THỜI THƠ ẤU

DS Bài Viết

Tác Giả:

Tôi có thể nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu từ lúc hơn ba tuổi. Còn trước đó thì chịu thua. Có xới tung hết cả bộ nhớ cũng không sao nhớ được.

Ấy vậy mà đứa em tôi, khi ngồi ăn cơm với gia đình, nó kể vanh vách : “ Hồi con còn bé con nhìn thấy đám cưới của bố mẹ đấy. Mẹ mặc bộ áo cô dâu có cái khăn trùm đầu màu trắng..”, làm cả nhà suýt cười phụt cả cơm ra ngoài.

Hồi bé tí tôi chẳng có cái ảnh chụp nào. Thấy mẹ bảo có một cái ảnh đen trắng nhỏ, chụp hình tôi lúc hơn một tuổi, mà ai lấy đi mất rồi. Nghe nói hồi bé tôi mũm mĩm lắm. Mỗi tội chậm biết đi…bố mẹ tôi thì tìm đủ các loại thuốc. Bà nội tôi thậm chí còn đi chợ mua cá quả về đâm vào đầu gối cho chóng biết đi. Chậm biết đi nhưng nhanh biết nói, cứ ngồi đầu hè leo lẻo cái mồm, hát hò luyên thuyên đủ thứ… Rồi thì riết cũng biết đi. Những tận hai mươi sáu tháng. Kể ra cố thêm khoảng gần năm nữa là cân bằng kỷ lục ba năm mới biết đi của Thánh Gióng rồi nhỉ. Nghe mọi người kể vậy, tôi cũng chỉ biết có vậy.

Căn nhà ba gian chắc chắn, khang trang ông nội tôi xây từ cuối những năm bảy mươi. Quê khi đó, khoảng hai phần ba số hộ đã có nhà ngói ba gian, còn lại là nhà xây nhỏ, hoặc nhà tranh, tường làm bằng bùn pha rơm rạ. Cuộc sống mấy năm đầu sau khi tôi sinh ra, còn rất vất vả. Nhà nào khá giả thì gọi là đủ ăn. Những hộ kém hơn thì chạy ăn từng bữa.
 

Ông tôi lúc ấy chữa xe ba gác cho xóm. Xe ba gác đóng bằng gỗ, dùng cho bò kéo, hoặc kéo bằng tay, để chở đồ, chở thóc lúa ngô khoai. Ông tôi khéo tay, lại cẩn thận nên đông khách lắm. Bố mẹ tôi khi ấy mở tiệm làm bún. Hồi đó chẳng có máy móc gì, toàn làm bằng tay. Đầu tiên dùng cối đá xay bột cho mịn. Rồi đem vào cối giã bột cho nhuyễn, sau đó cho vào nồi đun và dùng cái vắt bún vắt sợi bún ra. Thằng bé háu ăn như tôi, lúc mẹ vắt bún lại loanh quanh nồi bún, làm một hai bát lửng dạ mới lượn đi chỗ khác chơi.

Làm xong mẻ bún, mẹ tôi cho vào thúng, rồi rảo đi khắp xóm bán. Mua bún, người thì trả tiền, có người thì trả bằng thóc gạo, bằng ngô…

Đến năm tôi hơn ba tuổi thì bố mẹ tôi không làm bún nữa. Mẹ tôi làm ruộng, còn bố tôi thì chuyển sang sửa xe đạp tại nhà. Làng quê nghèo, xe đạp còn ít lắm. Nhà nào khá giả thì có con xe Phượng Hoàng của Trung Quốc. Nhà bình dân thì có xe Thống Nhất. Trên khung nhiều chiếc xe Thống Nhất vẫn còn biển số từ thời bao cấp để lại. Cỡ đại gia thì có xe máy Cub, xe đạp Mifa của Đức hay xe Pha Vô Rít của Tiệp Khắc cũ. Chiếc xe đạp quý giá là thế, nên săm lốp, phụ tùng được tận dụng ở mức tối đa. Săm vá chằng vá đụp, nhiều lúc tưởng như không còn chỗ trống để vá. Lốp bục, thủng thì cắt dây cao su từ săm xe bỏ đi, rồi quấn lốp lại như xác ướp Ai Cập. Ấy thế mà cứ chạy vù vù….. Mùa màng thì có xe thồ đi chở lúa, chở phân tro, chở ngô khoai, chở mạ….

Tôi nhớ có hôm bố đang mải chữa xe, tôi mang đồ nghề của bố ra ngồi… đục nền nhà. Đục được mấy lỗ thì bố thấy, phết cho một trận xoắn đít. May mà có chị gái con bác tôi ở đó, bế tôi chạy đi tránh đòn ^^

Rồi mẹ sinh em trai tôi. Bé tí nên tôi cũng chẳng biết gì. Thường thì hồi đó người bệnh, hay phụ nữ chuẩn bị đẻ, đi xa người ta ít khi dùng xe đạp chở vì sợ xóc. Đường xá toàn đường đất mà… Thế là mọi người kiếm một cái võng chắc chắn, buộc hai đầu vào một cây luồng, rồi để hai người khiêng hai đầu, hoặc buộc hai đầu vào hai chiếc xe đạp chở đi.
 

Lúc mọi người chở mẹ và em tôi từ trạm xá về nhà, tôi liền sấn xổ trèo lên giường xem em bé. Thằng em tôi mới sinh, nó còi và đen, khóc cứ the thé. Tôi chẳng quan tâm, cứ sờ người nó, nó lại khóc ré lên. Thế là bố lôi tôi ra ngoài nhà.

Có em bé mọi người trêu tôi là bị ra re. Trẻ quê có em là rất hay bị trêu như thế. Ra re mẹ không chơi với nữa mà, mẹ chơi với em thôi. Thuộc trường phái tự kỉ hay lủi thủi chơi một mình, nên tôi cũng chẳng bận tâm cho lắm.

Nhà cậu họ kế bên này có thằng con trai kém tôi một tuổi. Vợ chồng ông lão hàng xóm ở nhà kế bên kia thì có mấy người con đang tuổi thiếu niên nên tôi chẳng thiếu bạn để chơi. Hôm thì lang thang với thằng con cậu đi bắt chuồn chuồn, đi nghịch vớ vẩn ngoài đường, trong xóm. Hôm thì đi theo mấy ông chú hàng xóm đi tìm tổ ong, đi câu cua, câu cá sọi cờ…. Có một kỷ niệm mà tôi và thằng con trai của cậu còn nhớ mãi (để lại thương tích đến tận bây giờ mà ^^). Chẳng là, có anh con bác đi làm đay về cho cái tổ chim, trong đó có hai con chim non. Thế là hai thằng giành nhau. Tôi lớn hơn, nó tranh không lại, liền chơi bài cùn, cắn vào đầu gối tôi một cái tróc da chảy máu, rồi ôm tổ chim chạy mất hút… Tôi khóc om sòm. Đau quá mà. Đến giờ đầu gối vẫn còn cái sẹo bằng ngón tay út do nó cắn. Qua mấy ngày chuyện êm xuôi, nó mò sang nhà tôi chơi. Rồi xích mích cũ nổi lên, hai thằng lại hục hoặc đánh nhau. Tôi xô nó vào cái móc ông tôi làm để treo cái xe đạp lên. Bị móc sắt móc vào mi mắt tóe máu, nó khóc giãy trời giãy đất. Nghĩ cũng dại. Đúng là nghịch ngu, xém tí thì vào mắt, có mà mù…. Đến giờ nó cũng có cái sẹo ở mi mắt. Ân oán giang hồ coi như hòa!

 

Nhà bác họ cách nhà tôi ba nhà. Hai chị con gái bác quý tôi lắm. Nhất là chị út, hay bế tôi đi chơi. Nhiều khi đi cắt cỏ cũng kéo tôi đi cùng. Quê khi đó cây cối xum xuê thật là thích. Không khí trong lành. Hoa trái, chim chóc ríu rít quanh năm. Nhà tôi khi ấy, ngay bậc cầu ao là một cây bưởi. Ngoài cổng những ba cây bưởi, trong đó có một cây bưởi đào (cùi và múi màu hồng, ăn ngọt). Xung quanh bờ ao là 6-7 cây xoan. Ngõ gần ngoài mặt đường, bên trái là cây bạch đàn cao lớn. Bên phải là cây bồ kết… đực (gốc to, ra hoa rất nhiều mà đậu lèo tèo có mấy trái), là tụ điểm xin gai bồ kết về khêu ốc của xóm cũng như mùa hoa bồ kết, cả bọn trèo lên bắt con xén tóc, sâu si chơi. Đằng sau nhà cũng là một rặng xoan, trong vườn một hàng cau liên phòng ( ra quả quanh năm), mấy cây cam, ổi. Cây cối xanh mát khắp xóm nên cái thời bọn tôi ít khi biết đến oi bức ngột ngạt là gì.

 

Ông tôi trước là chiến sỹ trong kháng chiến chống Pháp. Ông giải ngũ là thương binh nhẹ. Ông tôi có nhiều kỷ vật chiến tranh, mang về tận dụng làm đồ dùng trong nhà. Như cái thùng đạn thì làm nồi áp suất, tết về luộc bánh chưng. Cái thau nhôm Liên Xô dày bịch, dùng mấy chục năm đến giờ vẫn chưa hỏng.. chiếc dao Mỹ bằng inox sáng choang, để gọt hoa quả.. cả con dao lê lắp đầu súng khi đánh giáp lá cà.. Ông còn có mấy cái áo khoác dày và ấm lắm. Mùa đông rét mướt, tôi lại chui vào lòng ông, nằm cuộn tròn như con mèo sưởi ấm.
Bị ra re nên tối tôi ngủ với bà nội, được bà xoa bụng, rồi quạt mát cho. Quê khi đó chưa có điện. Tối thắp sáng bằng đèn dầu, đêm hè nóng bức thì dùng quạt mo, quạt nan, quạt giấy phe phẩy..

 

 

Có hôm lang thang ngoài cổng, thấy con gà trống hàng xóm đạp con gà mái nhà mình. Còn bé tí có biết “ xếp hình” là gì đâu, cứ tưởng sắp có án mạng. Tôi vừa mếu máo vừa chạy thẳng về nhà gọi ông. Ông tôi thấy cháu khóc, tay thì cứ chỉ vào con gà trống, liền cầm cái que đuổi nó chạy đi chỗ khác. Giờ nghĩ lại vẫn thấy đến là hài.
 

Bọn trẻ trạc tuổi tôi trong xóm cũng nhiều lắm. Thế nên mấy phong trào đá nịt, đánh khăng, quay cù…. luôn rất sôi nổi. Còn bé tí, kinh nghiệm giang hồ chưa có nên tôi chỉ đứng xem là chính. Tham gia chơi do “gà” quá nên toàn bị bắt nạt. Mẹ cho tờ năm mươi đồng, đi mua được năm mươi cái nịt, thế mà nghe chị hàng xóm lớn hơn mấy tuổi, gạ chơi, cũng thắt nịt đá, thua sạch, khóc lóc mũi dãi lòng thòng cả buổi không nín….

 

 

Quê ngoại tôi ở Hưng Yên, quê hương nhãn lồng. Nhà ông ở gần bến đò ven sông Luộc. Hai bên bờ đê toàn những cây nhãn cỡ bự. Mùa nhãn chín, bố mẹ hay đưa tôi qua chơi với ông bà và các bác mấy ngày, được ăn nhãn thả ga. Mấy thằng trong xóm bên đó ăn nhãn nhiều tới mức nổi cả mụn nhọt. Tôi thuộc dạng mát da mát thịt nên chưa dính vụ này bao giờ.

 

 

Tuổi thơ lên năm lên ba cứ bình yên như vậy trôi đi, với biết bao kỷ niệm. Nếu mà kể ra hết thì chắc nhiều lắm. Qua những điều tôi kể, các bạn cũng có thể hình dung phần nào cuộc sống của trẻ em nông thôn những ngày tháng đó. Thông qua trang web này, chúng tôi cũng rất mong được các bạn chia sẻ những kỷ niệm về thời thơ ấu của mình. Hãy mạnh dạn viết bài và gửi về cho chúng tôi nhé!

                                                                                                           
                                                                    Nguyễn Đương
                                                                     (Hình ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ internet)