Tác Giả:
Với tụi học sinh nông thôn chúng tôi, chiếc xe đạp là một kỷ vật thật gần gũi và thân thương. Nhất là những đứa phải đi học xa, xe đạp như là một người bạn đồng hành vậy. Đầu những năm 1990, quê còn nghèo. Những đứa đi học xa, dù khó khăn bố mẹ cũng gắng sắm cho cái xe đạp đi học. Tùy điều kiện gia đình mà bố mẹ mua sắm xe đạp cho con đi học với các kiểu loại khác nhau.Phổ thông nhất, bình dân nhất là xe đạp Thống Nhất nữ. Loại xe này khá rẻ, xe mới thì giá khoảng hai ba trăm ngàn là mua được. Vì là loại xe phổ thông nhất nên xe cũ cũng nhiều. Mua xe cũ thì giá chỉ khoảng hơn một trăm ngàn. Xe nát có khi mấy chục ngàn là có xe đi.
Kế đến là xe Thống Nhất Nam, khác biệt so với xe nữ là có hàn một khung ngang nối yên xe với cổ phốt nên khung xe cao gần ngang yên xe. Ai cao thì đi xe không vấn đề gì, chứ phải mấy đứa học sinh thấp bé nhẹ cân, đi xe này đến là khổ. Nhất là lúc mới tập đi xe mà với phải xe Thống Nhất nam thì đúng là cực hình. Vướng cái khung ngang, mấy đứa nhóc loi nhoi chưa đến mười tuổi chẳng cách nào ngồi lên yên xe nổi, thế là đành phải chui thân qua khung xe mà đạp, vắt vẻo đến là buồn cười. Xe Thống Nhất những cái cũ có khi còn nguyên cái biển số xe thời bao cấp gắn ở khung xe nhìn rất hoành tráng.
Xe Phượng Hoàng nhập từ Trung Quốc qua. Xe nhìn đẹp và bền. Phải cái xe nặng trịch. Học sinh cấp một chắc bê không nổi phải hai ba thằng khiêng mới được. Hồi đó giá xe cũng khoảng sáu bảy trăm ngàn. Xe có loại xe nam và xe nữ như xe Thống Nhất, nhưng loại xe nữ thì phổ thông hơn.
Đẳng cấp đại gia thì có xe Mini Nhật và Xe Mifa của Đức. Xe mini có hai loại : Mini Nhật và Mini Tàu. Hình dáng giống nhau nhưng xe đạp mini của Nhật thì tốt hơn xe Tàu rất nhiều. Từ nước sơn, săm lốp, phụ tùng. Mini Tàu mua mới có ba bốn trăm ngàn. Mini Nhật thì cả triệu đến gần hai triệu (ba đến năm chỉ vàng thời đó chứ ít gì). Được cái tiền nào của nấy. Xe đạp mini Nhật dùng cả mấy năm rất ít hỏng. Xe mini Tàu qua một năm xui xẻo thì phải sửa búa xua.
Xe Mifa của Đức đắt ngang xe mini Nhật, rất nhẹ. Vòng bánh to hơn hẳn các loại xe khác. Đi cũng nhanh hơn, nhược điểm là xe yếu. Nhất là cái gác ba ga đằng sau, đứa nào nặng ký ngồi lên thì đảm bảo xe cứ lắc lư như quả lắc đồng hồ. Thế nên loại này thường đám con gái hay mấy cụ già thích dùng, chứ mấy thằng con trai nghịch như quỷ sứ, ngã xe vài lần là méo mó hết cả.
Có đứa nhà khó khăn quá, đi cả xe thồ tới trường. Xe thồ một năm cũng chỉ bận vài ngày mùa, chở lúa ngô khoai... phân tro... còn lại để không. Tháo cái cọc đốc bằng gỗ hoặc tre đóng ở khung xe ra, lắp yên, xích líp vào là có xe đi. Xe thồ không lắp phanh, các bậc phụ huynh liền chế cho cái phanh rất "độc". Cắt một miếng cao su bự từ dép tông Lào, rồi gắn nó vào càng xe, ngay phía trên của bánh xe. Lúc nào cần phanh gấp, dùng chân đạp mạnh cái miếng cao su, nó sẽ đè lên lốp bánh xe đang chạy, xoẹt xoẹt xoẹt là xe dừng lại. Xe thồ tuy nặng nề nhưng an tâm cái là chẳng mấy khi lo thủng săm, vì săm lốp dày bịch, toàn thuộc loại nồi đồng cối đá. Thồ hàng nặng cả mấy tạ còn chẳng ăn thua nói chi mấy đứa nhóc nặng có vài chục ký ^^
Những năm học lớp một lớp hai, còn bé tí nên tôi chưa biết đi xe đạp. Với lại mấy năm đó tôi học cách nhà có mấy trăm mét, đi bộ một lát là tới trường. Đến năm lớp ba tôi chuyển lên học khu trên xa hơn. Nhà tôi sửa chữa và bán xe đạp, bố sắm cho chiếc xe mini Nhật màu đỏ. Tôi thích lắm. Nhìn xe đẹp và chắc. Vấn đề đầu tiên là tập đi xe. Chị gái con bác ở gần nhà hướng dẫn cho tôi. Lần đầu tập đi xe, tôi cứ nhìn xuống.... bánh xe. Chị bảo nhìn đường phía trước chứ nhìn bánh xe làm cái gì ^_^ . Mà phải mất cả chục lần vừa đạp xe vừa cúi gằm xuống ngắm bánh xe tôi mới bỏ được cái kiểu đi như muốn.... hỏi thăm đường ấy!
Biết đi xe rồi tôi bắt đầu cùng con chiến mã rong ruổi khắp xã. Lúc lang thang đi tìm cây cảnh, khi thì rong ruổi với lũ bạn sưu tầm truyện tranh, hay tham dự một buổi chọi gà. Cũng phải ngã mấy lần mới đi thạo đấy. Nhớ một lần đang từ trong ngõ xóm phi ra với tốc độ của một chiếc F1, tới đúng ngã ba đầu ngõ gặp ngay ông bán kem cũng đang đi rất nhanh. Tôi vội ngoặt xe gấp để tránh va chạm với chú ấy. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tránh được ông bán kem thì cả người và xe lao thẳng xuống mương đánh ùm một cái. Tôi vẫn nhớ lúc đang chìm lỉm, bỗng chợt thấy mặt nước phía trên màu xanh xanh, điểm thêm mấy cây bèo hoa dâu trông khá là hấp dẫn.... rồi thì.... sặc nước ọc ọc ọc.... Mấy chú hàng xóm đang đứng gần đó vội nhảy ngay xuống mương vớt thằng bé và cái xe lên. Cả người và xe ướt như chuột lột. Mấy đứa bạn hàng xóm đứng xem cười nghiêng ngả.
Những buổi đạp xe đến trường, cái tụi nhất quỷ nhì ma chúng tôi cũng nghĩ ra nhiều trò lắm. Nào là trò cưỡi ngựa ra trận. Lái xe một tay, tay kia cầm cái que đay đánh nhau. Thằng nào tay lái lụa thì đánh cả buổi chẳng việc gì. Đứa nào tay lái yếu là mất lái ngã như chơi. Có đứa ngã gãy cả răng, vêu cả mõm.
Rồi cái trò lái xe buông cả hai tay tỏ mặt anh hùng. Đi kiểu đó phải đạp xe ở tốc độ cao, hơn nữa cổ phốt xe phải linh hoạt mới diễn lâu được. Có thằng đi trước đang buông tay biểu diễn, cổ xe ngoặt bất ngờ, ngã dúi dụi. Mấy đứa đi đằng sau phanh không kịp, thế là bốn năm chiếc xe ngã đè lên nhau, cứ như kiểu cầu thủ đá bóng ăn mừng bàn thắng. Chỉ khổ thằng dưới cùng, bị đè bẹp dí, đã thế xe còn có khi méo cả chắn bùn, chắn xích, giỏ xe, tha hồ dùng gạch mà đập cho nó thẳng lại. Thậm chí hỏng xe dong không nổi phải hò nhau khiêng đến tiệm sửa xe.
Những năm đó, cuộc sống không mấy dư dả nên trừ những nhà có điều kiện, thì những chiếc xe đạp luôn được tận dụng ở mức tối đa. Nhất là săm lốp. Săm vá chằng và đụp, lốp thủng thì lấy dây săm hỏng cắt ra chằng ngang chằng dọc, buộc chặt lại như xác ướp Ai Cập. Yên xe hỏng, kiếm miếng da hay nhựa giả da hoặc vải quân dụng (bền và chắc) , bên trong nhồi cả mớ giẻ rách, mút xốp rồi lấy dây dù khâu lại. Nhiều chiếc xe đã cũ nát te tua tang thương, vẫn đều đều mỗi ngày đưa đám học sinh tụi tôi đến trường.
Với tụi học sinh cấp hai, cấp ba, nhất là đám con trai. Chiếc xe còn là nơi thể hiện sự ga lăng với bạn gái. Có thằng tình nguyện xin làm xe ôm cho bạn gái luôn. Hàng ngày đưa rước nàng đi đi về về (may là tôi không thuộc nhóm đó ^^ ). Có hot girl ngồi sau xe đảm bảo công lực tăng lên gấp bội, đạp xe vù vù không biết mệt, bỏ lũ bạn ngửi khói đằng sau với con mắt ganh tị. Mà niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cứ trêu mắt quần hùng, thế nào cuối buổi cũng bị tiểu nhân hãm hại, tháo sạch hơi xe. Lúc tan trường, anh hùng kiêm khổ chủ vừa rong xe ra tiệm bơm vừa lầm bầm chửi rủa.
Cuộc sống ngày càng no đủ, những chiếc xe đạp cũ kĩ dần mất đi, nối đuôi nhau vào vựa ve chai. Thay vào đó là xe đạp xịn, xe điện, xe đua xe máy...Tất nhiên với học sinh nông thôn, chiếc xe đạp sẽ còn gắn bó trong thời gian khá dài nữa. Nhưng với tôi, những kỷ niệm gắn bó cùng chiếc xe đạp của thời học phổ thông những năm 9x , có nhiều nét rất khác biệt so với thế hệ bây giờ!
Nguyễn Đương