TỤ ĐIỂM GIẢI KHÁT CỦA TỤI HỌC SINH

DS Bài Viết

Tác Giả:

Cái thời học cấp 1, cấp 2, lớp học bọn tôi làm gì có bình nước cho học sinh uống. Nhà nào cẩn thận thì cho con đeo cái bình tông nước đi học, những lúc nào khát lấy ra uống thôi. Bình tông nhựa, bình tông nhôm, từ thời chiến tranh để lại. Bố mẹ cẩn thận làm thêm cho cái dây đeo chéo qua vai, mang đến trường. Bình thường không lớn lắm, chỉ đựng được khoảng lít nước. Giờ ra chơi khát nước dăm ba thằng xúm lại xin là cái bình tông nước hết bay.


Nhà tôi cách trường có mấy trăm mét. Trước cổng là cái bể nước xây to, lúc nào cũng đầy nước mưa mát lạnh. Chẳng biết từ bao giờ nhà tôi bỗng trở thành nơi giải khát của tụi học sinh. Cứ mỗi giờ ra chơi, từng tốp từng tốp vào xin nước uống. Thường thì bọn nó lấy ca múc nước uống tại chỗ luôn. Thằng nào mang bình tông thì đổ đầy bình rồi lại mang ra lớp.


Tôi còn nhớ rõ khi ấy ông tôi trồng rất nhiều nhót. Cả chục cây chứ ít gì. Ngả xuống bờ ao đã bốn cây, ngoài vườn cạnh bờ mương cũng cả một dãy năm cây, chưa kể vườn sau nhà. Cây nhót từ lúc quả chưa chín, bằng ngón tay cái màu ngả xanh vàng là ăn được rồi. Kể cả lúc còn xanh hay đã chín đỏ, nhót đều chua. Bọn học sinh đến xin nước nhìn thấy nhót cứ gọi là thèm nhỏ rãi!


Những lúc xin nước uống, nhất là tụi con gái, rất hay hỏi mua nhót nhà tôi. Cũng chỉ 100 đồng, 200 đồng bố mẹ cho ăn quà vặt chứ chẳng nhiều nhặn gì. Ông tôi trồng nhót cho vui, ít khi nghĩ sẽ mang ra chợ bán, vì thế cứ mỗi lần tụi nó mua là cho cả vốc, tha hồ ăn. Mấy tay láu cá còn chẳng thèm mua, chờ lúc không ai để ý lẻn ra vườn vặt luôn một túm rồi lẩn mất hút ^^


Quả nhót, có một lớp phấn trắng ram ráp trên bề mặt. Nhót xanh thì rất nhiều phấn. Lúc ăn mà không chà vào quần cho hết phấn đi thì đảm bảo ăn rất ngái, nhiều lúc nuốt không nổi. Quả cương màu vàng hoặc quả chín đỏ thì đỡ phấn hơn, nhưng vẫn phải chà cho hết, ăn mới ngon. Có buổi bọn học sinh gom tiền lại, mua đầy cả mũ rồi mang ra lớp đánh chén. Quần thằng nào cũng trắng lấm tấm do chà phấn nhót vào. Bọn con gái hay mặc quần bằng vải nhung, vải mềm khó chà phấn. Trong lớp thằng nào có quần bằng vải thô ráp, đảm bảo lập tức sẽ có bốn năm đứa mang nhót ra chà thật lực cho mà xem. Hạt nhót ăn cũng rất ngậy, nên mỗi lần đánh chén, tụi nó nhai ráo cả quả!


Nhà bác tôi bán tạp hóa, cũng rất gần trường. Khu dưới thì có quán của ông Điềm nữa.  Đứa nào có nhu cầu ăn kẹo bánh hay mua nước ngọt thì ghé qua. Bọn tôi là đám học sinh nông thôn, đồ ăn thức uống chẳng đa dạng như ở thành phố. Mấy món ăn vặt của bọn học sinh mỗi giờ ra chơi chỉ vẻn vẹn có : nước khoáng Tiền Hải, kem bịch, kem que, nước ngọt trong chai nhựa và kẹo dừa.


Nước khoáng Tiền Hải là đặc sản của Thái Bình quê tôi, thường có hai loại : nước khoáng ngọt và nước khoáng mặn. Học sinh bọn tôi thường chỉ khoái uống nước khoáng ngọt, còn khoáng mặn người lớn đi làm về mệt nhọc thường thích uống để bổ sung khoáng chất và nước cho cơ thể. Cứ 500 đồng một chai, uống tại chỗ. Uống xong trả lại chai cho chủ quán rồi về lớp.


Kem bịch, nói là kem chứ thực ra là nước đá cho hương liệu với đường hóa học vào nên khi mút thấy rất ngọt. Quê thời đó chẳng mấy ai có tủ lạnh, trừ những nhà bán kem ra, nên kem bịch là món giải khát ưa thích của đám học sinh chúng tôi, dù rằng chúng chẳng béo bở gì. 100 đồng một cái, đưa lên mồm mút đến khi kem tan sạch thì thôi. Nhiều lúc ăn dư , bọn học sinh còn lừa lúc bạn không để ý, bỏ luôn kem vào trong áo, làm thằng kia lạnh quá, nhảy cẫng cả lên.
 

 
Cả xã có mấy người đi bán kem que, trong đó có anh Quân, anh họ tôi. Đồ nghề chẳng có gì nhiều. Một cái xe đạp. Một cái thùng kem bằng gỗ, trong có lót vải và xốp để giữ lạnh cho kem. Một cái còi bóp. Cứ vừa chở xe kem đi dọc đường vữa bóp cái còi kêu " kem mút, kem mút". Ai mua thì dừng xe, mở thùng lấy kem ra bán . Bán hết kem anh lại lên gần phố huyện lấy thêm kem về bán tiếp.
 

Kem anh Quân khá nổi danh, với kem dừa, kem gạo nếp, kem đậu xanh. Cứ mỗi giờ ra chơi, giờ đi học hoặc tan trường là anh lại đạp xe kem ra đứng trước cổng trường. Tụi học sinh nhìn thấy, liền xúm đen xúm đỏ lại mua. Kem đểu (nước đá pha hương liệu, đường hóa học) thì 50 đồng một cái. Kem xịn (kem gạo nếp, kem dừa, kem đậu xanh.. dẻo và ngon) những tận 200 đồng cơ. Có loại kem còn làm từ... cơm nguội, xem như nó đỡ tệ hơn là kem chỉ có nước đá, hương liệu và đường hóa học, thường có giá 100 đồng. Ăn thì cũng khá dẻo, mà mút một lúc thấy từng hạt cơm nổi lên, nhìn ghê ghê. Ấy thế mà tụi tôi cứ ăn ngon lành, chỉ còn chừa lại trơ mỗi cái que tre ở giữa  ^^


Kẹo dừa là loại kẹo trong miền Nam đem ra. Kẹo dẻo và dính. Ăn thì khá thơm ngon nhưng hay rắt răng. Ăn xong toàn phải thò tay vào mồm cạy miếng kẹo dính chặt trong hàm, nhiều lúc mất vệ sinh chết đi được. Thời đó chúng tôi cũng hay có trò chơi tú lơ khơ ăn kẹo dừa. Thằng nhất ăn hai cái, thằng nhì ăn một cái kẹo. Thằng bét phải trả cho thằng về nhất. Thằng về ba trả kẹo cho thằng về nhì, kể cũng vui đáo để.


 
Ngoài mấy món tiêu biểu trên, quán tạp hóa cũng bán nhiều loại khác như kẹo dồi chó, kẹo cam, mấy tuýp nước ngọt chứa trong lọ nhựa làm thành hình các nhân vật trong phim hoạt họa, hoặc hình các con thú.

Và một món đồ giải khát mà lũ học sinh những năm 1990 bọn tôi không thể nào quên, đó là "khế cô Mi".

Cô Mi là tên một phụ nữ đã luống tuổi, hay mang rổ khế ra ngồi bán ở cạnh quán ông Điềm gần trường. Khế của cô Mi là khế ngọt, cây khế lâu năm, gốc lớn nên quả khế rất to và ngọt lịm. Hầu như hôm nào cô Mi cũng đem khế ra bán, nhất là buổi sáng bọn học sinh chúng tôi đi học và giáp giờ tan trường. 


Khế của cô Mi ngon, nên lúc nào rổ khế cũng rất đông khách. Chẳng cứ gì bọn học sinh chúng tôi bâu nhâu lại mua mà người lớn cũng thích ăn. Bình thường cô Mi rất dễ tính, Thằng nào không có tiền mua cả quả, chỉ mua nửa quả hoặc một hai múi khế cô cũng bán. Nhưng cứ thử ăn chịu hay quịt tiền cô mà xem, cô chửi cho điếc hết cả tai . Cô Mi bị bệnh động kinh. Cuộc đời cô chắc cũng gặp nhiều gian truân, nên khuôn mặt cô rất dữ dằn, với mấy vết sẹo to tướng. Giọng nói thì oang oang, mà có lẽ tụi học sinh chúng tôi, chỉ gặp cô một lần là khó mà quên được. Ra trường nhiều năm, đám học sinh gặp lại, nhiều đứa vẫn nhắc khế cô Mi như một kỷ niệm dưới mái trường.
 

Đất nước ngày một phát triển, thay da đổi thịt. Học sinh bây giờ sống đầy đủ, ăn uống cũng sướng hơn chúng tôi ngày xưa. Bọn tôi hồi bé, sáng đi học cùng lắm cũng chỉ có bát cơm rang muối, có khi là bắp ngô hay củ khoai luộc. Bọn trẻ bây giờ thì đủ thứ, nào là bánh mì pa tê, bơ, sữa, phở.... nhiều khi bố mẹ ép ăn còn không chịu ăn, chứ thời bọn tôi mà nhắc đến mấy thứ đó cứ gọi là thèm nhỏ rãi!





 
Nguyễn Đương