TRÒ CHƠI THUỞ BÉ

DS Bài Viết

Tác Giả:

“ Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo mo cau chở em khắp ngõ vườn. Cô bé mỹ miều, cười run run bờ vai tay ôm chắc vành mo…..” Nhớ về tuổi thơ, sinh ra và lớn lên trên quê hương, với biết bao kỷ niệm. Kỷ niệm về gia đình, họ hàng. Kỷ niệm về những cảnh vật thân thương. Kỷ niệm về những ngày tháng cắp sách tới trường… Và trong đó, không thể không nhắc đến, những trò chơi thật vui nhộn, thú vị đã theo ta suốt những năm tháng tuổi thơ.

Quê ngày ấy còn nghèo, điện thì mới về. Những thứ đồ chơi xa xỉ, trẻ em nông thôn chẳng mấy khi có. Thế nên những trò chơi bọn trẻ chúng tôi chơi, đều là những trò chơi dân gian từ xưa truyền lại, hoặc những thứ đồ chơi đơn giản, tự chế ra mà chơi. Giản dị là thế, đơn sơ là thế nhưng thật vui nhộn và ấm áp.
Trò chơi đầu tiên tụi tôi chơi, và là trò đơn giản nhất, có lẽ là trò “ trốn tìm”. Chơi món này chẳng cần phải đồ chơi, dụng cụ gì hết. Ban đầu cả bọn oẳn tù tì, thằng nào thua sẽ phải đi tìm những đứa còn lại. Trước tiên là úp mặt vào một thân cây to hoặc bờ tường, đếm “ 5-10-15-20…… đến 100” trong khi những đứa khác thì túa đi tìm chỗ nấp. Thằng nấp bụi cây, thằng nấp sau tường, thằng nấp chân đống rơm, thằng núp bụi chuối. Đếm xong thì bắt đầu đi tìm. Túm được anh nào, anh chàng không may mắn đó phải thế chỗ người vừa úp mặt đếm. Cái trò này người đi trốn phải nhanh, người đi tìm phải tinh mắt. Có cu cậu chơi ăn gian, vừa úp mặt đếm vừa ti hí mắt, đâm ra ai nấp chỗ nào là thấy rõ mồn một!
Dây nịt, nhiều nơi gọi là dây thun, sợi dây cao su nhỏ, hình tròn, đường kính to cỡ quả trứng gà, nhuộm xanh đỏ tím vàng đủ màu cả. Đây là trò chơi bọn tôi rất hay chơi. Chơi nịt thì có nhiều kiểu lắm. Đá nịt, gảy nịt, bắn nịt…
Đá nịt, dây nịt đem buộc lại với nhau, rồi đá đến khi bung ra là thắng. Có thể chơi tay đôi hoặc chơi túm năm tụm ba. Trước tiên, các bên thỏa thuận xem ván này chơi bao nhiêu. Chơi 10 cái – 20 cái – 30 cái hay 50 cái… Sau đó nịt được buộc thắt nút lại, mỗi phe đá lần lượt một cái một. Trò này chỉ lợi mấy thằng chân to và khỏe, đá vài cái là nịt bung ra. Lại còn có trò đá móc, tức là xêu ngón chân vào bó nịt rồi sút văng lên trời cho tung tóe hết cả ra. Kỹ thuật này rất chi là lợi hại và đẹp mắt nên được các cao thủ rất ưa chuộng.
Gảy nịt thì mỗi bên một cái nịt, dùng tay hất lên cao, sao cho đè lên dây nịt của đối thủ là thắng. Nhưng mà đè phải đè qua thân dây nịt mới ăn. Chứ chỉ mới giao nhau thì phải chơi lại, bọn tôi gọi là “mím” ^^  Chơi gảy nịt một cái một không thích vì lâu quá. Thế là bọn tôi nghĩ ra trò “ chầu” kiểu như đặt cược. Mỗi ván ngoài hai cây nịt đang sắp gảy, hai bên (kể cả người ngoài) có thể đặt cược vào đó thêm bao nhiêu dây nịt tùy thỏa thuận. Gảy thắng là được ăn luôn cả dây nịt “ chầu”
Cái trò chơi hồi bé chơi không sao, mà đến giờ nghĩ lại mới thấy gớm. Đó là thổi "bóng bay bà đẻ". Gọi là bóng bay bà đẻ, thực ra là bao cao su. Thổi bóng bay bình thường thì chẳng có chuyện gì rồi. Hồi đó dân quê có mấy ai biết món này. Thấy nó hình dáng như bóng bay, lại to bự, thế là người ta nhập về bán trong cửa hàng tạp hóa, cho bọn trẻ con thổi phùng mồm, thành quả bong bóng to vật vã ^^
Trò đánh đáo cũng rất phổ biến. Dụng cụ gồm 1 miếng chì tròn, dày cỡ 1cm, to gần bằng cái bánh rán gọi là " cái" và đồng xu. Không có miếng chì thì đẽo viên ngói tròn đánh cũng được. Kẻ vạch trên và vạch dưới, cách nhau khoảng 5m. Bắt đầu vào chơi mỗi người sẽ cầm một đồng xu, đứng ở vạch dưới ném đồng xu lên vạch trên. Người nào ném xu gần vạch nhất sẽ là người đánh đầu tiên. Cầm miếng cái ve làm sao cho xu đối phương bắn văng qua vạch là thắng. Đánh không trúng xu hoặc đánh không văng xu qua vạch thì nhường người kế tiếp chơi, cứ thế xoay vòng tròn.
Tiếp theo là chơi bi ve. Bi ve được làm từ thủy tinh, nhỏ cỡ gần ngón tay cái. Tâm bi ve làm mấy sợi mảnh nhiều màu nhìn rất thích mắt. Chơi bi ve có nhiều cách chơi. Chơi bắn lỗ. Khoét năm cái lỗ, bốn lỗ bốn góc, một lỗ ở giữa, đường kính to hơn viên bi một chút. Kẻ một cái vạch cách vị trí lỗ gần nhất khoảng ba mét. Đứng ở vạch búng đến vị trí lỗ. Sau đó thì ai bắn bi vào lỗ trước người đó thắng. Trong quá trình bắn bi vào lỗ, được phép bắn văng đối thủ đi xa khỏi lỗ để đối thủ khó lòng quay lại được. Hoặc chơi trò bắn bi qua vạch. Ai bắn đối thủ văng qua khỏi vạch đã kẻ trước là chiến thắng.

Trò nặn pháo đất rất chi là rôm rả. Một nhóm mấy đứa chơi, bắt đầu đi kiếm đất sét nũng, ướt, để nặn thành hình cái nồi. Có thằng không làm vung, có thằng còn chế thêm cái vung nồi cho nó hoành tránh. Rồi bắt đầu vung pháo đất lên cao đập xuống đất một cái thật lực. Thằng nào pháo nổ to hơn (lỗ toác trên pháo to hơn là thắng), kẻ thua phải véo miếng đất ra trét cho đầy cái lỗ trên pháo của người thắng cuộc. Cứ thua vài ván là hết sạch đất, lại phải lò mò đi tìm thêm đất sét về chơi.
Trò chơi cù (có nơi gọi là bông vụ). Cù được làm từ cây gỗ loại nhỏ, thường là gỗ nhãn, gỗ ổi, gỗ bưởi…. mấy loại cây có sẵn trong vườn. Đục đẽo thành hình dáng như đầu cái bút chì đã gọt ngòi. Vị trí cái ngòi được đóng một cái đinh sắt nhỏ. Bọn tôi dùng dây dù để quay cù. Quấn dây dù quanh thân cù cho gần hết sợi dây, tay giữ đầu dây. Văng cù ra phía trước rồi giật dây một cái thật mạnh. Chiếc cù quay tít mù theo quán tính, bị lực ma sát làm giảm tốc đến khi dừng hẳn. Cù ai quay lâu hơn người đó thắng. 
Trong lúc chơi nếu cù quay vào chỗ có địa hình xấu (đất lún, lắm sỏi đá), người chơi có quyền dùng sợ dây dù gạt cù lên địa hình tốt hơn. Phần thưởng cho người chiến thắng là được cầm cù của mình bổ thật mạnh lên đầu cù kẻ thua một cái. Chân cù có đinh, vớ phải cao thủ nào khỏe tay, có khi cù của kẻ thua trận bị bổ toác ra làm đôi ấy chứ.
Vào mùa hè đến cuối thu, lũ trẻ bọn tôi có trò đánh khăng. Khăng có hai cái, làm từ cây gỗ nhỏ, thẳng và nhẵn, thường là cây muồng hoặc thân cây đay to, còn tươi. Khoét một cái lỗ bằng nắm đấm, bỏ cái khăng nhỏ xuống, thò đầu lên như giâm cành mía, cành sắn tàu (khoai mì). Vẽ một cái vạch cách xa lỗ khoảng từ năm đến mười mét. Người đánh khăng sẽ dùng đoạn khăng dài (cỡ gần hai gang tay người lớn) , đập xuống đầu đoạn khăng nhỏ (dài cỡ một gang tay người lớn), cho nó bật lên khỏi miệng hố, rồi nhắm chuẩn vụt thật mạnh vào đoạn khăng nhỏ đang lơ lửng trên không trung, để nó bay vút về phía trước. 

Các cao thủ đứng dưới vạch sẽ vung tay để bắt được chiếc khăng nhỏ đang bay. Ai bắt được người đó thắng, có quyền lên đánh khăng cho người khác bắt, cứ xoay vòng như thế đến khi giải tán thì thôi. Trò này chơi cũng khá nguy hiểm. Phải vẽ vạch gần lỗ đánh quá, hoặc người đánh vụt quá mạnh, khăng lao nhanh, bắt không kịp là lãnh nguyên đoạn khăng vào mặt luôn chứ chẳng chơi!
Trên những bãi cỏ chỉ, bọn tôi tìm cỏ gà để đập nhau. Cỏ gà thường là đầu nhánh cỏ chỉ, có con sâu làm tổ trong đó, đầu sợi cỏ phình to ra gấp mấy chục lần bình thường. Người chơi bứt đoạn cỏ chỉ bị phồng lên đó, lần lượt mỗi người vụt vào đoạn cỏ của đối thủ một cái thật lực. Ai vụt được cỏ gà đối thủ đứt là người chiến thắng. Chơi chán, bọn tôi lại bóc cỏ gà ra ngịch. Ở giữa bao giờ cũng có em sâu nhỏ đang nằm, có thằng còn bắt con sâu bỏ vào miệng ăn ngon lành ^^

Trong các trò chơi, thì trò bắn súng phốc là bạo lực nhất. Súng phốc được chế từ khúc tre còn non, hoặc trúc, kiểu giống như một cái bơm xe đạp, có điều thân bơm hở cả hai đầu. Đạn súng phốc, bọn tôi thường dùng quả đay tươi, hoặc giấy ngâm nước vo tròn…. Nhét đạn kín chặt một đầu, rồi ấn đầu bên kia súng xuống. Hơi một đầu bị nén sẽ đẩy đạn ở đầu kia văng đi đánh “phốc” một cái. Ai bị bắn trúng thì rát hết cả người, nhiều đứa nghịch dại bắn cả vào mắt nhau, về bị bố mẹ cho một trận đòn nhừ tử.
Quê hồi đó cây dứa dại mọc nhiều. Lá dứa dại bọn tôi chế đủ thứ đồ chơi. Làm đồng hồ, làm mũ, làm chong chóng. Thích nhất là làm chong chóng. Hôm nào có gió, chạy lên cánh đồng, tay ai cũng cầm chong chóng quay tít mù. Ra lớp nhiều đứa còn đeo cả đồng hồ bằng lá dứa trên tay nhìn oách ra phết!

Tao nhã nhất, dành cho dân ham mê đỏ đen, phải nói đến chơi bài tam cúc. Ngày trước bộ bài tam cúc rất phổ biến. Giờ thì ít người chơi rồi. Bộ bài có 32 lá, chia làm hai phe, quân đỏ và quân đen. Thứ tự quân bài từ to đến nhỏ là : Tướng , sĩ, tượng (voi), xe, pháo, mã (ngựa), tốt (lính). Chia bài lần đầu, ai nhiều quân tốt cùng màu nhất thì người đó đánh trước. Đánh bao nhiêu lá thì các đối thủ phải chồng đủ từng đấy lá. Không đủ thì lấy quân khác bù vào, gọi là “ cọc cạch”. Người nào đánh hết bài trước thì thắng, ván kế tiếp được xướng bài đầu tiên. Chơi tú lơ khơ, bài tam cúc thường tiết trời giá lạnh, mùa đông hoặc ra giêng. Vừa ngồi trong bếp rang ngô, nướng khoai, vừa chơi bài thích phải biết.
Mà nếu đánh bài thì phải có phần thưởng gì đó mới rôm rả. Phần thưởng bọn tôi khoái nhất là được quẹt nhọ nồi lên mặt đứa thua. Ngày xưa đun bằng củi rơm chứ nào có nồi cơm điện. Đun một thời gian, đít nồi cái nào cũng đen sì. Bọn tôi kiếm cái nồi đen nhất mang ra. Ai thua bài thì bị kẻ thắng, lấy tay quệt ngón trỏ đầy nhọ nồi, quẹt vào mặt. Thằng về nhất quẹt thằng bét bảng hai cái. Thằng về nhì quẹt thằng về ba một cái. Đánh bài nửa buổi đảm bảo mặt thằng nào cũng như quỷ sứ, nhìn không thể nhịn được cười ^^

 ................................

Rồi còn biết bao trò chơi khác nữa, như thả diều, chơi cờ vồ, chơi tiền đông… mà tụi con trai chúng tôi thường chơi.

Đám con gái thì có trò chơi của con gái. Từ chơi chuyền, một tay cầm quả cà , quả cam nhỏ hoặc thứ quả hình tròn nào khác, một tay là đám que làm bằng cành tre nhỏ, dài cỡ cái đũa ăn cơm. Tay cầm quả cà tung lên, nhân lúc quả cà còn trên không trung, sẽ nhanh tay quơ lấy đám que. Quơ hết que trước sẽ là người thắng cuộc…

Trò nhảy dây, dành cho những người dẻo chân. Tôi thuộc dạng chân gỗ nên món này chịu thua.

Chơi ô ăn quan…

Chơi trò rồng rắn lên mây…

Trò nhảy ô….

Trò kéo mo cau...

Ký ức tuổi thơ đâu thiếu gì những trò chơi thật vui và đáng nhớ!




                                                                                                      Nguyễn Đương
                                                                       (Hình ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ internet)