THỊT CHUỘT ĐẤT

DS Bài Viết

Tác Giả:

Nói ra thì nhiều người sẽ cảm thấy hơi ghê ghê, nhưng đó là món khoái khẩu của tôi thuở bé đấy. Quê tôi những năm chín mươi, cây cối bờ bụi, ao chuôm rất nhiều. Hầu như nhà nào cũng có vườn ao chăn nuôi. Chẳng mấy nhà làm tường bao quanh, chỉ lấy vài cây tre, cây gỗ nhỏ hay trồng bụi mây, bụi duối phân chia ranh giới. Chính vì địa hình khá thuận lợi cho việc sinh sống như vậy nên chuột nhiều kinh khủng. Chuột nhắt, chuột đàn, chuột chù, chuột đất.... cứ tối đến là bọn nó chạy loăng quăng khắp vườn khắp nhà.

Chuột nhắt, nghe cái tên đã thấy là bé rồi. Cùng lắm chuột nhắt chỉ to bằng ngón chân cái. Vì bé tí như thế nên chuột nhắt khoái sống trong nhà, đục lỗ hoặc chui rúc vào đồ đạc hay các vách tường. Nhìn thì bé vậy thôi chứ cũng phiền phức lắm. Bọn nó cắn quần áo đồ đạc, thóc gạo, đã thế còn tè bậy khắp nơi, khai mù.

Chuột đàn thường sống trên cánh đồng. Hết mùa gặt hái ngô khoai, bọn nó đói ăn mò về làng. Chuột đồng nhanh như sóc, lại thường di chuyển nay đây mai đó. Đặc biệt bộ môn leo trèo của tụi nó thì quá đỉnh, hầu như chỗ nào cũng chui vào được.

Cái ông chuột chù hôi rình, đi đến đâu là kêu ầm ĩ. Do chỉ ăn sâu bọ không phá hoại đồ đạc, lúa ngô nên người ta cũng chẳng để tâm. Trừ khi tụi nó chui vào nhà, sợ hôi rình thì mới tìm diệt thôi.

To nhất hội phải kể đến mấy gã chuột đất. Trung bình cũng phải cỡ năm sáu lạng. Có con cả kí lô. Con chuột đất to nhất mà tôi được nhìn thấy cũng gần một ký ba lạng, suýt soát bằng một con mèo nhỏ. Con nào con đấy đen sì, lông lá dài và xù lên. Lại còn cái kiểu kêu khịt khịt y như con lợn con ụt ịt. Chỉ cần nghe tụi nó kêu là người ta biết ngay chỗ đó có chuột đất rồi.

Gọi là chuột đất vì tụi nó hay đào hang rất sâu để ở. Mỗi lần đào hang đùn cả đống đất bự ra ngoài. Chuột đất thường đào hang ở bờ ao, bụi cây, và có tập tính rất riêng, là tụi nó hay di chuyển theo một con đường cố định. Trừ khi thấy đường di chuyển bị chắn ngang, bị đe dọa như có dấu vết người hoặc mèo, còn không tụi nó cứ theo con đường đó đi kiếm ăn rồi trở về hang.

Mảnh vườn trước nhà tôi thường trồng khoai, vườn sau thì trồng lúa. Bờ ao bốn bên cây bụi, cỏ dại mọc um tùm, là chỗ ở khá lí tưởng cho bọn chuột đất. Chẳng cần phải tìm. Cứ thấy đống đất to tụi nó đùn ra sau khi đào hang là biết chắc trong hang thể nào cũng có ít nhất một chú trong đó rồi.

Ông nội tôi làm một cái bẫy chuột bằng tre theo kiểu của người dân tộc, dạng bẫy kẹp. Thân bẫy là một cây tre đực nhỏ, uốn cong theo hình cây cung. Bên dưới làm một cái khung hình tam giác, có một cái kẹp to cũng bằng tre. Khi đặt bẫy, ông dùng lực tay kéo thanh kẹp lên, rồi giữ nó bằng một đoạn dây dù buộc đầu một chiếc que nhỏ. Chuột đất khi thấy chiếc bẫy ngáng đường đi, nó sẽ trèo lên rồi chui qua, chạm vào làm bung đoạn dây dù ra, thanh kẹp lập tức sập xuống kẹp cứng con chuột.
 


Thường buổi chiều, ông ra bờ ao quan sát, thấy dấu chân tụi chuột đất đi nhẵn thín cả mặt đất, ông sẽ đặt bẫy vào đấy, bẫy có một đầu nhọn cắm xuống đất để giữ chắc chắn, rồi về nhà chờ đợi.

Buổi tối, đang trong nhà tự nhiên tôi nghe đánh "cạch" một cái rõ to. 

- Bố ơi chuột dính bẫy rồi!

Bố tôi chẳng nói chẳng rằng, cầm đèn pin ra vườn xem. Quả thật đúng là trong bẫy, chú chuột đất to bự đang kẹt bụng vào đó. Nó cố gắng giãy giụa, nhe răng kêu khịt khịt đe đọa. Thường thì nếu sau khi bẫy sập, ra gỡ chuột còn sống, chứ để vài tiếng bị kẹp mạnh là con nào cũng hồn lìa khỏi xác. Bố gỡ con chuột ra rồi bỏ vào một cái lồng sắt nhỏ. Tôi xách ngay về đưa cho bà.
 


- Bà ơi, sáng mai bà lại thịt chuột cho cháu ăn nhé!

Bà mỉm cười, ừ một tiếng thật hiền từ. Trước giờ bắt được con chuột đất nào bà chẳng làm cho cháu ăn. Thằng cháu háu ăn của bà mà. Nhiều hôm chuột đến đêm mới dính bẫy, vô tình có con mèo đói đi qua xơi hết quá nửa con chuột, sáng cháu khóc tu tu vì tiếc. Có lần xui xẻo bẫy dính cả mèo hàng xóm, có lần bắt được cả con cầy già, bà đem ninh, tôi nhai đến sái cả quai hàm vì bì da nó dày quá. Có lần vớ phải con chuột đất to và khỏe, nó còn lôi bẫy đi cả mấy chục mét trước khi cứng đờ vì bị kẹp hết cả hơi.
 


Sáng ra, bà lại đống rơm rút một ít để thui chuột. Cầm cái chày đập đầu con chuột đất đánh "bốp" một cái, chú chuột quy tiên. Bà chất rơm lên người nó rồi châm lửa. Mùi lông, da cháy khét lẹt, thơm thơm. Lúc lông con chuột cháy hết, da từ trắng chuyển sang vàng ươm, bà đem chuột ra cầu ao mổ.
 


Chế biến món chuột đất, bà chỉ lấy thân chuột. Đầu, đuôi và bốn chân vứt bỏ. Nội tạng chỉ lấy tim gan còn lại cũng bỏ đi. Bà chặt chuột thành từng miếng nhỏ, đem om bóp các loại gia vị : riềng, xả, chút mắm tôm, chút mẻ, mắm muối để làm món giả cầy, là món tôi thích ăn nhất.
 


Khỏi phải nói, thằng bé ngồi ngoài sân, nghe mùi thịt chuột đang nấu trong bếp tỏa ra thơm lừng, nước miếng cứ gọi là chảy ra không ngừng. Chỉ mong sao đến giờ ăn cơm cho nhanh. 

Bữa cơm bà bê nồi thịt chuột lên. Tôi thò tay mở ngay cái vung xoong. Làn khói tỏa hương thơm của gia vị, mùi đặc trưng của thịt chuột. Cả nhà thì hình như không nghiện món này lắm. Càng tốt, tôi được ăn thả ga.
 

Suốt một thời gian dài ông thường bẫy được chuột đất to, thằng cháu ăn không biết chán. Có hôm bà ốm, mẹ thì sợ chuột không dám làm, phải đem cho hàng xóm. Tôi khóc om sòm bắt đền. Đến bữa cô Hơn hàng xóm múc mang sang cho một bát là nín ngay, thằng bé giữ khư khư bát thịt chuột không cho ai ăn cùng, một mình ăn một mạch đến hết sạch chỉ còn trơ lại những lát riềng. Năm học lớp chín, bà mất, dường như món thịt chuột đất nó cũng bỏ tôi mà đi....

Đã rất lâu rồi, không còn được thưởng thức món thịt chuột. Nhớ lại bỗng dưng thấy thèm quá. Ở chốn thành thị này, biết tìm món chuột đất nấu giả cầy ở đâu bây giờ?




 
Nguyễn Đương