Tác Giả:
Ba bỏ má khi nó còn chưa lọt lòng. Cái nghèo, cái đói đã thôi thúc ba nó đi đến một miền đất hứa nào đó mong tìm cái nghề khác đổi đời.Ba với má là mối tình vụng trộm nên chẳng cưới hỏi, hôn thú gì cả, má sinh ra và nuôi nó mặc lời gièm pha của mọi người. Nó lớn lên cùng với từ “con hoang” mà bạn bè trong xóm mỗi khi trêu ghẹo vẫn thường gọi vậy.
Khi còn nhỏ, nó buồn lắm, cũng chẳng hiều “con hoang” là gì. Về nhà hỏi má, má lặng thinh nhìn nó, rồi kéo nó vào lòng bật khóc nức nở. Lúc đó, nó chỉ nghĩ đơn giản theo lời má bảo trong tiếng nghẹn là từ đó chúng bạn gọi mình vậy là không tốt, chúng nó trêu bạn là không ngoan, mình không chế giễu tụi nó nên mình là con ngoan của má.
Hè mà nó chuẩn bị vào lớp một, má con khăn gói tìm đường đến nơi khác mà sống. Đến khi lớn thì nó mới hiểu rằng má bỏ quê nghèo dẫn con đi vì không muốn hai tiếng “con hoang” đeo đẳng nó suốt cuộc đời này. Trong trí nhớ của nó thì má con nó đã đi trên con đường rợp hàng phựơng đỏ, vượt qua những cánh đồng mạ non, ngang những đầm sen rộng mênh mộng đế đến một căn nhà nổi trên sông.
Má con nó ở đó, sáng nó đi học thì má phụ người ta trồng sắn cao sản, chiều nó ở nhà thì hai má con chèo xuống theo dòng để lưới cá, tôm mà đem ra chợ bán hay cải thiện bữa ăn hằng ngày. Vậy là tuổi thơ nó lớn lên trên con đường đi học xa xôi vừa di chuyển bằng thuyền, vừa lội bộ, cuộc sống má con nó bấp bênh theo con nước thủy triều và tàn tích kỉ niệm của nó là đôi chân có vô số vết thẹo để lại do những lần ngứa không chịu được phải gãi vì mũi chích.
Rồi nó thành thiếu nữ, thướt tha trong bộ áo dài trắng tinh khôi mà má phải làm lụng vất vã, tiết kiệm từng đồng mới may được cho nó để cùng chúng bạn cắp sách đến trường. Nó lớn lên vậy, nhờ một tay má, lòng tốt của bà con xóm giềng và của cả con sông Đồng Nai hiền hòa cho má con nó có bữa ăn hằng ngày, có đồng ra đồng vào để có tiền đóng cho nó đi học.
Tốt nghiệp tú tài với tấm bằng loại khá. Nó muốn xin má được lên Biên Hòa dự thi vào trường cao đẳng sư phạm mà nó không dám mở lời vì sợ rằng má sẽ không cho . Má sợ nó đến chỗ lạ bị lôi kéo làm việc xấu, sợ nó bị người khác ăn hiếp, sợ nó có bệnh gì thì ai mà lo cho như má nó ở nhà nhưng nó muốn hoàn thành ước mơ của mình. Nó ước sẽ được thành cô giáo dạy chữ cho lũ nhỏ ở làng bè nghèo xơ xác này để thoát khỏi cái cực khổ mà ba má chúng nó từng trải qua.
Một đêm hè, khi hai má con vừa tấn mùng xong, nằm yên vị trên chiếc giường gỗ thì nó bồng quay sang ôm má rồi thủ thỉ:
- Má cho con đi thi trường sư phạm ở Biên Hòa nha, con ráng thi đậu rồi theo học để mai mốt trở thành cô giáo về dạy chữ cho lũ trẻ ở xã mình nha má.
Má gác tay lên trán, nhìn trần nhà, hồi lâu sau mới bật thành lời:
- Mày đi mấy năm vậy má biết ở với ai hả con!
- Con cũng không biết nữa…
Nó nói khẽ từng từ trong tiếng thở dài. Ờ thì má nói cũng đúng. Nó đi rồi thì ai chăm sóc mà khi má đau bệnh? Ai thủ thỉ tâm sự với má cho má đỡ thấy trống trải khi trong nhà không có một người đàn ông trụ cột? Ai bóp chân, bóp tay cho má mỗi đêm khi má chèo cả ngày trên dòng về nhức mỏi? Những câu tự hỏi ùa về một lúc khiến nó không kịp có câu trả lời theo dòng suy nghĩ. Nó xoay đầu nhìn sang trái thì thấy mắt má đã nhắm hờ, tay thì vẫn gác trán. Chắc má cũng đang suy nghĩ về chuyện nó vừa nói. Nó buồn, suy nghĩ miên man rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Mấy ngày sau đó, nó lén má điền hồ sơ rồi gửi thư bảo đảm lên trường cao đẳng mà nó xin dự thi. Nó thi khối C và sẽ là cô giáo dạy văn tương lai. Nghĩ đến đấy nó mỉm cười và tin tưởng vào một ngày mai khi mà nó thướt tha trong tà áo dài mỗi buổi đến lớp dạy chữ cho các em nhỏ.
Khi lưới cá, lúc phụ má trồng sắn, chiều cùng má nấu cơm. Chẳng khi nào mà nó không đề cập đến việc đi học cao đẳng, về những tấm gương nhà nghèo vượt khó mà nó được biết đến qua các báo, các mẩu tin đều được nó cắt ra cẩn thận rồi cất vào tấm bìa sơ mi để nhìn vào đó nó phấn đấu mà học tập. Nó nói suốt, nói đến chán chê nhưng má nó trả lời nó bằng nhiều kiểu khác nhau để khuyên nó ở nhà với má:
- Mày lên trển lấy tiền đâu má đóng học phí?
- Dạ. Nhà nước đâu có thu tiền các sinh viên học sư phạm như con đâu má..
- Vậy tiền đâu mà mày mua sắm sách vở, cơm nước hằng ngày, còn đủ thứ phải cần đến tiền đó con à!
- Con sẽ xin làm thêm mà má, chạy bàn, quét dọn, gia sư, cái nào con cũng ráng làm hết để có tiền trang trải. Con sợ là cuối tháng còn dư tiền gửi về cho má nữa đó nha.
Nó cười tươi trong khi má nó giữ đôi mắt buồn và nhìn về phía xa xăm:
- Má hổng cần tiền của mày, má chỉ cần mày ở nhà phụ má làm kiếm tiền. Má định gom góp đóng mấy bè nuôi cá chứ hai má con mình cứ lênh đênh kiếm cái ăn hằng ngày suốt ngần ấy năm, kiếm được đồng nào xài đồng đó, tích cóp được gì đâu nè. Mày ở nhà với má đi, phụ má mà chán thì xin lên xã làm văn thư gì đó. Mày tốt nghiệp tú tài, ai mà nỡ không nhận hả con!
Má nói nhanh và nhấn mạnh ở những từ cuối, chiếc đũa đang cầm trên tay để xới cơm má cũng buông xuống rồi đứng dậy để đi ra cửa nhìn về phía cầu La Ngà xa xa.
Đến ngày đi thi, nó dối má là đi tham quan rừng Nam Cát Tiên với huyện đoàn đến mấy ngày mới về. Đập con heo để dành mấy năm nay nó thầm nghĩ chắc một triệu rưỡi cũng đủ cho nó “lên kinh ứng thi” rồi.
Rồi công sức nó bỏ ra cũng không uổng phí tí nào. Đang thu họach sắn thì anh cán bộ xã tên Linh chạy xe vượt băng qua cánh đồng, gương mặt nở nụ cười tươi, tay anh trao tay nó giấy báo trúng tuyển và giấy báo nhập học. Nó cầm tờ giấy mà mắt mờ đục do nước từ khóe mắt rơi vì vui sướng. Tay cầm tờ giấy giơ cao thẳng lên trời, nó chạy ù thật nhanh về nhà. Nhìn dáng nó chạy về phía trước như hình ảnh của những đứa trẻ thả diều khi trời no gió. Nếu như con diều của bọn trẻ sặc sỡ màu sắc được thả theo thú vui con nít, thì con diều của nó mang theo những ước mơ, khát vọng giúp ích cho đời.
Nó về nhà và đọc cho má nghe từng chữ trong tờ giấy, giờ thì nó đã đủ tự tin không sợ má nó giận vì trốn đi thi nữa rồi. Má nghe nó đọc từng chữ, từng từ mà môi nở nụ cười, nhưng vừa kết thúc dòng cuối thì là lúc mặt má nó xám lại:
- Mày thi đậu thì má nhất quyết cũng không cho con học đâu. Mày đi thì má chết cho mày coi nha con.
Má lại khóc, nó nghe lời má nói nó cũng khóc nghẹn ngào. Giờ đây nó tin má hoàn toàn không cho nó đi và không còn cách nào để năn nỉ nữa rồi. Nó ôm chầm lấy má mà nấc lên. Đây là lần thứ hai nó ôm má khóc, sau lần đầu tiên là lúc trên xe má con nó bỏ xứ ra đi.
Cuối tháng 9. Phượng đã tàn hết màu hoa đỏ, ve cũng không còn râm ran tiếng ca não lòng, thay vào đó là bông cúc vàng nở khắp các lối, trên con đường đất dẫn đến ruộng sắn hằng ngày nó vẫn đi, lávàng rơi lã chã, mỗi đêm trăng cũng rót ánh vàng trên từng thửa ruộng mía, ruộng sắn. Ánh vàng xuất hiện sáng - chiều, màu vàng của tự nhiên làm nó buồn đến lạ kì.
Nó vẫn khóc khi cầm tờ giấy báo trên tay. Và nó vẫn khóc ướt đẫm gối khi từng đêm suy nghĩ về việc bỏ nhà theo học. Nó không nỡ nhìn thấy trong xã nó có nhiều đứa trẻ lên mười rồi mà con chữ bẻ đôi còn không biết. Nó nhờ anh cán bộ xã cùng chú phó chủ tịch hai lần xuống tận nhà bè của má con nó mà động viên, khuyên má nó cho nó được đi học mai này về giúp xã nhà. Mà má nó gạt phăng lời của mấy anh, mấy chú rồi ra ý không muốn nói thêm. Thấy vậy nó cũng đành chèo ghe chở mấy chú về mà lòng buồn lắm. Nó suy nghĩ nhiều, khóc nhiều. Giữa tri thức và chữ hiếu nơi mẹ, nó không biết phải chọn sao. Lỡ trong lúc nó đi học mà mẹ có chuyện gì thì chắc nó không còn thiết sống nữa.
Nhưng nó đã nhất quyết rồi, nó sẽ theo học ở trường cao đẳng rồi hằng tháng sắp xếp về thăm má. Nó thương má nhưng thương mấy đứa trẻ còn gấp bội, mặc ai nói nó lo chuyện bao đồng, ăn cơm không đủ mà lo chuyện thiên hạ nhưng nó nhất quyết phải chứng minh được nó sẽ thành công, sẽ dạy được cái chữ cho lũ nhỏ ở xã nghèo này.
Ngày đó cũng đến, sáng nó mở mùng dậy, xối nước rửa mặt, tắm rửa thật nhẹ nhàng vì nó sợ má thức giấc. Nó để tờ giấy xin lỗi má trên chiếc bàn gỗ mà nó đã soạn sẵn từ đêm qua. Nó đeo ba lô, tay xách túi đựng sách, tập và trong túi có đúng một triệu tiền nó gom góp và mượn từ mấy đứa bạn cũ. Nó đi khẽ và nhẹ nhưng vừa ra đến cửa, má nó đã cất tiếng:
- Mày đi đâu sớm vậy con?
Nó sợ má nó biết, má nó đòi sống chết cản nó nhưng nó phải cất lời từ tận đáy lòng để không phải hối tiếc:
- Con xin lỗi má, con sẽ đi học để làm cô giáo. Má ở nhà giữ gìn sức khỏe nha, con sẽ về thăm má thường mà. Má đừng lo cho con, con lớn rồi. Con biết con làm vậy là cãi lời má. Nhưng… Con đi nha má.
Nó nói những lời cuối thật lẹ rồi mở cửa nhà để ba lô với giỏ lên chiếc xuồng. Má nó nghe nó nói, hoảng hồn ngồi bật dậy, kéo phăng tấm mùng mỏng rồi chạy ra níu tay nó mà khóc nghẹn:
- Đừng bỏ má con ơi, má khổ lắm rồi con ơi. Không có con má sống sao đây con.
Má nó quỳ xuống, chồm tới níu tay nó mà khóc ròng. Đôi tay sần của bà mẹ lam lũ nuôi con mấy chục năm trời run run trong hai hàng nước mắt. Nó sợ, rất sợ lúc này. Nó sợ má nó sẽ đòi chết trước mặt nó, nó sợ nó không cầm lòng được rồi sẽ chôn chân ở vùng quê nghèo này. Nó dùng hết can đảm, vụt tay nó ra khỏi bàn tay gân guốc của má rồi leo lên thuyền, dùng hết sức mà chèo trong hai dòng nước mắt. Giữa tĩnh mịch của buổi sớm, khi sương còn chưa tan, mặt trời chưa rạng thì tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn của má nó đã xé toạc màn sương sớm:
- Con ơi, đừng bỏ má… Đừng đi mà con…..
Nó lên thành phố với vốn sống ít ỏi vì có khi nào nó xa mẹ đi xa vậy đâu. Lúc này nó mới thấy mình liều khi mà tay xách nách mang để xin ở tại kí túc xá, sắp xếp chỗ ở. Trời cũng thương nó, mọi việc đều ổn định, nó được xếp ở chung với hai nhỏ ở huyện Thống Nhất và một nhỏ ở Nhơn Trạch. Bốn đứa thương yêu nhau như chị em ở nhà vậy, có gì cũng nhường nhịn, ít khi nào lời qua tiếng lại. Mỗi buổi chiều nó đảm nhận việc nấu cơm, nó biết chế biến nhiều món lạ từ cá, tôm nên ba đứa còn lại trong phòng cứ nhìn nó mà ngưỡng mộ. Nhưng mà tụi nó đâu biết, mỗi lần nấu ăn nó nhớ má nó lắm. Nhớ cái lúc má cùng nó thổi phù phù vào lò lửa than cho cơm mau chín, nhớ lúc nó nêm canh bị mặn má nó phải “chữa cháy” nồi canh bằng nhiều cách khác nhau... Rồi nó lại khóc, không biết má giờ này đang làm gì, má ăn cơm chưa, mấy nay má có đau bệnh gì không. Bất giác nó chợt nhớ về tiếng má gọi ngày xưa lúc nó nhất quyết bỏ đi. Bây giờ cũng là tiếng má, nhưng là tiếng động viên từ má, tiếng má khuyên nhủ cho nhiều điều giúp con sống sao cho tốt trên mảnh đất thành phố nhiều cạm bẫy này.
Nó lao vào học thật tốt và cố gắng xin một chân cộng tác viên để viết bài cho tờ báo của tỉnh. Rồi nó còn đi phụ bán cà phê, chạy bàn mỗi khi tan học. Mấy lần nó về thăm nhà má dúi tiền vào tay mà nó có lấy đâu, nó còn gửi tiền cho má để dành dụm nữa chứ. Những tháng ngày xa nhà đã tôi luyện, giúp nó cọ xát nhiều hơn với xã hội rộng lớn này, giờ nó đã trở thành cô sinh viên thành phố, được nhiều nơi mời về làm việc sau khi làm việc nhưng nó vẫn nhớ lời hứa khi xưa với má nó là dạy chữ cho trẻ ở xã quê mình.
Ba năm sau, cô nữ sinh trong câu chuyện trên đã hoàn thành xong khóa học. Trên chuyến xe buýt về xã, cô ôm khư khư bìa sơ mi đựng bằng tốt nghiệp vào lòng. Vừa xuống xe cô đã chạy ngay về nhà, trong cô lúc này có cảm giác thật lạ, vui và rất tự hào.
Đừơng về xóm hôm nay khác nhiều quá. Dưới ánh mắt của “trạng nguyên” như cô, về làng thì cái gì mà chẳng khác chứ. Cô chèo ghe nhẹ nhàng ra căn nhà nổi giữa sông. Căn nhà của cô và má vẫn vậy, chỉ khác là má đã đóng được bốn khung bè để nuôi cá. Tiền đóng bè có cả tiền của cô gửi về giúp má hằng tháng nữa nên cô còn vui và tự hào hơn gấp bội lần.
Từ phía xa nhìn thấy má đang cho cá ăn trên bè, cô bỏ mái chèo, đứng bật dậy giữa ghe mà cất tiếng gọi:
- Má ơi...
Hai má con ôm nhau trên ngôi nhà nổi thân thương ấy, người mẹ mừng nhìn đứa con gái lớn, chẳng biết nói gì. Bà cất lời từ tận đáy lòng:
- Con đừng bỏ má đi nữa nha con.
- Dạ. Con sẽ ở bên má suốt đời. Ở vậy khỏi lấy chồng nuôi má luôn nha!
- Con nhỏ này. Vậy cháu đâu mà má bồng hả con.
Má trách yêu cô rồi hai má con lại ôm nhau hạnh phúc. Không hề có giọt nước mắt nào rơi ra mà chỉ là sự hạnh phúc, sung sướng của cô vì được chăm sóc má, của má vì được ở bên con mãi mãi.
Đỗ Khôi Nguyên
Trường THPT Nam Hà, TP Biên Hòa, Đồng Nai
Xin chân thành cảm ơn em!