Bài Viết

Tác Giả:

Gần nhà xa ngõ, trong hoàn cảnh của tôi, các cụ phán cấm có sai! Nhà ông ngoại cách nhà tôi không xa. Chỉ khoảng bốn năm cây số thôi. Khổ cái lại khác tỉnh. Tôi ở bên này Thái Bình, quê ngoại ở bên kia Hưng Yên, ngăn cách nhau bởi con sông Luộc, là cầu nối giữa sông Hồng và sông Thái Bình. Thế nên dù muốn sang bên ông chơi lắm nhưng hồi còn bé, có bố mẹ đưa đi mới được đi, thành thử hai ba tháng tôi mới sang bên kia sông chơi một lần.
 


Thuở bé, qua sông sang quê ngoại, vẫn thường ngồi những con đò nhỏ đóng bằng gỗ, chèo đò bằng mái chèo. Bước chân xuống con đò nhỏ chật hẹp thấy chòng chành ghê lắm. Thằng bé như tôi nhìn đáy đò nước rỉ cả vào đến nửa gang thấy ghê ghê. Lỡ đò chìm thì toi. Sợ nhưng chẳng dám nói ra, thấy mọi người đi đò bình thường nên cũng cố gắng trấn tĩnh.

Tôi vẫn nhớ hồi đó vé đò, đi người không thì 100 đồng. Có xe đạp thì 200 đồng. Đi xe máy thì 300 đồng. Đủ quân số trên đò, bác lái đò liền khua mái chèo chở khách qua sông. Những người không bắt kịp chuyến đò này đành phải đứng trên bờ chờ chuyến đò sau vậy.
 


Cái thằng khá nghịch như tôi, lúc ngồi đò toàn thò tay xuống sông khuấy nước rồi chém nước bủm bủm. Những lúc ấy thế nào cũng bị bố túm cổ lôi lên không lộn cổ xuống nước. Có khi tay còn thủ sẵn mấy viên ngói vỡ, ném chéo trên mặt sông xem văng đi được bao nhiêu gợn sóng, nghịch hết chỗ nói.

Bước từ dưới đò lên, khung cảnh quê ngoại đập vào mắt tôi là cả một bãi mía dài bao la. Mía trồng ở bãi ven đê rất nhiều loại. Có loại thân màu nâu tím, đốt ngắn và mập mạp. Có loại thân màu xanh vàng, dóng mía dài và khẳng khiu. Mía nhiều thế này nhai có sái cả quai hàm.. tôi lẩm bẩm. Thân mía cao, nhiều lá. Cả một khoảng bãi chẳng rộng lắm, chỉ cỡ hai trăm mét nhưng do lá mía che hết tầm nhìn nên thấy thật hoành tráng!
 


Đi hết bãi mía, bước lên bờ đê là một rặng nhãn lồng cây to cao, ôm theo hai bên bờ đê chạy suốt tưởng chừng không biết đâu là điểm dừng. Ngay bờ sông lên dốc đê là một ngôi miếu nhỏ, nằm giữa rặng nhãn um tùm, bà ngoại tôi vẫn thường hay ra trông coi hương khói. Hưng Yên nổi tiếng với cây nhãn mà. Quê ngoại tôi hồi đó dân cư còn thưa thớt, không đông như quê nội. Nhà nào vườn cũng rộng, ao chuôm nhiều. Tôi thường được bố mẹ cho sang chơi khoảng một tuần vào dịp nghỉ hè, cũng đúng vào mùa nhãn. Bước vào sân chào ông bà và các bác xong là tôi phi ngay vào mấy đống nhãn để cuối nhà ngay!
 


Bác tôi làm nong nhãn sấy. Quả nhãn chín, bẻ cả chùm xuống, nhãn được xếp gọn gàng vào từng cái nong to rồi bỏ vào lò sấy. Sấy nhãn khô thì bóc ra lấy phần thịt người ta gọi là nong nhãn. Nhiều nhãn quá, người nhà bóc không hết, phải đi thuê người ngoài bóc. Bởi vậy cứ mỗi mùa nhãn, cánh học sinh được nghỉ hè lại đua nhau đi bóc nong nhãn thuê. Hai ba trăm đồng một ký nong, đứa nào chịu khó bóc, mỗi tháng kiếm cả trăm ngàn chứ chẳng chơi! Nong nhãn có thể ăn, làm thuốc hay ngâm rượu rất tốt. Tôi chẳng quan tâm. Trước hết phải làm vài chùm nhãn ăn cho đã đời đã. Ăn chán chê bắt đầu tham gia cuộc vui cùng các anh chị con bác và đám bạn hàng xóm.
 


Nói đến nhãn, phải nghĩ ngay đến cái món " tơ hồng" , một loại cây leo thường sống ký sinh trên tán nhãn. Hồi đó mỗi cây nhãn thường gánh trên thân cả đám tơ hồng chằng chịt, cắt đi không hết. Nó lây lan nhanh chóng mặt từ cây này qua cây khác, vàng óng hết cả tán cây nhãn. Trẻ con bọn tôi thì quan tâm gì đến tác hại của tơ hồng, chỉ khoái rút dây tơ hồng vụt nhau túi bụi, rồi ném nhau cho dây quấn loằng ngoằng hết quanh người.
 


Con đường nhỏ vào nhà ngoại hai bên hai hàng hoa dại, tôi cũng chẳng biết là loại hoa gì. Hoa đỏ và đẹp. Lúc hoa nở thu hút lũ bướm kéo về, cái ngõ cũng trở thành tụ điểm bắt bướm của tụi tôi. Chẳng cần đồ đạc gì, bắt bướm bằng tay không luôn. Rình cho con bướm đang mải mê hút mật hoa, tôi rón rén lại gần, nhanh tay chụp cái bập một cái, chú bướm xinh xắn đã bị túm sống, bị hành hạ đến te tua.
 


Phải công nhận ao chuôm hồi đó nhiều cá thật. Nhất là cá rô và cá sọi cờ. Nhiều đến nỗi mấy thằng láu cá đem buộc ba bốn con giun vào sợi chỉ làm mồi câu, cá tranh nhau cắn, giật lên một lần có khi hai ba con cá sọi cờ cùng mắc câu. Tụi cá rô giật mồi mạnh lắm. Câu bằng sợi chỉ đảm bảo đứt mồi ngay. Phải dùng dây câu là sợ cước, đầu buộc lưỡi câu mới giật nổi tụi nó. Đi loanh quanh một buổi, đảm bảo có nồi cá sọi cờ hay cá rô rán ngon lành.
 


Chán câu cá trong ao thì đến tiết mục câu cá ngoài sông. Sông Luộc mùa nước cạn rất nhiều tôm, cá mương và cá ngạnh. Trong mấy loại này câu tôm là mệt nhất. Bọn tôm nước sông nhiều phù sa nên thờ ơ với mồi, thường là con giun đen buộc vào sợi chỉ, gắn với cái cần trúc nhỏ. Chờ tụi nó cắp càng vào mồi thì từ từ kéo lên. Phải cái anh ham ăn còn đỡ, chứ đang kéo gần lên đến bờ, nó buông càng ra là công toi. Bọn tôm giật cần một cái thật mạnh thì không được vì nó sẽ buông càng ra chắc luôn, thế nên cứ phải kéo cần lên từ từ.
 




Lũ cá ngạnh nhìn cũng hao hao cá trê, nó có hai cái vây rất cứng ở gần mang, đánh vào người đau đến buốt cả óc. Anh con bác tôi lớn đầu học cấp hai, giật con cá ngạnh lên chẳng may bị nó đánh vào tay, còn khóc om sòm chạy thẳng về nhà méc mẹ ^^ . Quê sẵn cá, người ta chẳng mấy khi ăn cái loại cá ngạnh không ngon lành này. Mấy anh em tôi có buổi hì hục câu cả hũ cá ngạnh mà về bác lại đem đổ nấu cám cho lợn ăn... phí cả công.
 


Tiết mục tắm sông cũng khá là thú vị. Mấy cao thủ lớn đầu thường học cuối cấp hai, cấp ba thì rất chi là máu chiến, bơi tuốt ra giữa sông. Có anh bơi qua sông sang bờ bên kia bẻ trộm ngô, gói vào áo, buộc lên người rồi lại bơi về đến là liều. Thằng nào chưa biết bơi thì kiếm cây chuối hay khúc gỗ to, bám vào rồi lấy hai chân khươ nhặng xị dưới nước tập bơi. Tôi bơi kém, nhát gan nên chỉ dám bơi mon men gần bờ, cùng lắm cũng chỉ bơi ra xa chừng ba bốn mét. Đã thế nhiều khi còn bị mấy ông lớn đầu lặn xuống túm rút chân, giật mình, hết cả hồn!
 


Mùa hè, tổ chim, ve sầu, chuồn chuồn, sâu si nhiều vô kể. Thích nhất là đi bắt đám chuồn chuồn ngô. Chuồn chuồn ngô rất to, bằng cả đốt ngón tay cái. Mấy thằng chưa biết bơi hay để chuồn chuồn cắn rốn. Tôi cũng thử một lần mà bơi vẫn kém, chẳng khá lên tí nào. Sâu si xanh (bọ cánh cứng bằng ngón tay cái, màu xanh) thì vào ruộng đay dưới đồng bắt, mang về buộc sợi chỉ, làm cái guồng cho nó quay tít mù. Sau cơn mưa to, ruộng đọng nước, cả bọn đi tìm những vũng nước đục để bắt lũ cà cuống đem về nướng ăn...
 




Thoắt cái một tuần đã trôi qua, bố mẹ sang chơi đón tôi về, để cái thằng tôi trong sự tiếc nuối... Giá như được chơi ở đây lâu hơn nữa thì thích nhỉ. Và rồi nửa ngày sau, tôi đã có mặt ở nhà, chém gió với lũ bạn về những cuộc vui bên quê ngoại, nhiều khi khiến tụi nó há hốc mồm kinh ngạc lúc tôi chém gió quá đà ^^.



 
Nguyễn Đương